Một năm thực hiện Nghị quyết về đổi mới toàn diện giáo dục: Những tín hiệu vui
(Dân trí) - Nhằm đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết 29, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã tọa đàm trao đổi về những việc đã thực hiện, những điều còn thách thức đối với một số đơn vị tiêu biểu đến từ Hà Nội, Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Đình Châu - Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho biết: Hội đồng Quốc gia giáo dục rất chú trọng, khích lệ các cơ sở giáo dục để góp phần đưa Nghị quyết 29 vào cuộc sống. Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo có rất nhiều lĩnh vực, trước hết là về đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá và huy động các lực lượng tổng hợp từ gia đình, xã hội. Hội đồng quốc gia đổi mới giáo dục quan tâm đến tất cả các yếu tố để cho nền giáo dục Việt Nam phát triển.
Việc tổ chức những buổi tọa đàm như thế này là dịp để lắng nghe các nhà khoa học, các chuyên gia nghe các thầy cô giáo giới thiệu cách làm hay, giải pháp tốt và những sáng kiến xuất phát từ cơ sở để chung sức cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt nhất Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
“Đổi mới lần này trên cơ sở kế thừa và phát triển, chúng ta kế thừa những thành tựu của giáo dục cách mạng, đồng thời tiếp thu mạnh mẽ những tinh hoa của giáo dục nhân loại, làm sao đào tạo được thế hệ trẻ chúng ta là những công dân toàn cầu, vừa là con người đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam” - Chánh Văn phòng Trần Đình Châu tâm sự.
Nhiều sáng tạo khi thực hiện Nghị quyết 29
Trong buổi tọa đàm ngày 3/11, các chuyên gia tâm huyết với giáo dục như GS.TS Trần Hồng Quân, GS.TSKH Bành Tiến Long, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, GS.TSKH. Nguyễn Minh Đường…đã lắng nghe kinh nghiệm của một số trường điển hình trong việc thực hiện Nghị quyết 29.
Cô Nguyễn Thị Thuận - Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Trong việc thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục theo tình thần Nghị quyết 29 nhà trường đã thực hiện sáng tạo trong việc dạy và học, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin kết hợp với bản đồ tư duy trong dạy học. Bản đồ tư duy có thể sử dụng trong môn toán, từ đó cho học sinh (HS) tiếp cận hoặc đưa vào các tiết dạy chuyên đề, tuyên truyền các tệ nạn xã hội.
Cũng trong năm học 2014, trường đã bắt đầu triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột”, đồng thời thực hiện các sáng tạo, linh hoạt trong các tiết học truyền thống, như dạy những bài học lịch sử.Ví như giai đoạn miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, kèm them đó là những nhân vật lịch sử như Anh hùng Phạm Tuân, trường có thể mời trực tiếp về nói chuyện cùng HS, cho các em học hỏi, trao đổi tình cảm, từ đó khắc sâu trong lòng HS tình yêu lịch sử.
Cũng theo cô Thuận, Trường THCS Tô Hoàng đang tăng cường trải nghiệm sáng tạo cho HS, tránh việc HS mơ hồ với những kiến thức học được trong nhà trường.
“Trường đã làm công tác xã hội hóa để hình thành một khu vườn với 7 ha, tại khu vườn này dành cho HS trải nghiệm ở một số bộ môn như Sinh vật, Hóa học hay Địa lý và Văn học. Mỗi giờ dạy chúng tôi đều tích hợp rèn kỹ năng sống cho HS, như kỹ năng lao động, kỹ năng tự bảo vệ. Mục đích cuối cùng giúp HS không chỉ biết về lý thuyết mà biết nhiều về thực hành. Trường có thể sử dụng liên môn để xây dựng các đề tài đầu năm học cho các lớp” - cô Thuận cho hay.
Đến từ vùng cao Lào Cai, cô Trần Thị Thùy Dung - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân chia sẻ về mô hình trường học mới (VNEN). Theo cô Dung, vai trò tự học, tự đổi mới của GV đối với mô hình VNEN rất quan trọng, bởi đây là mô hình mở, tạo điều kiện thực hiện khả năng sáng tạo và phát huy tối đa tiềm năng của GV. Chính vì thế, các vấn đề đổi mới của giáo dục không chỉ có GV mà phụ huynh cũng được tham gia tập huấn. Qua những đợt tập huấn đó sẽ phát hiện ra những nòng cốt từ GV, phụ huynh, HS, đề từ đó có những định hướng đổi mới phù hợp cho từng năm học, có sự đồng thuận hơn giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Đối với những GV “ngại” đổi mới thì nhà trường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho GV thông qua năng lực HS. Khi HS được tập huấn bồi dưỡng, đặc biệt là năng lực đề xuất, năng lực chia sẻ… thì buộc GV phải lấy HS làm trung tâm, từ đó tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với HS.
