Mêhicô: Tìm giải pháp cho trường đại học tư thục

Với hàng nghìn sinh viên mỗi năm không vào được các trường đại học công lập vì thiếu chỗ, các trường đại học tư tại Mêhicô mọc lên như nấm và đang tiếp tục mở rộng với nguồn cung cấp sinh viên này.

Tuy nhiên chất lượng đào tạo hạn chế tới mức mà đã có nhiều ý kiến đề xuất chính phủ hỗ trợ tài chính để nâng chất lượng đào tạo của mảng đào tạo tư nhân...

 

Theo thống kê của Bộ giáo dục công lập, giữa năm 2000 và 2005, tuyển sinh tại các trường đại học tư tăng từ 29 lên 33%. Trong 20 năm qua, tỉ lệ tuyển sinh đã tăng gấp đôi với tỉ lệ tăng trung bình hàng năm là 6%.

 

Tuy nhiên chất lượng đào tạo mà những trường này cung cấp thường yếu kém. Một số trường đại học được đặt tại những căn nhà tư, và thậm chí ở gara mà hầu như không chịu sự giám sát nào.

 

Các học viện và các nhà làm luật đang tìm cách bảo đảm chất lượng giáo dục ở các cơ sở tư nhân nhưng có các quan điểm bất đồng về cách thức tốt nhất.

 

Đầu tư ngân sách nhà nước để cải thiện hạ tầng và cơ sở dạy học – đó là đề xuất của Rafael Rangel Sostmann, viện trưởng Viện giáo dục bậc cao Monterrey và là cựu cố vấn giáo dục cho tổng thống Vicente Fox, nói.

 

Rangel gợi ý chuyển tiền ngân sách vào các trường tư qua học bổng sinh viên và đầu tư trực tiếp; cộng với một chương trình hỗ trợ dài hạn cho chương trình đào tạo, nhân sự và cơ sở vật chất. “Các trường đại học công thiếu năng lực đào tạo khiến giới trẻ không có sự lựa chọn giáo dục – Rangel nói – Chúng ta nên giúp các trường đại học tư bởi sinh viên của họ chủ yếu thuộc các gia đình không thể trang trải cho sự giáo dục tốt”.

 

Hiệu trưởng đại học Ibero-American, - Jose Morales, - đồng ý rằng cấp ngân quĩ từ nhà nước là một ý tưởng hay nhưng đưa ra những giới hạn nhất định. “Chúng ta nên giúp các cơ sở mà đặt nhẹ vấn đề lợi nhuận, một số cơ sở đào tạo đại học không quan tâm một chút gì tới giáo dục chất lượng” – Morales cảnh báo – “Họ chỉ quan tâm tới kiếm lời và vì thế không có những giảng viên giỏi, thư viện thương xứng hoặc trang thiết bị phù hợp”.

 

Nghị sĩ Salvador Martinez della Rocca thì phản đối việc sử dụng ngân quĩ công cho các trường tư bởi “các trường này chuyển kiến thức thành một sản phẩm thương mại và mối quan tâm tới kinh doanh của họ không song hành với giáo dục chất lượng của đất nước chúng ta. Theo Martinez thì các trường tư nên tìm nguồn quĩ tư nhân để cải thiện chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất của họ trong chính phủ phải “lo đầu tư lớn hơn cho giáo dục công lập theo đuổi miễn phí cho tất cả mọi người”.

 

Roberto Rodriguez Gomez thuộc đại học National Autonomous dẫn giải kinh nghiệm của Chile để bác bỏ ý kiến tài trợ đào tạo tư. Vào những năm 1990, Chile đã thí điểm hỗ trợ ngân sách cho trường tư nhưng “các trường tư thì vẫn không đưa ra được một nền giáo dục tốt trong khi trường công thì phẫn nộ vì không đủ kinh phí từ chính phủ”. Theo Rodriguez thì trong thời gian tới, các trường tư nên bắt chước cách gây quĩ của các trường tư ở Mỹ mà đã thu được nhiều thành công về nâng cao chất lượng.

 

Theo Tuấn Hải (Tổng hợp)

Giáo Dục Thời Đại