Một số chiến lược xin học bổng tiến sĩ và sau tiến sĩ ở nước ngoài

(Dân trí) - Tiến sĩ Ngô Anh Văn (nghiên cứu sau tiến sĩ Đại học calgary, Canada) chia sẻ chi tiết chiến lược tìm Lab (phòng thí nghiệm), xin học bổng tiến sĩ (PhD) và sau tiến sĩ (Postdoc).

Muốn có chiến lược tốt, bạn phải dựa trên những nguyên tắc căn bản tốt. Tuỳ vào hoàn cảnh, vị trí của các bạn mà sử dụng một hay nhiều nguyên tắc để hình thành nên các chiến lược khác nhau. Cốt lõi của những chiến lược tốt để tìm lab, xin học bổng, xin postdoc, theo tôi phải dựa trên những nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 0: Đánh giá được bản thân

Việc đánh giá được mức độ cạnh tranh của bản thân trước mọi cuộc ganh đua là một điều quan trọng bậc nhất. Muốn đánh giá tốt bản thân mình, các bạn phải biết so sánh mình với người khác một cách hợp lý. Điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng khá khó, vì dễ bị chủ quan. Một cách khách quan là bạn nên hỏi han một số anh chị/ bạn bè có kinh nghiệm, xin ý kiến về mức độ cạnh tranh của mình.

Các bạn nên nhớ khi đi xin vào bất kỳ một lab nào, điều quan trọng nữa [từ việc đánh giá tốt bản thân] là bạn phải biết cách “show off your skills”. Các Giáo sư (GS) mong muốn tìm người có kĩ năng [như viết code, scripts dùng thiết bị, lắp ráp, chế tạo dụng cụ], có khả năng tự nghiên cứu và trình bày tốt, có khả năng giao tiếp, trao đổi với đồng nghiệp và bạn bè.

Cách chứng minh tốt nhất cho điều này là bạn phải có kinh nghiệm nghiên cứu (công bố trên tạp chí, hội nghị quốc tế), và thư giới thiệu từ chính người hướng dẫn của bạn. Điểm số như GRE, Toefl, hay gì đó là quan trọng đối với trường nhận bạn; còn đối với GS, họ lưu ý nhiều tới những thông tin mà cho thấy rõ ràng kĩ năng và khả năng nghiên cứu tốt.

Nguyên tắc 1: Nghiên cứu kỹ lưỡng các lab trước khi bày tỏ ý muốn gia nhập

Nếu các bạn nghĩ càng gửi vào nhiều lab thì xác suất thành công của bạn càng cao, thì theo tôi là khá sai lầm. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như thiếu kiên nhẫn, nóng lòng muốn xin được một vị trí, do đó gần như ai cũng mắc lỗi này lúc đầu. Lỗi này nhiều khi nghiêm trọng tới mức bạn được nhận vào một lab rất tệ, rất khó xin việc sau này. Vì thế việc dành thời gian tìm hiểu kĩ lưỡng về các trường, các khoa, các GS giúp bạn rất nhiều thứ:

(1) Rút gọn số lượng các trường mà bạn nghĩ là cạnh tranh được. Như tôi, tôi thường chọn 4-5 trường hay lab lúc đầu. Nếu thất bại, thì thử các lab tiếp theo, chứ không gửi đi một loạt 20 hay 50, thậm chí là 100 lab, hay công ty.

Với số lượng trên 20 hồ sơ bạn gửi đi, thì chắc chắn chúng sẽ đem lại cho bạn cảm giác thất bại rất lớn. Thay vào đó, gửi từng số nhỏ (4-5) một hay thậm chí là từng lab/trường/công ty trong từng tuần. Thường các lab sẽ trả lời sớm cho bạn biết, các trường hay công ty thì lâu hơn.

(2) Cho bạn thêm thời gian để hoàn thiện các yếu tố như Cover Letter, CV, Research Statements, v.v, sau một vài lần bị từ chối. Nếu làm liên tục trong vài tháng tới con số 20 hồ sơ mà đều bị từ chối thì bạn nên dừng lại. Vì có điều gì đó không ổn trong hồ sơ của bạn.

(3) Networking. Khi các bạn tìm hiểu kĩ, bạn sẽ tìm được thêm bạn bè, hay tìm được người để hỏi han, giúp bạn đánh giá tốt hơn về hồ sơ.

(4) Không nên gửi hồ sơ cho nó có vì điều này chỉ mang lại cho bạn cảm giác thất bại nhiều hơn, buồn chán nhiều hơn mà thôi.

Nguyên tắc 2: Tránh ùa theo đám đông

Nếu các bạn hiểu Nguyên tắc 1, thì các bạn cũng sẽ thấy rõ tại sao bạn không nên ùa theo đám đông gửi hồ sơ cho một vài lab mới có tuyển dụng. Nếu bạn nghiên cứu kĩ lưỡng về lab đó, biết mình phù hợp thì gửi, còn nếu có cảm giác không hợp lắm, thì STOP. Việc “ùa theo đám đông” cũng chỉ đem lại cho bạn thêm cảm giác thất bại thôi.