Ngoài ra, để thực hiện đổi mới thì trường đã cho GV tự hoàn thiện kỹ thuật dạy học thu hút, làm sao tạo cho HS một tâm lý thích học. Ngay từ đầu năm học, tất cả GV được đề xuất các ý tưởng để cho năm học hoàn thiện và thực tế hơn.
Thầy Đoàn Trọng Bình, hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh cũng cho biết, Nghị quyết 29 giống như một chiếc “gậy” cho trường và HS thực hiện nhiệm vụ của mình. Điều đổi mới đầu tiên của trường là chú trọng phát triển năng lực HS, dạy theo cách tinh giản.
Cô Đặng Thị Kim Thoa, hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết những khó khăn khi thực hiện Nghị quyết 29 cơ bản tập trung cơ bản vào khâu GV. Theo cô giáo Thoa, mặc dù đã được quán triệt quyết liệt về dạy liên môn, đó là điều vất vả cho GV, bởi phần lớn các GV được đào tạo chuyên sâu cho một môn.
Tín hiệu tốt cho ngành Giáo dục nhưng…
Đánh giá cao về sự sáng tạo của các trường, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường chia sẻ: Theo tinh thần Nghị quyết 29 thì cấp THCS sẽ phải đổi mới nhiều nhất. Cụ thể là phải dạy tích hợp liên môn theo hướng không phải dạy theo kiến thức từ bộ môn khoa học mà phải dạy đánh giá theo năng lực. Chính vì thế, vấn đề cơ cấu lại đội ngũ GV, đào tạo lại là vấn đề ngành Giáo dục cần phải quan tâm.
Đối với mô hình VNEN, GS Đường khẳng định, đây là mô hình mới, hiện đại nhưng chúng ta áp dụng được những gì cho việc đổi mới giáo dục, nếu chúng ta sử dụng chương trình của mình để dạy học theo chương trình của VNEN liệu có thành công? Hoặc dùng chương trình của VNEN để đổi mới dạy học thì liệu có đáp ứng được chuẩn đầu ra hay không?
Cũng theo GS Đường, sống trong thế kỷ 21, con người phải có 4 kỹ năng gồm kỹ năng giao tiếp, HS phải được giao tiếp với bạn bè, xã hội, mọi người, không chỉ nói mà còn phải là trình diễn. Kỹ năng làm việc theo nhóm, trong một xã hội hiện đại không ai làm một mình. Kỹ năng sáng tạo, phải biết sáng tạo, muốn sáng tạo thì phải có kỹ năng phản biện, phê phán.
“Khi nhận một tri thức phải biết đúng sai như thế nào, biến tri thức của nhân loại thành của chính mình. Mô hình VNEN là rất tốt, nhưng vấn đề thực hiện như thế nào, muốn thực hiện được căn bản phải thay đổi chương trình, chứ không thể dạy chương trình hiện tại. Và phải thay đổi môi trường dạy học, thời gian dạy học” - GS Đường nhấn mạnh.
GS. Nguyễn Minh Đường cũng cho rằng, không thể bắt GV làm khác với chức năng của họ, bắt GV soạn chương trình, bắt GV soạn bài học tích hợp, tất cả đó không phải là nhiệm vụ của GV, mà là Bộ GD-ĐT phải làm, Bộ phải xây dựng chương trình tích hợp, chương trình phát triển năng lực và Bộ phải có sách giáo khoa để tập huấn cho GV.
GS. Trần Hồng Quân bày tỏ, trong giáo dục cơ bản có hai chuyện; nguồn lực và động lực sáng tạo. Nếu có được đường lối chung mà không giải quyết được hai yếu tố này cũng khó phát triển, làm sao làm cho từng cán bộ quản lý, từng nhà giáo muốn sáng tạo, muốn đổi mới. GS. Trần Hồng Quân cũng cho rằng, việc dạy tích hợp không chỉ tích hợp về kiến thức mà cần tích hợp về kỹ năng.
Nhận định về công tác triển khai Nghị quyết 29 tại các cơ sở, GS. Bành Tiến Long vui mừng cho rằng, ở các cơ sở đang có một sự chuyển động thực sự chứ chưa nói tới kết quả. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có những cái khó, khó nhất làm sao thay đổi được tư duy GV để đổi mới, đã thay đổi rồi thì hành động như thế nào?
GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc bày tỏ sự cảm phục trước nỗ lực của các trường. Theo GS Lộc, mặc dù đang còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng các trường vẫn sáng tạo để thực hiện Nghị quyết 29 cho dù chế độ cho nhà giáo vẫn còn khá khiêm tốn. Trong giai đoạn hiện tại, việc tổ chức được các hoạt động ngoại khóa cho HS và phụ huynh đồng tình tham gia không đơn giản nhưng các trường vẫn thực hiện được, đây là một tín hiệu tốt.
Trước những ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, TS Đặng Xuân Hoan - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục, Thường trực Thư ký cho hay: Hội đồng sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để có cái nhìn tổng thể về 1 năm thực hiện Nghị quyết 29 để có báo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ.