Một chương trình nhiều SGK: “Chưa chín muồi!”

(Dân trí) - Trong khi đại diện Bộ GD-ĐT hết sức ủng hộ việc xây dựng nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) cho một chương trình giáo dục thì Thường trực Quốc hội khẳng định, “chưa đến lúc để thực hiện việc này”.

Trong 2 ngày 14 và 15/7, tại TPHCM, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các tỉnh, thành phố phía Nam về những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục. Tại kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa XII (dự kiến vào tháng 10/2009), Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 
 
Một chương trình nhiều SGK: “Chưa chín muồi!”  - 1
Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều bộ sách giáo khoa chưa phải là điều cần thiết lúc này.
 
Chưa thể có nhiều bộ SGK 
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đại diện Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (viết tắt là Dự án Luật) cho rằng một chương trình giáo dục có nhiều bộ SGK là một xu thế chung. Không thể có một bộ SGK đáp ứng mọi yêu cầu. Do đó, mọi sự phê phán SGK hiện nay là đương nhiên, chỉ có thể cố gắng hạn chế đến mức có thể. Trước mắt có thể môn Ngoại ngữ là môn đầu tiên có nhiều bộ giáo trình, tiếp sau đó là các môn tự nhiên, cuối cùng là các môn xã hội.  
 
Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho rằng, dù cho có nhiều bộ SGK đi nữa thì vẫn nên có một bộ SGK chính thống, những bộ khác chỉ là để tham khảo. Đại biểu này cho rằng một bộ SGK chính xác và phù hợp với học sinh đã là tốt lắm rồi.
 
Ông Lê Minh Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội nhận định, khả năng một chương trình nhiều SGK là chưa chín muồi. 
 
Thường trực Quốc hội đã đặt ra 5 câu hỏi cho Ban soạn thảo nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Đó là kinh phí biên soạn từ đâu ra, khi hiện nay phải mất từ 8-10 tỷ đồng cho việc ra đời một nhóm biên soạn SGK. Nếu giao cho cá nhân biên soạn thì khi Bộ GD-ĐT không duyệt thì giải quyết làm sao? Không những thế, khi có hàng chục bộ SGK thì Hội đồng quốc gia duyệt sách sẽ không đảm đương nổi việc kiểm duyệt sách. Rồi làm thế nào để tránh tiêu cực trong việc phát hành SGK, kỳ thi quốc gia sẽ phải thay đổi như thế nào…  
 
Trong dự thảo tờ trình dự án Luật cũng có quy định gây hiểu lầm là Bộ GD-ĐT sẽ tham gia biên soạn SGK: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình; tổ chức biên soạn và duyệt các giáo trình sử dụng chung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.  
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD-ĐT chỉ quy định về quy trình biên soạn, tổ chức biên soạn như thế nào chứ không tham gia biên soạn SGK. Cũng tương tự như vậy,  Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT cũng không biên soạn giáo trình khung mà chỉ phê duyệt giáo trình khung do Hội đồng khối ngành biên soạn. Theo Thứ trưởng, nếu không có giáo trình khung thì sẽ không thể đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục.  
 
Tán thành nhiều quy định mới 
 
Nhiều đại biểu tán thành quy định: “Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi”. Tuy nhiên, PGS. TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM lưu ý, lớp trẻ mầm non 5 tuổi có thể trở thành lớp luyện thi vào lớp 1, điều này sẽ gây tổn thương cho trẻ ngay khi bước vào trường. Thứ trưởng Hiển, đại diện Ban soạn thảo cho rằng trẻ em 5 tuổi cần chuẩn bị tâm thế để bước vào lớp 1. Hơn thế nữa, việc phổ cập chính là tập trung vào các cháu ở miền núi, nói tiếng Việt nhiều khi chưa sõi. Chương trình phổ cập trẻ 5 tuổi đã thí điểm ở 20 tỉnh trên cả nước.  
 
Dự thảo Luật đề nghị bổ sung quy định nhà trường phải có nhiệm vụ: “Công bố công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường”. 
 
Nhiều ý kiến cho rằng việc bổ sung quy định nêu trên sẽ giúp người học trong việc lựa chọn cơ sở giáo dục, tăng khả năng giám sát của xã hội với nhà trường. Các đại biểu cũng tán thành việc giao thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trước đó, điều 51 Luật giáo dục quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường đại học”.  
 
Hội nghị lần này cũng ghi nhận một số ý kiến mà theo ông Lê Minh Hồng là phải hết sức cân nhắc. Đó là ý kiến khôi phục kỳ thi tốt nghiệp THCS của PGS.TS Thái Bá Cần. Ông Hồng cho biết trước khi bỏ kỳ thi này, Quốc hội đã phải cân nhắc rất nhiều. Tuy bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS nhưng ngành giáo dục vẫn thường xuyên kiểm tra chất lượng trong trường học.  
 
Một ý kiến nữa là cần thiết kế lại hệ thống giáo dục quốc gia theo hướng quản lý thống nhất giáo dục nghề nghiệp gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Ông Hồng cho biết việc này cần phải có đề xuất của chính phủ, thậm chí phải xin ý kiến của Bộ chính trị.  
 

Hiếu Hiền