Hộp thư nóng tuyển sinh:

Mất toàn bộ giấy tờ có được dự thi?

(Dân trí) - Ngay sau khi Dân trí công bố số điện thoại nóng trợ giúp thí sinh, đã có hàng trăm cuộc gọi nhờ tư vấn. Trong đó, đa số các em thắc mắc về vật dụng được phép mang vào phòng thi và mong muốn giải toả những lo lắng về thi trắc nghiệm.

Hỏi: Hiện nay em đang sử dụng máy tính Casio FX 500 ES. Nhưng sau khi đọc trên báo em không có máy Casio FX 500 ES, mặc dù loại máy tính này là phiên bản cũ hơn FX 570 ES và tính năng kém hơn. Vậy em có được mang vào phòng thi không? (huyen_thoai_longbong@yahoo.com)  

Trả lời: Theo Trung tâm tin học thuộc Bộ GD-ĐT, đơn vị chuyên trách nghiên cứu về các loại máy tính được phép sử dụng máy tính trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì máy tính Casio FX 500 ES hoàn toàn được phép sử dụng. Do đó em yên tâm sử dụng đời máy này nhé.  

Dân trí sẽ tiếp tục hỗ trợ thông tin cho thí sinh qua số điện thoại nóng 0902182330, những thắc mắc của thí sinh gửi về email: tuyensinh.dantri@gmail.com sẽ được giải đáp ngay trong ngày.

Hỏi: Ngày hôm qua, cháu bị mất túi xách trong đó có giấy Chứng nhận tốt nghiệp, giấy báo dự thi, phiếu đăng ký số 2... khối D của em trai. Cháu muốn hỏi như vậy em cháu có thể tham dự kỳ thi ĐH khối D được nữa không? (tieumai_qlkd@yahoo.com)  

Theo Vụ ĐH&SĐH thì trong trường hợp thí sinh bị mất toàn bộ giấy tờ, thí sinh viết đơn trình bày với nhà trường ngay trong ngày đến làm thủ tục đăng kí dự thi. Hội đồng tuyển sinh sẽ tra danh sách đã nộp hồ sơ để cấp giấy báo dự thi bổ sung cho thí sinh; đồng thời, sẽ tiến hành chụp ảnh thí sinh, đối chiếu với ảnh đã nộp trong hồ sơ để loại trừ việc thi hộ. Như vậy, dù có mất toàn bộ giấy tờ, thí sinh vẫn được dự thi bình thường.

Do đó trong ngày 8/7 tới em của bạn cần phải liên hệ ngay với Hội đồng thi của mình dự thi. Trong trường hợp không thể nhớ địa điểm thi, số báo danh, phòng thi thì cần liên lạc ngay với Phòng đào tạo của trường để được hỗ trợ.

Hỏi: Năm nay em thi lần 2 vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Năm trước em thi tại với lệ phí thi là 20.000 nghìn đồng, nhưng năm nay tại TPHCM em nghe tin là phải đóng đến 60.000 nghìn. Tin này có chính xác hay không? (fetquyanhoa@yahoo.com)

Mức quy định thu lệ phí dự thi đối với kì thi tuyển ĐH, CĐ năm 2007 là 20.000đ. Tất cả những trường thu cao hơn mức này là sai quy định.

Do đó thông tin em nêu ra hoàn chưa có cơ sở mà mới chỉ là tin đồn. Vì vậy em cần tập trung ôn tập để thi đợt hai cho tốt. Nếu trong ngày làm thủ tục dự thi trường thu mức lệ phí cao hơn 20.000đ thì em phản ánh ngay cho Dân trí nhé.  

Hỏi: Xin hướng dẫn ghi số báo danh trong bài thi? (nguyennguynhu@gmail.com)  

+ Đối với môn thi tự luận:

Trước khi làm bài thi phải ghi đầy đủ Số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi và nhất thiết phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi.

+ Đối với môn thi trắc nghiệm:

Thí sinh phải điển đủ 10 mục trên tờ phiếu thi trắc nghiệm bao gồm: 1. Tỉnh/thành phố (hoặc trường đại học cao đẳng) ………..; 2. Hội đồng/ Ban coi thi (hoặc Điểm thi) ………………; 3. Phòng thi ……………; 4. Họ và tên thí sinh……………; 5. Ngày sinh……………; 6. Chữ ký của thí sinh………..; 7. Môn thi……………; 8. Ngày thi……………; 9. Số báo danh (có 6 cột ghi chữ số)…………; 10. Mã đề thi………… (có 3 cột ghi chữ số).

Thí sinh dùng bút mực hoặc bút bi điền đầy đủ vào các mục để trống (từ số 1 đến số 9) chưa ghi mã đề thi (mục 10). Lưu ý ghi số báo danh với đầy đủ 6 chữ số (kể cả chữ số 0 ở đầu số báo danh, nếu có) vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột của khung số báo danh (mục số 9 trên phiếu trả lời trắc nghiệm) 

- Mục 1: Ghi tên trường kèm theo ký hiệu trường (ví dụ: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ký hiệu BKA);

- Mục 9: Ghi phần chữ số của số báo danh và thêm các chữ số 0 vào bên trái (nếu chưa đủ) cho đủ 6 chữ số.

Lưu ý: Không ghi phần chữ chỉ ghi phần số.

Ví dụ: Thí sinh thi vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội khối A có số báo danh BKA 375 thì phải ghi là 000375.

Các mục còn lại ghi theo đúng hướng dẫn trên tờ phiếu thi trắc nghiệm.

Sau ghi nhận đề thi thí sinh phải ghi ngay mã đề thi vào phiếu trả lời trắc nghiệm.

Ban Tư vấn Tuyển sinh