Môn Hóa: Quy tắc vàng không nên quên

Thí sinh nào đã học kỹ những kiến thức thật cơ bản trong sách giáo khoa, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 10, 11, 12, đặc biệt lớp 12 mới có cơ sở để làm tốt bài thi.

Thí sinh nào thiếu nhiều kiến thức nền tảng của các lớp 10, 11 thì rất khó học để thi đỗ đại học. Tuy nhiên, cần phải biết tận dụng những kiến thức cơ bản đó để trả lời câu hỏi cho tốt mới là nắm chắc phần thắng trong tay. Học kỹ ở đây hiểu là học để hiểu, để có thể vận dụng vào thực tế nhằm đối mặt với các dạng bài tập cơ bản.

Đọc toàn bộ đề bài, làm những câu dễ trước, câu khó sau. Làm cẩn thận và trọn vẹn từng câu. Đối với phần bài tập hóa học, cần đọc toàn bộ bài một cách cẩn thận từ đầu đến cuối; sau đó mới suy nghĩ để viết đúng được tất cả các phương trình phản ứng, hiểu các số liệu trong đề bài cho, rồi mới đặt ẩn số, lập phương trình và giải phương trình.

Nếu kết quả giải mà thấy phi lý, vô nghiệm thì nên xem lại toàn bộ bài làm xem có sai phản ứng nào không, do đó, việc nháp một cách rõ ràng để có thể dễ dàng kiểm tra lại xem mình sai từ khâu nào là một điều mọi thí sinh nên làm.

Cẩn thận là quy tắc vàng của phần giải toán. Thí sinh chớ nên chủ quan mà ra sớm. Thí sinh phải biết tận dụng từng giây từng phút cho bài làm đạt điểm cao - hãy kiểm tra lại từng li từng tí của từng chi tiết (không đời nào giám khảo ra một đề thi để làm trong 3 tiếng mà để thí sinh chỉ cần giải 1 tiếng là xong) .

Thí sinh bước vào phòng thi phải tự tin, không ỷ lại ở người bên cạnh. Trước khi thi, chỉ cần ôn tập cơ bản, không nhất thiết phải đến các trung tâm luyện thi hoặc không nên phải đi thi thử ở các lò luyện bởi lẽ đề thi chỉ ra các bài cơ bản, không đánh đố nên không cần mất thời gian vào những bài toán đánh đố làm gì.

Lỗi thí sinh thường gặp là tính toán vội vàng để rồi nhìn qua bên cạnh thấy mình sai và bắt đầu thiếu tự tin. Những câu không hiểu không làm. Giám khảo không cho điểm những phần thí sinh không hiểu chỉ viết nhăng cuội; tối kỵ nhất là gạch xóa lung tung trong khi làm bài.

Chỉ cần phần dễ làm trước; phần trung bình làm sau một cách cẩn thận hoàn chỉnh thì dù phần khó bỏ hẳn không làm cũng có thể đạt 5-7 điểm cho môn này.

Theo PGS.TS Đào Hữu Vinh
(Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội)
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm