“Mua điểm” tại chức: Chuyện bi hài!
Có người theo học lớp tại chức để lấy kiến thức, nhưng có người chỉ để "sắm" một tấm bằng cho oai, hay là tạo thuận lợi cho việc thăng tiến. Cũng từ đây, xảy ra những chuyện bi, hài trên con đường chạy chọt, “mua điểm”.
Ngọc là phiên dịch cho một công ty liên doanh của Nhật Bản, đóng tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Hàng ngày, tất bật mấy chục km đi đi, về về, hết lo chuyện công ty lại đến lo chăm sóc tổ ấm gia đình. Chừng ấy việc đã khiến Ngọc mệt phờ, vậy mà, tối đến cô vẫn "chạy sô" đến trường ĐHKT để... học tại chức. Hôm nào mệt quá, Ngọc "thuê" mấy cô bé sinh viên trọ gần nhà đi học thay. Gặp tôi, Ngọc than thở: "Tiếng là đi học nhưng có nhồi nhét được chữ nào vào đầu đâu. Chữ thầy lại trả hết cho thầy... Nhưng nếu không đi học mình lại bị coi là tụt hậu so với đồng nghiệp".
Ngọc cho hay, mỗi lần đến kỳ thi, ngoài 100.000 đồng góp vào quỹ lớp phục vụ "ngoại giao" với các giáo viên trước kỳ thi, Ngọc còn phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để "mua"... điểm. Cô bảo: "Lớp hơn trăm người, thầy cô làm sao mà nhớ hết mặt. Đến kỳ thi, cảm thấy môn nào khó ăn quá thì tớ đến thầy. Giá cả tùy theo độ khó dễ của môn học. Học phần vừa rồi, môn Pháp luật đại cương, chỉ cần một túi quà, kèm theo phong bì 300.000 đồng cho thầy là OK liền!". “Kinh nghiệm” này được truyền lại từ các đàn anh, đàn chị đi trước, dù có tốn kém nhưng bù lại điểm số sẽ ổn.
Trường hợp của Đức, giám đốc một doanh nghiệp từng theo học tại chức ĐHXD cũng dễ dàng kiếm được tấm bằng mà chẳng cần vất vả học hành. Vốn là công nhân xây dựng, một thời gian sau, Đức bỏ lên rừng đào vàng. Kiếm được chút vốn, Đức quay lại thành phố mở công ty xây dựng. Để tương xứng với cái ghế giám đốc, Đức quyết tâm đi học tại chức. Đối với một sinh viên học lực trung bình theo học ngành này còn chật vật, huống chi là Đức. Hỏi, anh ta cười tinh quái: việc học đã có các "đệ tử" lo, còn thi... đã có thầy "bảo lãnh". Theo như lời Đức, trước đây mua điểm dễ như mua... bao thuốc lá nhưng gần đây, nhà trường thắt chặt quản lý các lớp tại chức nên khó hơn." Nói là khó vậy thôi, Đức vẫn nhận được tấm bằng tốt nghiệp loại khá !
Nghe tôi kể chuyện học tại chức ở Thủ đô, bà chị họ đang là công chức tại một tỉnh miền Trung bĩu môi nói rằng: dân Thủ đô không chịu chơi bằng dân tỉnh lẻ. Chẳng là bà chị hiện đang học tại chức năm thứ 3 khoa Kế toán của một trường. Khác với các lớp tại chức ở Hà Nội, học tại chức ở tỉnh, một năm chỉ học 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 2 tháng. Theo như lời của kể của chị, cứ chuẩn bị có thầy cô giáo về là cán bộ lớp lo chạy đôn chạy đáo. Nào là lo đón thầy, đưa thầy đi chơi ở đâu, nào là chuẩn bị quà tặng thầy cô... Ngoài "phong bì" 500.000 đồng, còn thêm túi quà, gọi là có chút "đặc sản" địa phương để thầy cô mang về Thủ đô.
Qua bà chị họ, tôi biết được một sự thật... giật mình. Với những môn khó như: Xác suất thống kê, Toán cao cấp hay Kế toán tài chính..., các cử nhân tại chức tương lai chơi "cao tay" hơn rất nhiều. Không đi riêng đánh lẻ, cả lớp góp tiền mua đứt đề thi với giá từ 20-30 triệu đồng/môn. Với những kế toán, cán bộ vừa đi làm, vừa đi học thì việc bỏ ra 200.000 đồng/môn không mấy khó khăn gì. "Thôi thì bỏ thêm ít tiền "mua lấy hai chữ: an tâm, còn hơn ra tận Hà Nội thi lại. Vừa tốn kém tiền đi lại, ăn ở mà chưa chắc đã qua" - chị nói.
"Chạy" điểm, "mua điểm" đã và đang trở thành hiện tượng tiêu cực phổ biến của ngành giáo dục. Thật nguy hiểm khi các trường ĐH đang cho "ra lò" những cử nhân, kỹ sư tại chức kém chất lượng. Đã đến lúc các trường ĐH cần chấn chỉnh lại việc quản lý các lớp tại chức, cũng như nghiêm khắc hơn đối với các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
Theo Thanh Niên