Phần lớn các GS làm như sau: chỉ cần 30 giây là biết bạn có thích hợp với lab không, 20 phút để biết khả năng của các bạn tới đâu, rồi sẽ rút gọn tới 3-5 candidates; dành vài ngày suy nghĩ, rồi mới quyết định gửi email tới 1-3 người tốt nhất. Nên nếu các bạn gửi hồ sơ mà không chuẩn bị kĩ lưỡng, mà Ùa theo đám đông thì xác suất bị OUT rất cao.

Nguyên tắc 3: Viết CV thích hợp và Cover letter thật tốt

Nếu các bạn gửi hồ sơ sang Bắc Mỹ thì CV phải theo kiểu Bắc Mỹ. Trong CV làm rõ kinh nghiệm, kỹ năng, công bố trên tạp chí nào, hay đang trong tình trạng bình duyệt hay đang được viết.

Cover letter (thư giới thiệu) thì phải viết rõ ràng cho từng lab, đưa ngay ra thành tựu của mình, kĩ năng của mình, cho người đọc (GS) thấy là mình phù hợp với lab. Thư giới thiệu không được viết quá dài, nên khoảng 300-500 chữ.

Nếu bạn tìm hiểu kĩ lượng về lab đó, viết cũng sẽ dễ hơn, vì bạn phải chứng minh với lượng số chữ đó, bạn là người phù hợp với lab đó, để xin phỏng vấn (qua Skype, hay được mời trực tiếp).

Muốn có chiến lược tốt, ứng viên phải dựa trên những nguyên tắc căn bản tốt (Ảnh minh họa: Harvard University)
Muốn có chiến lược tốt, ứng viên phải dựa trên những nguyên tắc căn bản tốt (Ảnh minh họa: Harvard University)

Nguyên tắc 4: Be very nice (Dễ mến và lịch sự)

Trong bất kỳ tình huống nào, gặp mặt trực tiếp hay trao đổi qua email, bạn cũng phải biết dùng ngôn ngữ một cách lịch thiệp. Bạn viết cho sinh viên, postdoc trong lab đó thì bạn cũng phải lịch sự. Xin ý kiến của các anh chị có kinh nghiệm cũng phải lịch sự. Tôi hay mời cà phê cho ai giúp tôi cái gì đó, bạn cũng nên thử để cho thấy bạn nghiêm túc khi tiếp xúc hay xin ý kiến.

Nguyên tắc 5: Chủ động kết nối

Nếu bạn tham gia hội nghị, hội thảo, thì phải chủ động kết nối, viết email thật nice, thật lịch sự, để xin gặp, xin phỏng vấn trực tiếp. Bạn nên biết nhiều anh chị (rất giỏi) mà cũng phải làm như vậy, và nhiều người xin được vào làm Postdoc hay PhD ở những lab rất tốt nhờ gặp vài lần ở hội thảo hội nghị đó.

Nguyên tắc 6: Chuẩn bị và chuẩn bị

Nếu bạn thiếu bất kỳ kĩ năng nào như viết CV, Cover letter, Research Statement (báo cáo nghiên cứu), hay kĩ năng nghiên cứu, thì bạn phải dành đủ thời gian chuẩn bị tốt những gì bạn viết trước khi gửi hồ sơ đi. Nếu thời gian chuẩn bị là 2 năm, thì dành hẳn hai năm trước khi tin là mình cạnh tranh được. Vì một khi bạn chuẩn bị tốt, dù mất hai năm, nhưng bạn chỉ cần thành công một lần là đủ, với học bổng $20.000 - $30.000/năm cho PhD.

Hoặc là PhD thì nếu cảm thấy chưa đủ skills, thì ở lại thêm 1-2 năm nữa học thêm cái này, cái kia, rồi mới tốt nghiệp. Vì nếu bạn nhanh nhẩu tốt nghiệp và không có đủ skill, thì bạn sẽ khó xin được công việc kế tiếp ngay. Nên lúc nào cũng phải chuẩn bị sớm cho đầu ra, dành đủ thời gian chứ đừng đợi tới gần tốt nghiệp, hay hết hạn mới bắt đầu.

Nhớ điều này: "May mắn chỉ ở lại với những ai chuẩn bị nó tốt nhất".

Nguyên tắc 7: Chấp nhận và hiểu rõ thất bại

Đôí với tôi đây là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong cuộc sống nói chung. Con đường mà chúng ta đi, đôi khi sẽ bị vấp ngã hay đầy rẫy sai lầm. Gần như không ai không thất bại khi tìm kiếm hướng đi, một giải pháp, một cuộc sống mới, một nghề nghiệp mới.

Chính những người không thất bại lại là những người khó học được bài học của thất bại là sự khiêm tốn, sự ham học hỏi và sự kiên trì. Chấp nhận và hiểu rõ thất bại mới giúp chúng ta thành công hơn, và gặt hái được những thành quả cuối cùng, quan trọng nhất. Thất bại mớí làm tôi hiểu rõ tầm quan trọng của 7 nguyên tắc trên.

Steve Jobs nói “stay hungry, stay foolish” có nghĩa chúng ta phải ham học hỏi (vì đói kiến thức chứ không phải vì no nê), phải chấp nhận sai lầm (vì không biết trước điều gì sẽ làm chúng ta trở nên ngốc nghếch lúc ban đầu) để trở nên khôn ngoan hơn nhờ học được bài học của sự thất bại.

TS. Ngô Anh Văn

(Nghiên cứu sau tiến sĩ Đại học Calgary, Canada)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm