Nam “da cam” và khát vọng cống hiến

(Dân trí) - Ấn tượng đầu tiên của tôi về Nam “da cam” dị tật cả hai chân là trong buổi thi ở Trung tâm giáo dục quốc phòng. Dù được miễn thi môn quân sự, Nam vẫn đăng ký học, thi như bao bạn khác. Kết quả: Nam đạt loại khá!

Gian nan đi tìm chữ

 

Cao Xuân Nam sinh năm 1981 trong gia đình có 5 anh chị em, tại xã miền núi Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ngay khi cất tiếng khóc chào đời, Nam đã bị teo cơ cả hai chân, bàn chân lật ngược lên. Đó là hậu quả nhiễm chất độc da cam của người bố.

 

Nam “da cam” bắt đầu đi học muộn hơn so với tuổi vào lớp 1. Học hết chương trình lớp 1, cậu vẫn không biết đánh vần như chúng bạn, do tiếp thu chậm. Nam thấy học được “cái chữ” khó quá. Năm ấy cậu bé Nam phải ở lại lớp. Nhưng học đến lớp 2, lớp 3 Nam học rất khá, nhận được học bổng vượt khó học tập của huyện.

 

Lên cấp III, Nam đăng ký thi vào học ở trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh, nhưng không được! Người ta “khuyên” cậu nên về trường huyện học, nhưng Nam không chịu. “Tôi thấy vô lý là con ông “quan huyện” cũng dị tật như mình lại được thi vào học, còn tôi thì…”.

 

Lần thứ ba, Nam một mình lặn lội xuống thị xã, đển rồi nhận được câu trả lời khiến Nam bất lực: “Đây không phải là trường của thầy, mà là trường của nhà nước… Em về đi, lần sau thầy không tiếp em nữa!”

 

Chăn bò, đào ao và ôn thi đại học

 

Về huyện học, dù rất buồn, nhưng Nam vẫn quyết tâm học tốt, giúp đỡ gia đình. Vừa học Nam vừa chăn dắt 5 con bò. Với người bình thường, chăm sóc 5 con bò nơi miền sơn cước đã là khá mệt huống chi người bị dị tật cả hai chân, đi lại rất khó nhọc như Nam.

 

Thi xong tốt nghiệp lớp 12, một mình Nam bắt xe vào Quy Nhơn thi ĐH Văn hoá Hà Nội. Sau một ngày đường, cơ thể mệt mỏi, đôi chân dị tật đau nhức rã rời. Năm đó, Nam thi trượt! Về nhà, Nam bắt đầu vạch ra cho mình một kế hoạch trong tương lai, phòng khi Nam không vào được đại học. Nam vừa chăn dắt 5 con bò, vừa đào ao thả cá.

 

Nam “da cam” được chính quyền tạo điều kiện cho đi học dự bị đại học một năm ở Nha Trang. Nhưng để người ta nhận hồ sơ của Nam cũng chẳng phải dễ dàng. Khi xuống huyện nộp hồ sơ, người ta bảo tỉnh đã nhận xong hồ sơ rồi. Lặn lội xuống tỉnh, người thu hồ sơ lại bảo… sao không nộp ở huyện?! Khuôn mặt Nam thất thần, mệt mỏi vì cách làm việc như bày “ma trận” này.

 

Từ nhà xuống tỉnh đâu phải gần, lại còn chuyện tiền nong đi lại nữa. Rất may, đúng lúc đó một người cảm thông cho hoàn cảnh của Nam, linh động giải quyết. Trước ngày lên đường vào Nha Trang, Nam còn thực hiện “sứ mệnh” của người chăn bò: xỏ thừng cho hai con bê con. Chính hai con bê này nó sẽ giúp Nam phần nào khó khăn trong những năm học đại học!

 

Tại sao tôi học Luật?

 

Đến giờ, dường như Nam vẫn còn bức xúc về những ngày đi làm chế độ cho bố mẹ. Khuôn mặt luôn tươi cười của Nam bỗng nhăn lại: “Trong những lần tôi và mẹ đi gặp cán bộ để giải quyết chế độ, thấy họ gây khó dễ, hách dịch với dân nhiều quá. Làm thủ tục giấy tờ gì cũng phải đi lên đi xuống nhiều lần. Nơi này nói A, nơi kia lại nói B. Đi giải quyết công việc mà không “lót tay” thì cứ chờ dài dài. Đó là lí do vì sao tôi chọn học ngành Luật Dân sự”.

 

Hàng ngày đến trường, Nam phải đi bộ hơn 1km, vì xe buýt không đi qua cổng KTX và trường học. Trong lớp, Nam “da cam” luôn là người sống hoà đồng với bạn bè, rất tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp.

 

Cùng với Đội Công tác xã hội của lớp Dân sự 30B, ĐH Luật TPHCM, Nam đi thăm các cơ sở trẻ em mồ côi, có HIV, trẻ tật nguyền… Nam tâm sự: “Tôi thấy làm được gì có ích cho xã hội là cố gắng làm, mình nhỏ thì làm những việc hợp với khả năng của mình. Những lần đi cùng Đội Công tác xã hội của lớp, tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều so với những người khác”.

 

Trần Thị Quế - Đội trưởng Đội công tác xã hội Lớp Dân sự 30B, nói về Nam đầy cảm phục: “Trong tất cả các hoạt động của trường, lớp như đi thăm Mái ấm Bà Chiểu, thăm trẻ HIV ở Tam Bình, Ngày Chủ nhật Xanh… Nam đều tham gia một cách rất tích cực.

 

Mọi người đều biết tham gia Mùa Hè Xanh rất khó khăn, đòi hỏi người tham gia phải khoẻ mạnh và có sức chịu đựng. Việc người dị tật như Nam đăng ký tham gia Mùa Hè Xanh, tôi thấy rất cảm phục. Tôi thấy mình thua kém bạn ấy!”

 

Hiện tại, cuộc sống của Nam còn rất nhiều khó khăn. Ngoài khoản tiền trợ cấp 100 nghìn/tháng, Nam được gia đình gửi cho 500 nghìn đồng để trang trải cho mọi việc, kể cả tiền ở KTX (vì đơn xin miễn tiền ở KTX gửi nhà trường chưa duyệt). Bình thường tiết kiệm thì đủ chi tiêu, những lúc đôi chân đau nhức, tiền thuốc “đổ” vào khá nhiều. Khi hết tiền thì chỉ còn biết… “mặc kệ nó”!

 

Bố mẹ thương Nam lắm, nhưng cuộc sống gia đình Nam cũng chẳng dễ dàng gì. Các anh chị em của Nam cũng chịu ít nhiều nỗi đau da cam, không được nhanh nhẹn như người bình thường. Nguồn sống của gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương và trợ cấp của bố. Bố đã qua đã tuổi “xưa nay hiếm”, sức lại yếu không làm được gì nhiều; mẹ đã bước sang tuổi 60, đi bán rau ngày kiếm được 6-7 nghìn…

 

Mọi thứ trước mắt Nam còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi tin một con người tràn đầy nghị lực, niềm tin và khát vọng cống hiến như Nam sẽ vượt qua… để một ngày “trở thành cán bộ tốt của dân quê mình” như cậu từng hứa. 

Vũ Trần Đại