Mẹ chạy xe ôm nuôi con học trường quốc tế
“Hiếm có người mẹ nào làm được như chị ấy, vừa chạy xe ôm vừa bán quán nước, sớm hôm làm lụng lo cho hai con ăn học, không những vậy, con chị còn theo học tại trường quốc tế”.
Chị Hồ Thị Nửa chọn cho mình nghề xe ôm, nhận lấy những lời bàn ra tán vào của thiên hạ, thậm chí đối mặt với nguy hiểm tính mạng mà nghề này mang lại.
Đến cổng trường Đại học sư phạm kỹ thuật thành phố HCM, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh một người phụ nữ đậm người luôn chân luôn tay trong quán nước nhưng khi có khách gọi chị lại nhờ người khác trông hộ rồi tất bật chạy ra lấy chiếc xe cũ dựng cạnh bên, nhanh chóng chở khách đi theo yêu cầu. Nhiều người thắc mắc: “Chồng đâu mà đi chạy xe ôm?” Chị trả lời: “Số phận đưa đẩy nên phải làm thôi”.
Chị Nửa kể: “Lúc đầu đi chợ buôn bán cũng được mỗi ngày hơn trăm ngàn nhưng một mình làm không xuể lại phải gọi con đến giúp. Thấy con sáng nào cũng mắt nhắm mắt mở hộ mẹ dọn hàng, xong lại vội vàng về nhà để chuẩn bị đi học, thương quá nên tôi nghĩ mình chọn nghề khác mà không phải nhờ đến con cho chúng đỡ vất vả, tập trung vào học hành. Suy nghĩ mãi rồi tôi quyết định làm nghề xe ôm.
Những năm 2000 nghề xe ôm chưa có mấy người làm, đặc biệt là đàn bà con gái thì càng không có, mới bắt đầu chạy tôi phải lấy khẩu trang đeo vào bịt kín mặt cho đỡ xấu hổ. Đi xe ra trước cổng trường Đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM đứng ở đó nhưng không dám mời khách mà phải nhờ mấy ông xe ôm bắt khách hộ. Hơn một tháng sau thấy quen việc mới dám mời”.
Ban đầu chị chỉ chở những khách nữ vì khách nam họ ngại vì chị là phụ nữ nhưng dần dần họ cũng đi vì chị chạy cẩn thận mà đàn bà con gái không hay nhậu nhẹt nên lấy được sự tin tưởng.
Rồi chị kể: Có lần chở một anh thanh niên đến cầu Vỏ Khế bên quận 9, con đường vào chỗ này hai bên cỏ dại và dừa nước mọc um tùm, đang chạy thì anh thanh niên ngồi đằng sau hỏi chị: “Chị đi thế này không sợ bị cướp à?”. Chị đáp: “Đường cùng thì phải làm thôi em à, chứ sung sướng gì chạy xe ôm”.
Anh thanh niên lại nói tiếp: “Chị cẩn thận nha, có khi em cướp của chị”. Chị bảo: “Em nói thế nào ấy chứ! Nhìn em trai tráng khỏe mạnh như thế, nỡ lòng nào cướp của chị”. Đến nơi anh thanh niên xuống xe và không nói thêm lời nào nhưng chị vẫn dõi theo thì thấy anh này vén áo lên thì để lộ sau lưng những hình xăm vằn vện. Đang nghi ngờ thì anh cảnh sát khu vực xuất hiện hỏi: “Chị chở khách vào đâu, bằng đường nào vậy?” Chị kể cho anh công an về con đường mình đi và anh này khuyên: “Chị may đấy, lần sau cẩn thận chứ đoạn đường đó thường xảy ra cướp giật”. Chị nghĩ chẳng lẽ mình vừa chở cướp thật sao…?
Nuôi con học trường quốc tế
Năm 2005 thấy khó chịu trong người nên chị đến bệnh viện khám và phát hiện bị ung thư tử cung phải nhập viện Ung bướu thành phố HCM điều trị. Sợ mình không qua khỏi nên chị đã dặn dò hai con nhưng may mắn cho ba mẹ con chị có nhà hảo tâm giúp đỡ phẫu thuật nên chị đã khỏe lại. Sau khi ra viện thấy sức khỏe còn yếu chưa chạy xe được chị mua chiếc máy xay sinh tố và quán nước của chị hình thành từ đó, đến khi khỏe hẳn thì vừa bán quán nước vừa chạy xe ôm.
Ngày con trai cả tên Trần Hải tâm sự với chị mong muốn được theo học ngành Quản trị Kinh doanh thuộc Chương trình Đào tạo Cử nhân Quốc tế của Đại học Sunderland (Anh) tại Việt Nam, thì chị giãy nảy người. Chị nghe nói trường đó dành cho con nhà giàu, một mình chị vừa nghèo vừa bệnh, cho con vào đó học thì làm sao cáng đáng nổi.
Đem chuyện kể với mấy người bạn thì họ nói: “Tôi muốn con đi học mà nó không chịu, đằng này con chị muốn được học thì sao lại phân vân chứ…?”. Từ câu nói đó, chị quyết định cho con trai theo học tại trường Đại học Sunderland (Anh) tại Việt Nam, dù biết mỗi kỳ phải đóng 20 triệu tiền học phí.
Sau khi con trai vào học trường quốc tế, hai năm sau đến lượt cô con gái cũng thi đỗ và theo học ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ. Nuôi hai đứa con ăn học, tất cả trông vào quán nước và nghề xe ôm, gánh nặng gia đình oằn lên đôi vai người mẹ tần tảo.
Hết năm nay con trai cả của chị ra trường, đó là kết quả của những tháng ngày vất vả cực nhọc mà chị đã trải qua để lo cho các con.