Quán triệt Chỉ thị 11- CT/TW của Bộ Chính trị:
Một giai đoạn mới cho sứ mệnh Khuyến học - Khuyến tài
(Dân trí) - "Chỉ thị 11-CT/TW đã xác định, xây dựng Xã hội học tập là nhiệm vụ của của toàn Đảng, toàn dân, là một mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục ở nước ta. Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần quán triệt tới các cấp Hội, ban ngành và tới từng người dân".
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã nhấn mạnh như vậy trong Hội nghị quán triệt Chỉ thị này tổ chức tại Hà Nội ngày 14/6.
Tham gia đợt tập huấn lần này gồm các ủy viên Thường vụ và Ủy viên BCH Trung ương Hội có mặt ở Hà Nội cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm nói, tri thức của nhân loại phát triển càng ngày càng nhanh. Các chuyên gia đã đưa ra dự đoán, đến năm 2020 nguồn tri thức của nhân loại có thể tăng gấp 4 lần năm 2000. Thế giới đã quan niệm tri thức là nguồn tài nguyên chủ yếu nhất trong sự phát triển và sự tụt hậu về tri thức cũng có nghĩa là tụt hậu về phát triển. Phải có sự học tập thường xuyên, học tập suốt đời mới tiếp thu được những kiến thức, những công nghệ mới. Xây dựng xã hội học tập trở thành xu thế mới, là đòi hỏi của cách mạng công nghệ, phát triển kinh tế, phát triển con người. Đảng, Nhà nước ta xác định giáo dục là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển nên đã nhấn mạnh việc xây dựng Xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân.
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm đã đề cập những nội dung cơ bản của chương trình hành động khuyến học - khuyến tài cần triển khai trong quá trình thực hiện Chỉ thị: Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự hướng dẫn của TW Hội, các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, cán bộ, hội viên về sự cần thiết và tính chất quan trọng của phong trào khuyến học - khuyến tài cũng như sự cần thiết của việc xây dựng Xã hội học tập; mở rộng và nâng cao chất lượng, phong trào khuyến học - khuyến tài phù hợp với tình hình mới; củng cố, xây dựng Hội Khuyến học vững mạnh đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt cho sự liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng tham gia phong trào khuyến học.
GS. TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đã phân tích một số khái niệm được đề cập trong Chỉ thị cũng như trong họat động khuyến học - khuyến tài. Theo đó, khái niệm hệ thống giáo dục mở đã được các chuyên gia đề cập tới 5 hướng: Đó là mở về đối tượng đi học, mở về phương thức dạy học, mở về mục tiêu, mở về phương thức đầu tư, mở về phương thức tuyển sinh. GS.TS Phạm Tất Dong còn đề cập tới hướng mở về phát triển phát triển tận lực năng lực cá nhân trên cơ sở mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi người... Khái niệm về Xã hội học tập, quan niệm về một XHHT của dân, do dân, vì dân, mục tiêu của XHHT cũng được GS. TS Phạm Tất Dong phân tích cùng những người dự tập huấn.
Các ý kiến phát biểu tại buổi tập huấn đã đề cập đến những công việc cụ thể cần làm để triển khai Chỉ thị vào cuộc sống. Đó là việc xây dựng đội ngũ những người hoạt động cộng đồng, có chuyên môn tổ chức giáo dục, quản lý giáo dục, thúc đẩy các hình thức học tập. Phải coi phong trào xây dựng "Gia đình hiếu học" như một đề án, có đầu tư phương hướng, phương thức, chế độ chính sách. Đối với các TTHTCĐ, Hội cũng cần xây dựng nhóm đề án theo dõi. Các cấp Hội cần đổi mới các hình thức, phương thức họat động khuyến học - khuyến tài để đáp ứng được những yêu cầu mới.
Kim Tân