Một năm sau bức thư chúc mừng của Bộ trưởng

(Dân trí) - 16/11/2006, lá thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã tạo nên một hiệu ứng mạnh không chỉ trong ngành giáo dục. 365 ngày đã trôi qua, 3 lời đề nghị và 5 bước tiến của Bộ trưởng Nhân tại lá thư này đã được ngành và xã hội ghi nhận.

Đó là các lời đề nghị:

- Xin các bậc làm cha mẹ hãy tạo điều kiện tốt nhất, hãy là tấm gương tốt nhất cho con em mình học nghiêm túc, học tốt, chứ đừng làm cho các em có được tấm bằng mà không phải nỗ lực thực sự, mà không có năng lực làm người đúng nghĩa.

- Xin hãy làm tất cả để thầy cô được dạy đúng với lương tâm của mình, để các em được đánh giá công bằng.

- Đội ngũ nhà giáo chúng ta hãy ngẩng cao đầu, nhận lấy sứ mạng vẻ vang, làm cho dân tộc Việt Nam mạnh hơn, vẻ vang hơn, hạnh phúc hơn trong 100 năm tới của thế kỷ 21. Mỗi thầy cô giáo hãy là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo.

Lời nói và hành động của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân

Nghĩ về các thầy cô giáo, điều khiến người đứng đầu ngành giáo dục hiện nay trăn trở nhiều nhất chính là phải xây dựng đề án lương và phụ cấp cho giáo viên theo lộ trình từ năm 2007 đến năm 2010 để trình Chính phủ, sao cho từ năm 2010 trở đi, các thầy cô giáo sống được bằng lương của nhà giáo.

Trong lá thư viết gửi các thầy cô giáo và các em học sinh, phụ huynh nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 vào đúng một năm trước, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã vạch ra 5 tiến cơ bản cho việc phát triển đội nũ nhà giáo. Đó là:

- Thành lập Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT để thiết thực chăm lo cho sự nghiệp và cuộc sống của hơn một triệu thầy cô giáo và nhân viên của ngành;

- Xây dựng chương trình và hệ thống tài liệu, đĩa hình để mỗi thầy cô và các tổ bộ môn, tập thể sư phạm ở các trường phổ thông tự học tập, đổi mới phương pháp dạy và học, không ngừng nâng cao tri thức và kỹ năng nghề nghiệp;

- Triển khai một chương trình đồng bộ để từ nay đến năm 2015 đào tạo 20.000 tiến sĩ, bổ sung làm giảng viên nòng cốt cho 400 trường đại học và cao đẳng cả nước;

- Tổ chức một cuộc vận động toàn xã hội góp phần chăm lo đời sống, làm nhà công vụ cho các thầy, cô giáo ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Xây dựng đề án lương và phụ cấp cho giáo viên theo lộ trình từ năm 2007 đến năm 2010 để trình Chính phủ, sao cho từ năm 2010 trở đi, các thầy cô giáo sống được bằng lương của nhà giáo.

Môt năm đã trôi qua. Đó là một thời gian quá ngắn đủ để dư luận nhìn nhận được cái đích của cả 5 bước tiến này. Dù vậy, tất cả đều đã được Bộ trưởng hướng tới và giải quyết một cách khẩn trương và sát sao nhất.

Cục Nhà giáo đã được thành lập vào tháng 1/2007 và đang rất tích cực trong việc chăm sóc đời sống giáo viên. Các hội nghị về đổi mới phương pháp dạy học và kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên được liên tục tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ mặc dù vấp phải nhiều rào cản từ dư luận nhưng vẫn chững chạc trong những bước đi đầu tiên.

Kế hoạch xây dựng 65 nghìn nhà công vụ cho giáo viên 8 vùng đặc biệt khó khăn đã sẵn sàng với kinh phí dự tính lên đến gấn 3.400 tỷ đồng.

Đề án lương và phụ cấp cho giáo viên đã hoàn thành và chờ Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 12 tới...

Có lẽ, không ai hiểu cặn kẽ những khó khăn và thách thức của ngành giáo dục như chính những người đang chèo lái con thuyền giáo dục - đào tạo của nước nhà. Và điều mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân luôn ý thức, luôn muốn nhắn nhủ các thầy cô giáo, đặc biệt trong những ngày này là:

Duyên phận làm người đã đưa các thầy cô đến với nghề giáo cao quý. Chúng ta được xã hội, được chính quyền chấp nhận là người có quyền nuôi dưỡng và phát triển văn hóa, lịch sử ngàn năm của dân tộc, là người khai trí, luyện đức và rèn tâm cho hơn 20 triệu học sinh và sinh viên nước nhà, là những người ký tên đầu tiên vào nhật ký cuộc đời các em.

Chúng ta phải đóng cửa bảo nhau thật thẳng thắn, khi một bộ phận rất nhỏ trong đội ngũ nhà giáo chưa tận tâm với nghề, chưa tận nghĩa với đời.

Bước vào kỷ nguyên hợp tác và cạnh tranh toàn cầu, chính các thầy cô giáo có sứ mạng vô cùng vẻ vang là đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đất nước phát triển nhanh và bền vững bằng trí tuệ Việt Nam”.

Mai Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm