Môn Sử học đường sa sút - tại sao?

(Dân trí) - Nghị viện châu Âu năm 1996 đã thông qua một bức thư gửi các chính phủ khuyến cáo về môn lịch sử và dạy học lịch sử. Bức thư có đoạn viết: "Lịch sử là một phương tiện để tìm lại quá khứ và tạo dựng sự đồng nhất về văn hoá...

...Lịch sử là môn học phát triển khả năng tiếp cận có phê phán các nguồn thông tin, góp phần bồi dưỡng tinh thần dân chủ, lòng khoan dung và ý thức trách nhiệm của công dân". Cách đây 66 năm (1942), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Dân ta phải biết sử ta...".

Thế nhưng kết quả sa sút trong môn Sử ở những kỳ thi đại học nhiều năm qua, nhất là các năm 2005, 2006 và 2007 là bằng chứng tập trung và điển hình nhất cho nhận định: lớp trẻ đang thờ ơ với lịch sử dân tộc, nếu tiếp tục như vậy, chúng ta sẽ có cả một thế hệ vô cảm trước vận mệnh đất nước. Ý kiến của những người trong cuộc đã phân tích một cách rất thấu đáo và sâu sắc nguy cơ này.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

Bản lĩnh, nhân cách Việt đang bị đe dọa

Trong kỳ tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2007 phổ điểm toàn quốc môn lịch sử khối C do Cục Công nghệ thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, là:

 

95,74% tổng số thí sinh điểm dưới trung bình trong đó có 5.908 thí sinh, chiếm tỷ lệ 3,76% tổng số thí sinh chỉ đạt điểm 0. Chỉ có 17 thí sinh đạt điểm 9!

 

Điểm số trung bình của môn sử là 2,09/10 đứng hạng thấp nhất trong các môn. Trong khi đó, điểm trung bình môn Lý là 5,19, môn Hóa là 4,49, môn Văn là 4,41, môn Toán là 3,65, môn Ngoại ngữ là 3,64.  

Trên thế giới, các nước đều coi môn lịch sử là một trong những môn học cơ bản trong chương trình giáo dục phổ thông. Nước ta đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, môn lịch sử, trước hết là môn quốc sử, càng giữ vai trò quan trọng trong trang bị kiến thức cơ sở, giáo dục các giá trị truyền thống, góp phần xác lập bản lĩnh con người để thế hệ trẻ cùng với nền tảng giáo dục phổ thông, có thể bước vào đời, thực hiện trách nhiệm công dân đối với xã hội.

Nhưng sau bậc học phổ thông, chỉ có một số ít học sinh đi các các ngành của khoa học lịch sử, còn đại bộ phận đi vào các ngành khoa học khác mà không còn tiếp tục học môn lịch sử. Vì vậy đối với thế hệ trẻ, kiến thức lịch sử chỉ được trang bị chủ yếu qua môn sử cấp phổ thông, cộng với những hiểu biết được bổ sung qua đọc sách báo hay tự học.

Nếu không sớm cải cách môn lịch sử cấp học phổ thông, khắc phục tình trạng sa sút đến mức báo động như hiện nay thì sẽ tạo ra những hẩng hụt trong kiến thức về lịch sử Việt Nam và thế giới, để lại những hệ quả rất đáng lo ngại trong kế thừa các giá trị di sản lịch sử và văn hóa dân tộc, trong gìn giữ bản sắc dân tộc, trong định hướng phát triển nhân cách, bản lĩnh con người Việt Nam nhất là khi giao lưu và đối thoại với các nền văn minh, văn hóa thế giới.

TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa lịch sử trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn- ĐH QGTP.HCM:

SGK lịch sử hay là sách chính trị?!

Nhìn vào nội dung chương trình sách giáo khoa lịch sử bậc phổ thông Việt Nam ta thấy nổi bật lên tính chính trị, thể hiện rất rõ ràng quan điểm lập trường chính trị, quan điểm giai cấp. Sách giáo khoa lịch sử bậc phổ thông của ta không phải là không phản ánh được sự thật lịch sử và cũng không phải là thiếu khoa học; nhưng tại sao khi đọc lên là thấy chính trị, mở sách giáo khoa là thấy quan điểm chính trị, càng về cận và hiện đại càng thấy trùng lặp với chính trị. Đặc biệt là phần viết về lịch sử Việt Nam trong các sách giáo khoa, đọc lên là thấy "nhân dân ta", "dân tộc ta", "Đảng ta", "Ta thắng, địch thua", "chủ trương sáng suốt", "dũng cảm, sáng tạo", "thắng lợi vĩ đại", "địch tàn bạo", "căm thù sâu sắc"... Đây không phải nói tới sự trùng lặp nhàm chán trong câu từ văn phong, mà là lối trình bày nặng về chính trị, nhằm hướng tới mục đích chính trị, vô hình chung làm triệt tiêu việc cảm nhận lịch sử và hình thành tình cảm con người với lịch sử dân tộc.

Đơn cử như bài 19 sách Lịch sử và Địa lý lớp 5 viết về việc nước nhà bị chia cắt (trang 42): "Mỹ tìm mọi cách phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ. Trong thời gian Pháp rút quân, Mỹ dần dần thay chân Pháp xâm lược miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, lập ra chính quyền tay sai". Chắc khó nhận ra đây là đoạn văn lịch sử hay chính trị. Liệu cậu bé lớp 5 có thích đọc đoạn văn này hay không ? Và cậu bé học sinh lớp 5 phải học thuộc lòng đoạn văn này để làm gì khi cần ở nó tình cảm lịch sử được hình thành, chứ không phải là nỗi căm thù với Mỹ, với Pháp, với Ngô Đình Diệm được nhen lên trong đầu nó!

PGS Ngô Minh Oanh, Trưởng khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm TP. HCM:

Nghèo nhất là giáo viên dạy Sử!

Chất lượng dạy học lịch sử sa sút, một bộ phận học sinh chán học môn lịch sử, lớp trẻ biết lơ mơ về lịch sử dân tộc... là một nỗi đau của tất cả chúng ta. Ở các trường phổ thông, môn sử bị coi là môn phụ, không được hiệu trưởng các trường phổ thông quan tâm chú ý. Có trường THPT khi trao giải thưởng cho những giáo viên có thành tích trong việc bồi dưởng học sinh đạt các giải cao trong các kì thi Olimpia, hay học sinh giỏi đã đặt phần thưởng cho các thầy cô dạy khoa học xã hội có học sinh đoạt giải, trong đó có môn lịch sử, chỉ bằng một nửa phần thưởng cho các thầy cô dạy khoa học tự nhiên mặc dù giải thưởng của học sinh giành được như nhau. Khi được hỏi về những nguyên nhân giảm sút chất lượng dạy, học lịch sử, ngoài những nguyên nhân khách quan, có 41,19% các thầy, cô cho rằng do môn sử chưa được xã hội và các nhà quản lí giáo dục coi trọng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng dạy, học lịch sử giảm sút.

Môn học bị coi nhẹ, những người dạy sử cũng không được tôn trọng. Nhiều thầy cô bức xúc về việc đánh giá thiếu công bằng giữa giáo viên dạy sử với giáo viên dạy các môn khác trong việc cân nhắc, đề bạt hay trong bình xét các danh hiệu thi đua. Những người dạy sử là những người nghèo nhất về thu nhập ở trong trường phổ thông. Không thể tổ chức dạy thêm như các môn học khác, không có thu nhập gì thêm ngòai đi dạy. Trong thời buổi kinh tế thị trường, việc thua thiệt đồng nghiệp về thu nhập cũng là một yếm thế của những người dạy sử.

Một số trường còn bố trí giáo viên không được đào tạo chuyên ngành để dạy môn lịch sử. Việc bố trí giảng dạy trái ngành càng làm cho chất lượng dạy, học môn sử thêm tồi tệ và người ta càng có cớ để coi thường môn và người dạy sử.

GS Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội:

Lổn nhổn chất lượng "đầu ra" môn Sử

Chất lượng đội ngũ giáo viên dạy sử như thế nào sẽ tác động đến quá trình giáo dục lịch sử thế ấy. Đội ngũ cán bộ giảng dạy lịch sử ở nhiều cơ sở đào tạo vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn.

Nhiều thế hệ sinh viên đã học ở một trường cao đẳng sư phạm ở phía Bắc phàn nàn: Toàn bộ phần lịch sử thế giới cận - hiện đại, chúng em học ở trường là con số không, vì ông thầy phụ trách dạy phần này kiến thức không hơn gì chúng em, thậm chí còn sai sót nữa, chúng em ngồi nghe giảng mất thời gian...

Điểm qua tình hình ở một vài cơ sở đại học - cao đẳng như vậy, chúng ta đã hình dung ra một kết quả tiếp theo là chất lượng sản phẩm của các cơ sở ấy là gì. Không ít trường đại học, cả công lập, dân lập và tư thục lao vào mở những ngành ít phải đầu tư cơ sở vật chất, như ngành lịch sử (họ quan niệm chỉ cần vài cuốn giáo trình, mấy cuốn tài liệu tham khảo là có thể mở ngành đào tạo được). Những cơ sở đào tạo này đã thu hút những thí sinh điểm thấp vào học. Tình hình ấy, chất lượng đào tạo ngành lịch sử "lổn nhổn" là tất yếu.

Khoa xã hội của một trường đại học mới được nâng cấp từ cao đẳng lên ở phía Bắc, đội ngũ giáo viên cho ngành sử sư phạm còn thiếu, không đủ chuẩn, còn phải đi mời giảng viên, thế nhưng họ lập tức mở cả ngành lịch sử xã hội nhân văn bên cạnh ngành sư phạm lịch sử. Chương trình giống như đào tạo ngành sư phạm lịch sử, chỉ cắt phần nghiệp vụ đi, không có chuyên ngành, cũng chẳng có chuyên sâu. Chương trình không đạt, mục tiêu không rõ như thế thì đủ biết chất lượng những sinh viên ấy ra trường rồi sẽ như thế nào! Và hầu như những sinh viên này ra trường đều tìm cách chuyển sang làm giáo viên ở phổ thông đi dạy môn Sử!

Đoàn Trần (thực hiện)