Mỗi khi nhắc đến cô...

Mỗi khi nhắc đến cô Trần Thị Thơm, các bạn trường Ernst Thalmann (Q.1, TPHCM) lại tự hào kể về cô giáo của mình.

“Lửa” từ bục giảng

 

Cô là giáo viên dạy văn, môn học được xem là dễ… “gây mê” nếu giáo viên thiếu “lửa”. Những ngày đầu đứng lớp, cô đã không tránh khỏi điều này. Buồn khi thấy trong tiết học của mình, học trò cứ để tâm trí… bay tận đâu đâu, cô quyết tâm thay đổi phương pháp dạy. Bằng cách đưa vào bài giảng những câu chuyện có thật từ cuộc sống đời thường, cô đã chỉ cho học trò thấy được mối quan hệ giữa văn và thực, giữa nhân vật tưởng tượng và con người bằng xương bằng thịt.

 

Tấn Sang (lớp 11A1) kể: “Nhân vật Chí Phèo của thế kỉ trước trở nên gần gũi với tụi mình hơn khi được cô liên hệ với một bộ phận thanh niên hư hỏng ngày nay. Họ - nếu không được quan tâm, tiếp sức, sẽ khó vượt qua hình ảnh quỉ dữ để làm lại cuộc đời. Bài giảng của cô gợi cho tụi mình suy nghĩ về thái độ cư xử đối với những người lầm đường lạc lối”...

 

Ngoài giờ học, cô thường tổ chức cho học trò đến thăm các mái ấm, nhà mở… Những trải nghiệm từ đời sống thật không chỉ giúp các bạn trang bị vốn sống mà còn có thêm nhiều bài học làm người…

 

Mỗi khi nhắc đến cô... - 1
 Thương học trò, cô giáo Trần Thị Thơm cũng được không ít học trò thương. (Ảnh: Tùng Châu) 

Khi cô là bạn

 

Cát Huy (lớp 12A4) tâm sự: “Có lần, cô kể cho tụi mình nghe câu chuyện về tấm lòng nhân ái của Bác Hồ. Khi ấy, tụi mình cứ nghĩ đó là cách cô giúp học trò thư giãn trong giờ học. Nhưng khi chứng kiến những việc cô làm, tụi mình chợt nhận ra câu chuyện ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến cách sống của cô”. Đó là việc cô âm thầm theo dõi và phát hiện nguyên nhân khiến bạn N (lớp 11A1) thường xuyên đến lớp trễ, không thuộc bài là do phải đi bán chuối chiên phụ giúp gia đình. Hiểu chuyện, cô trích một phần tiền lương ít ỏi của mình giúp bạn đóng học phí (nhưng lại nói là do nhà trường hỗ trợ); rồi động viên bạn tới nhà để cô dạy kèm miễn phí. Đó còn là việc cô tìm đường đến tận nơi ăn chơi của những học trò lêu lỏng để tỉ tê, khuyên nhủ...

Việc làm thầm lặng của cô đã khơi dậy niềm lạc quan, yêu đời đối với những học sinh cá biệt, giúp các bạn ấy “lột xác” thành những người sống đẹp, như cách cô đang sống.

 

Là trợ lí thanh niên, cô thích “nghía” xung quanh để phát hiện những “ngôi sao học trò” trên các lĩnh vực để tìm cách bồi dưỡng năng khiếu. Còn nhớ trong Đêm hội văn hoá diễn ra ở trường, bên cạnh các ca sĩ chuyên nghiệp, cô đã mạnh dạn tạo điều kiện cho dàn ca sĩ “cây nhà lá vườn” biểu diễn trong một chương trình có bán vé. Và cô đã không nhìn lầm người. Được cô tin tưởng, các ca sĩ học trò đã biểu diễn hết mình, góp phần thu về cho trường số tiền 30 triệu đồng để gây quĩ hỗ trợ học sinh nghèo, xây dựng một căn nhà tình thương ở Vĩnh Long.

 

Thương học trò, cô cũng được không ít học trò thương. Thế nên, ngày 20/11 cô thường nhận được rất nhiều hoa. Nhưng cách đây ba năm, cô quyết định… từ chối nhận hoa và khuyên học trò của mình hãy sử dụng tiền mua hoa để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Cô bảo: “Nghĩa cử đẹp của các em mới là món quà mà cô muốn nhận”. “Sự kiện” lần đó cũng mở đầu cho một hoạt động mới của nhiều bạn học sinh trường Ernst Thalmann: tiết kiệm tiền đóng góp vào quĩ Vì người nghèo, quĩ Hỗ trợ nạn nhân bị chất độc da cam...

 

Có lẽ giáo viên, học sinh trường Ernst Thalmann không ngạc nhiên khi biết tin cô Thơm đoạt giải nhất tại hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Thành uỷ TPHCM tổ chức (tháng 6/2008). Bởi lẽ cô không chỉ kể chuyện mà từ lâu đã “theo gương Bác” bằng chính cách sống của mình. Và tin giáo viên Trần Thị Thơm trở thành ứng cử viên trong cuộc vận động bình chọn Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2008 của Thành Đoàn hẳn sẽ là tin vui đối với những ai từng yêu mến, tin tưởng cô.

 

Theo Ngọc Thảo

Mực Tím