Nâng mức ngạch lương GS, PGS

(Dân trí) - Chính phủ vừa công bố dự thảo lần 3 về Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008.

Theo đó, Chính phủ bổ sung những nội dung như việc bổ nhiệm vào ngạch và xếp lương đối với nhà giáo thuộc biên chế sự nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học công lập.Cụ thể, nhà giáo đang được xếp lương ở ngạch phó giáo sư (PGS) - giảng viên chính (mã số 15.110), khi được bổ nhiệm vào chức danh giáo sư (GS) thì được bổ nhiệm không qua thi nâng ngạch và xếp lương ở ngạch GS - giảng viên cao cấp (mã số 15.109).

Nhà giáo đang được xếp lương ở ngạch giảng viên (mã số 15.111), khi được bổ nhiệm vào chức danh PGS thì được bổ nhiệm không qua thi nâng ngạch và xếp lương ở ngạch PGS - giảng viên chính (mã ngạch 15.110) theo quy định hiện hành về nâng ngạch và xếp lương của Nhà nước.

Nhà giáo đang được xếp ở ngạch lương GS - giảng viên cao cấp (mã số 15.109) được bổ nhiệm vào chức danh GS và nhà giáo đang được xếp ở ngạch lương PGS - giảng viên chính (mã số 15.110) được bổ nhiệm vào chức danh PGS thì được xếp lên bậc lương trên liền kề của bậc lương hiện hưởng thuộc ngạch lương đang được xếp (nếu trong ngạch còn bậc); thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ khi nâng bậc lần cuối trước khi được bổ nhiệm vào chức danh GS, PGS.

Việc bổ nhiệm vào ngạch và xếp lương trên được thực hiện theo phân cấp hiện hành của Nhà nước.

Đối với nhà giáo không thuộc biên chế sự nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học công lập, thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý nhà giáo xem xét vận dụng quy định trên.

Chính phủ cũng sửa đổi, bổ sung nội dung mới như yêu cầu ứng cử viên phải có bằng tiến sĩ từ đủ 36 tháng trở lên kể từ ngày có quyết định cấp bằng tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ tại Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở.

Nếu đã có bằng tiến sĩ nhưng chưa đủ 36 tháng tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ thì phải có số công trình khoa học quy đổi gấp hai lần tiêu chuẩn quy định bao gồm cả các bài báo khoa học và các công trình thực hiện trong ba năm cuối.

Có bản báo cáo kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ dưới dạng một công trình khoa học tổng quan được viết như một bài báo khoa học của tác giả từ sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ đối với người đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS hoặc từ sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS đối với người đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS.

Để xét chức danh GS, ứng cử viên đã được bổ nhiệm chức danh PGS có thời gian từ đủ ba năm trở lên, trong đó phải có hai năm thâm niên cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ tại Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở đang trực tiếp làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên.

Chỉnh phủ cũng bổ sung nội dung trong số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học quy định tại khoản 4 Điều 8 của Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008, phải có ít nhất 1/4 được thực hiện trong ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ tại Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở.

Nhà giáo, nhà khoa học là các tài năng trẻ có thành tích khoa học đặc biệt xuất sắc, vượt trội so với quy định nhưng thiếu một số tiêu chuẩn về thâm niên giảng dạy đại học, tiêu chuẩn về hướng dẫn nghiên cứu sinh hoặc tiêu chuẩn chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 của Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 và nội dung quy định trên.

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức thẩm định kết quả xét của các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành; tổ chức xét đối với những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 11 của Quyết định này, quyết nghị bằng phiếu kín công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS hoặc PGS cho các nhà giáo.

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thẩm định và nghị quyết bằng lấy phiếu kín từng trường hợp hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hoặc tước bỏ công nhận chức danh GS, PGS. Việc thẩm định và nghị quyết bằng lấy phiếu kín để hủy bỏ hoặc tước bỏ chức danh GS, PGS chỉ có giá trị khi được ít nhất từ ba phần tư số thành viên Hội đồng tham dự họp trở lên bỏ phiếu tán thành.

Hồng Hạnh