Muốn bảo lưu kết quả học ĐH?

(Dân trí) - Muốn được điểm 6 môn toán thì nên học gì? Sinh viên muốn dự thi lại ĐH? Học chính quy muốn chuyển sang học tại chức? Có đủ điều kiện dự thi khối trường công an? Học ngành quan hệ quốc tế làm gì? Phân biệt trường công và tư?...

Hỏi: Thi ĐH em sợ nhất là môn Toán, Ban tư vấn có thể chỉ giúp em cách học những phần quan trọng nào để dễ lấy điểm 6 không? Em có cần phải học nhiều những kiến thức ngoài SGK không hay chỉ cần chú trọng vào SGK là đủ?(tranvanho125@yahoo.com.vn)

* Trả lời:

Cấu trúc của một đề thi ĐH cơ bản bao gồm: phần khảo sát hàm số; Phương trình, hệ phương trình; Tích phân; Hình học không gian; Tìm giá trị lớn nhất nhỏ nhất…

Nói chung để đạt được 6 điểm đối với môn Toán không khó, em chỉ cần học vững kiến thức sách giáo khoa là có thể phần đấu mức này được. Em cũng nên học cách trình bày một cách logic để người chấm thi dễ nhìn và dễ chấm sát các ý.

Để đạt điểm cao em cần tham khảo thêm một số sách nâng cao và nhiều bài tập bổ trợ kiến thức.

Mọi thắc mắc thí sinh có thế gửi thư về hòm thư tuyensinh.dantri@gmail.com để nhận được giải đáp.

Em hiện đang là sinh viên trường Đại học Nha Trang, năm 2009 em muốn thi lại đại học. Cho em hỏi hồ sơ dự thi em phải xin xác nhận tại trường Đại học Nha Trang hay nơi đăng kí hộ khẩu thường trú. Và trong quy chế tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2009 có nói về đối tượng dự thi như em không?(tranductuyen@gmail.com)

Việc đăng ký dự thi lại ĐH là quyền của mỗi thí sinh, không có quy chế hay quy định nào hạn chế việc này cả.

Tuy nhiên đối với sinh viên đang học các trường ĐH muốn dự thi lại phải được phép của Hiệu trưởng.

Khi đã được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường thì em có thể xin dấu xác nhận hồ sơ tại trường mình đang học hoặc về địa phương nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú.

Em muốn hỏi nếu em học xong kỳ 1, sau đó em bảo lưu về thi lại thì có được không? Vấn đề bảo lưu thì do nhà trường quyết định hay do Bộ giáo dục quy định chung? (no_for_go_yeah@yahoo.com)

Theo quy chế đào tạo thì có đưa ra quy định trong vấn đề bảo lưu. Theo quy định này thì không phải sinh viên muốn bảo lưu là được bảo lưu. Để được bảo lưu sinh viên phải có lý do chính đáng như: gia đình khó khăn muốn dừng một thời gian; có giấy gọi nhập ngũ, cần phải nghỉ học đều điều trị bệnh…

Việc bảo lưu chỉ áp dụng cho cả một năm học chứ không áp dụng cho từng học kì. Nghĩa là, nếu em muốn bảo lưu thì phải theo học hết năm học đó.

Vấn đề bảo lưu chủ yếu là do trường quyết định nhưng phải tuân theo quy chế đào tạo mà Bộ GD-ĐT ban hành.

Tôi học đại học đến năm thứ 2 thì xin nghỉ (không xin bảo lưu điểm). Bây giờ tôi muốn đi học lại để lấy bằng đại học thì tôi có thể xin học tại chức sau đó học tiếp lên đại học được không. Nếu học tại chức tôi có được bỏ qua 2 năm đầu không?(tri_cpn@cpn.com.vn)

Vấn đề bạn đặt ra không rõ ràng nên rất khó để Ban tư vấn đưa ra lời khuyên chính xác.

Hiện tại thì chưa có khái niệm học tại chức sau đó học tiếp lên ĐH. Em cần lưu ý như thế này: Đối với cấp độ đào tạo ĐH gồm có hai hệ: Hệ chính quy và Hệ vừa làm vừa học (còn gọi là hệ tại chức).

Hai hệ đào tạo này hoàn toàn độc lập nên hiện nay chưa có hình thức chuyển từ tại chức sang chính quy.

Vì những lý do trên nên em muốn theo học hệ tại chức bắt buộc em phải thi lại và học lại từ đầu.

Em sinh ngày 13-9-1989 vậy đến kì thi ĐH năm 2009 em có còn đủ tuổi dể dự thi vào HV cảnh sát không? Theo em tính thì đến kì thi vào tháng 7-2009 thì em vẫn còn 2 tháng nữa mơi tròn 20 tuổi. (tueatue@yahoo.com.vn)

Theo quy định của Bộ Công an thì thí sinh dự thi vào khối các trường công an phải không quá 20 tuổi (tính đến ngày dự thi). Như vậy em hoàn toàn được phép đăng ký dự thi khối các trường công an năm 2009.

Tuy nhiên phải lưu ý là để được dự thi thì em phải tham gia sơ tuyển tại Sở công an địa phương nơi mình có hộ khẩu thường trú.

Để biết về thời gian sơ tuyển của địa phương mình thì em nên chủ động liên hệ với công an huyện hoặc Sở công an.

Nếu em học ngành quan hệ quốc tế sau này em có thể làm việc ở đâu? và làm những việc gì?(brighteststar_innitesky@yahoo.com)

- Mục tiêu đào tạo của ngành Quan hệ quốc tế là nhằm trang bị kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn nói chung, về lịch sử dân tộc Việt Nam và các nước trọng điểm trên thế giới, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đối ngoại. Trên cơ sở đó, có kiến thức chuyên sâu và có hệ thống về khoa học công nghệ quốc tế, tập trung trong lĩnh vực chính trị quốc tế và đối ngoại.

- Cử nhân Quan hệ quốc tế có đủ kiến thức, năng lực và phẩm chất có thể phục vụ công tác đối ngoại ở các cơ quan thuộc khu vực Nhà nước và các khu vực thành phần kinh tế khác, nghiên cứu và giảng dạy các môn thuộc lĩnh vực khoa học quan hệ quốc tế.

Cho em hỏi các trường ĐH Công lập và ngoài công lập khác nhau ở điểm nào và căn cứ vào đâu để biết trường em muốn dự thi là trường công hay trường tư?(maivannam90@yahoo.com.vn)

Trường công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và Nhà nước trực tiếp quản lý. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho chi thường xuyên, chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm;

Trường ngoài công lập do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của trường tư thục là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

Vì những lý do trên mà học phí khối các trường ngoài công lập thường cao hơn so với khối các trường công lập.

Để biết trường nào là trường tư hay công thì em có thể kiểm tra các quyết định thành lập trường (bằng công cụ tìm kiếm google). Hầu hết các quyết định đều nêu rõ là trường hoạt động theo hình thức nào.

Ban Tư vấn Tuyển sinh