Australia:

Máy tính bảng trở thành dụng cụ học tập bắt buộc

(Dân trí) - Vào năm học tới, trường tư thục St Andrew's Cathedrald tại thành phố Sydney, Australia sẽ chính thức coi máy tính bảng là dụng cụ học tập bắt buộc cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 10 vào năm học tới.

Tuy phụ huynh sẽ phải chi ra 597 AUD (khoảng hơn 12 triệu đồng) một iPad, trường hi vọng sẽ giảm thiểu được chi phí mua sách mỗi năm và làm nhẹ chiếc cặp học sinh khi tất cả những gì các em cần chỉ nằm gọn trong một chiếc máy tính bảng.

Học sinh trường tư thục St Andrew's Cathedrald cùng chiếc máy iPad.
Học sinh trường tư thục St Andrew's Cathedrald cùng chiếc máy iPad.

Một vài trường học tư thục khác ở Sydney cũng dự định biến chiếc máy tính bảng thành dụng cụ học tập bắt buộc. Theo họ, những chiếc máy này còn nhỏ gọn hơn cả những chiếc laptop đang được phát cho học sinh lớp 9 và 10 trong dự án Cách mạng giáo dục kỹ thuật số trị giá 2,4 tỉ AUD của chính phủ.

Việc học hành trở nên linh hoạt hơn với các kết nối không dây, bộ môn sinh học cũng có thể trở nên sống động và chân thực mà không cần đến phòng thí nghiệm.

Học sinh cũng không còn phải vật lộn với đống sách vở nặng nề.

"Em nghĩ đống sách toán cũng phải nặng đến 10kg", Helena Solomon, một học sinh lớp 9 kể.

"Mang sách mà giống như tập tạ vậy", một học sinh khác thêm vào.

Tại trường St Catherine - trường trung học nữ ở ngoại ô Waverley, thành phố Sydney, chính thức cấp máy tính bảng Samsung Series 7 - Slate PC cho các học sinh lớp 5, 7 và 10 trong năm nay vì dòng máy này hỗ trợ nhiều cho việc vẽ và viết bằng tay.

Nhiều phụ huynh có thể sẽ phản đối vì giá dòng máy này vào khoảng 1.500 - 2.000AUD. Tuy nhiên, Paul Carnemolla - giám đốc thông tin của nhà trường tỏ ra lạc quan: "Phụ huynh sẽ đồng ý nếu thấy các học sinh yêu thích cách học này đến thế nào. Có những học sinh dù bị ốm phải ở nhà nhưng vẫn có thể cùng làm bài tập cùng với các học sinh khác. Học sinh có thể nghe tôi nói, quan sát màn hình máy tính của tôi và ngược lại, tôi cũng có thể quan sát màn hình máy tính học sinh đang dùng".

Hiệu trưởng trường St Andrew, ông John Collier, cũng lạc quan về sự đồng thuận của phụ huynh. "Đây là cách để trẻ em giao tiếp với thế giới và thật điên rồ khi từ chối điều này."

Tuy nhiên, một phụ huynh tỏ ra lo lắng rằng điều luật mới có thể sẽ là chất xúc tác cho chứng nghiện Internet. Đáp lại lo lắng này, hiệu trưởng Collier thừa nhận các giáo viên và phụ huynh sẽ phải biết cách để tâm và quản lý con em hiệu quả.

Ngô Vân
Theo The Herald

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm