Mang nghệ thuật vào giáo dục, cô gái Bắc Ninh giành học bổng Chevening
(Dân trí) - Từ đam mê hội họa tự do như một phương tiện chữa lành thương tổn thời thơ ấu, Dương Oanh tìm thấy “duyên” mang nghệ thuật vào giáo dục. Cô vừa xuất sắc giành học bổng Chevening đến Anh học thạc sĩ.
Hướng đi mang nghệ thuật vào trong giáo dục trong suốt được Oanh Dương thực hiện trong suốt hành trình Fellowship (Phát triển năng lực lãnh đạo) tại tổ chức Teach For Viet Nam – một doanh nghiệp xã hội với tầm nhìn hỗ trợ hệ sinh thái giáo dục, chung tay xây dựng nền giáo dục bình đẳng và hoàn thiện cho trẻ em Việt Nam nằm trong mạng lưới giáo dục toàn cầu Teach For All.
Tháng 10/2019, Oanh trở thành Founder (Sáng lập viên) của Dự án Giáo dục nghệ thuật cộng đồng "Art For Education" (Nghệ thuật trong em là) đồng tổ chức với Bảo tàng Quảng Nam dành cho học sinh THCS tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam.
Đây là một trong các dự án vinh dự được góp mặt trong mạng lưới những sáng kiến cộng đồng về thực hành giáo dục nghệ thuật hiệu quả có kết hợp các phương pháp giảng dạy sáng tạo được vinh danh trên website của UNESCO trong Tuần lễ quốc tế về Giáo dục Nghệ Thuật (25-31/05/2020).
Nhận thấy còn nhiều "khoảng cách" để thực hành nghệ thuật một cách chuyên sâu và tạo tác động xã hội mạnh mẽ hơn nữa, Oanh quyết định theo đuổi con đường học lên Thạc sỹ ngành "Inclusive Arts Practice" (tạm dịch: Thực hành Nghệ thuật dành cho mọi người) tại thành phố Art - Vương quốc Anh - cái nôi phát triển ngành nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo hàng đầu thế giới.
Việc chinh phục thành công học bổng danh giá Chevening 2020 đã mang tới cho Oanh cơ hội để học tập tại ngôi trường mơ ước, thực hiện giấc mơ mang nghệ thuật đến với tất cả mọi người, bao gồm cả các nhóm yếu thế trong xã hội và phát triển giáo dục nghệ thuật sáng tạo trong hệ thống giáo dục trường công tại Việt Nam.
Dương Thị Oanh (sinh năm 1994)
Quê quán: Bắc Ninh
Cựu sinh viên Đại học Ngoại Thương (Hà Nội)
Thành tích nổi bật:
- Hoàn thành chương trình 2 năm Leadership Development Fellowship (Phát triển năng lực lãnh đạo) của tổ chức Teach For Viet Nam, trở thành Alumni của mạng lưới giáo dục toàn cầu Teach For All;
- Sáng lập dự án Giáo dục nghệ thuật cộng đồng “Art For Education - Nghệ thuật trong em là" đồng tổ chức với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, bảo trợ bởi Teach For Vietnam;
- Đồng sáng lập dự án “Family Engagement” tại Tân Châu, Tây Ninh – đối tác cộng đồng (Community partner) với Câu lạc bộ Women's Empowerment Club của Lãnh Sự Quán Mỹ tại Tp.HCM;
- Quản lý dự án “Ngồi xuống nghịch chơi” – chuỗi Workshop Vẽ tập thể kết nối nội bộ cho Fellows & nhân viên của Teach For Viet Nam;
- Trưởng mảng Chương trình Tết Ấm 2014 tại Lạng Sơn (Đội Thanh niên tình nguyện Sông Mã)
- Giải Nhì cuộc thi "DIY Design contest" của Doanh nghiệp xã hội Zó (Zó Project)
- Giải Ba kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh, lớp 9 và 12 (Bắc Ninh).
PV Dân trí có cuộc trò chuyện với Dương Oanh để tìm hiểu rõ hơn về hành trình theo đuổi đam mê và giành vé du học thạc sĩ theo học bổng Cheveing của cô.
Hiểu, tin và tìm ra giá trị của chính mình
PV: Chào Oanh, được biết ở bậc đại học, bạn theo học ĐH Ngoại thương. Tôi tò mò cơ duyên nào khiến bạn chuyển hướng sang giáo dục nghệ thuật thay vì làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo sau khi tốt nghiệp cử nhân?
Dương Thị Oanh: Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, qua quá trình tham gia hoạt động tình nguyện và làm nhiều dự án cộng đồng, mình nhận ra mình muốn được làm những công việc vừa đúng với giá trị của bản thân lại vừa tạo được ra giá trị cho cộng đồng nhiều như thế nào.
Từ đó, mình bắt đầu hành trình khám phá, nuôi dưỡng bản thân để đi một con đường khác – con đường gắn với Giáo dục và hoạt động cộng đồng thay vì trở thành một chuyên viên Ngân hàng theo đúng ngành học ở Đại học, gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều từ người thân nhưng mình đã quyết định lựa chọn cuộc sống đúng với giá trị của chính mình.
- Với nhiều bạn trẻ, việc tìm ra con đường mình đam mê và thực sự phù hợp không phải chuyện ngày một, ngày hai. Con đường tìm ra giá trị của chính mình như Oanh vừa nói, liệu có dễ dàng?
Hành trình 2 năm Leadership Development Fellowship (Phát triển năng lực lãnh đạo) tại Teach For Viet Nam (TFV) đã giúp mình vẽ ra con đường đi rõ ràng hơn cho sự nghiệp của mình.
Nuôi dưỡng kế hoạch theo đuổi cao học tại Anh sau khi hoàn thành chương trình 2 năm tại TFV, mình bắt đầu tìm hiểu về các chương trình học bổng toàn phần từ năm 2018 và Chevening là một chương trình học bổng hoàn toàn kết nối với hành trình mà mình đã đang đi vì tiêu chí cũng hướng tới phát triển các nhà lãnh đạo tiềm năng đến từ đa dạng ngành nghề chuyên môn, trau dồi năng lực networking, tạo ảnh hưởng xã hội và cho mình nhiều cơ hội phát triển học tập trong một môi trường đa dạng văn hóa.
Ngoài ra, trở thành Alumni trong mạng lưới Giáo dục toàn cầu Teach For All, mình cũng sẽ có những kết nối với các bạn Alumni từ Teach First UK nên học tập tại Anh cũng sẽ là cơ hội để mình được kết nối, học hỏi và tiếp tục hành trình gắn bó với giáo dục và cộng đồng cùng các bạn cựu Fellows trong mạng lưới.
Hoàn thành hồ sơ nộp học bổng từ tháng 11/2019 với 4 bài luận là kết quả của một quá trình nỗ lực làm việc với bản thân rất sâu để kết nối lại hành trình mình đã đi, đã làm và khám phá sức mạnh bên trong rất nhiều.
May mắn được bước tiếp vào vòng phỏng vấn, mình nhớ lại, đấy là lần đầu tiên mình được “kể về câu chuyện cuộc đời mình” một cách say sưa, tự do, chân thật và sống động đến vậy. Có lẽ vì những câu chuyện với nhiều nội lực đã giúp mình có cơ hội được bước vào cộng đồng Chevening năm nay để theo đuổi ước mơ của mình.
- Hoạch định được ước mơ để trả lời câu hỏi “tôi là ai” trong đời, chắc hẳn đó là một điều quan trọng nhất giúp ứng viên chinh phục trái tim hội đồng tuyển sinh học bổng Chevening. Khi đã trả lời được câu hỏi trọng tâm rồi, Oanh còn gặp khó khăn nào trong ứng tuyển không?
Mình rất may mắn vì luôn được nhận sự trợ giúp và đồng hành của rất nhiều đồng nghiệp và bạn bè, nên khó khăn thường chỉ xuất phát từ bên trong mình, và điều khó nhất vẫn là “hiểu mình và tin vào mình”: hiểu mình vì sao muốn học tiếp, vì sao lại là lựa chọn này, tin mình có làm được hay không, tin mình đã làm được những gì, và sẽ làm được những gì? Chỉ khi tin và hiểu chính mình, thì hình ảnh mà mình thể hiện trong bài luận và buổi phỏng vấn mới chân thật là mình, thuyết phục mình và đủ để thuyết phục được lòng tin của người khác.
Thế nên những ngày đầu viết luận, mình đã rất khó để kể lại câu chuyện chân dung mình một cách ngắn gọn, súc tích và thể hiện được hết sức mạnh và năng lực của bản thân. Đã có lúc phải thốt lên “vì sao mình đã làm được rất nhiều điều tuyệt vời và tạo tác động tích cực với cộng đồng mà lại không thể kể về mình một cách tự tin?”.
Thế rồi cũng tự hệ thống lại mọi sự kiện và xâu chuỗi lại để tìm ra màu sắc cá nhân và cách viết “là mình” nhất, cùng với góp ý, đặt câu hỏi của một người bạn đã rất hiểu mình để cuối cùng cho ra được 4 bài luận từng được một chị alumni khen là rất truyền cảm hứng.
- Thể hiện bản thân trong hồ sơ là một chuyện, còn ở vòng phỏng vấn thì sao?
Tương tự với khó khăn trong vòng phỏng vấn, bản thân luôn kiếm tìm sự sáng tạo, nên đã phải dành rất nhiều thời gian để định hình và lựa chọn cách thể hiện sáng tạo đặc trưng và tạo dấu ấn. Nhưng rồi cũng vượt qua khi mình suy nghĩ đơn giản đi.
Mình đã bắt đầu bằng một bức tranh phác hoạ nhanh giới thiệu mình trong lúc chờ vào phòng phỏng vấn online. Vì vậy khó khăn nào cũng sẽ vượt qua thôi, chỉ cần vững tin và thể hiện tự nhiên là con người mình nhất một cách thông minh.
Trị giá suất học bổng mình nhận được là toàn bộ học phí khóa học Thạc sỹ Inclusive Arts Practice tại University of Brighton, chi phí đi lại từ Việt Nam tới Anh và trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và tham gia sự kiện của cộng đồng Chevening.
Kết nối nghệ thuật để chữa lành tổn thương
- Lí do Oanh chọn ứng tuyển vào University of Brighton? Chuyên ngành và những dự định bạn sẽ theo đuổi ở đây?
Nhận thấy còn rất nhiều "khoảng cách" về năng lực chuyên môn và kỹ năng quản lý dự án có sự tham gia của nhiều bên và để thực hành nghệ thuật một cách chuyên sâu tạo tác động xã hội sâu rộng hơn nữa, mình quyết định theo đuổi con đường học lên Thạc sỹ ngành "Inclusive Arts Practice" (tạm dịch: Thực hành Nghệ thuật dành cho mọi người) tại thành phố Art - Vương quốc Anh - cái nôi phát triển ngành nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo hàng đầu thế giới để thu hẹp khoảng cách đó lại.
Ngoài ra, Giáo sư Alice Fox, Phó khoa Nghệ thuật Trường ĐH Brighton – người sáng lập ra khóa học này đầu tiên ở Anh, đã thực hiện và tham gia nhiều dự án làm việc với các cộng đồng người khuyết tật, khiếm khuyết, các nhóm yếu thế bên lề xã hội trên khắp thế giới trong đó có Việt Nam nên mình muốn được kết nối, học hỏi trực tiếp và tìm những cơ hội để hợp tác và phát triển ngành được cho là còn rất lạ ở Việt Nam.
Sau khi trở về nước, mình sẽ tiếp tục tham gia vào mạng lưới những người thực hành nghệ thuật trong nước để thực hiện ước mơ phát triển giáo dục nghệ thuật sáng tạo trong hệ thống giáo dục trường công và mang Nghệ thuật đến với tất cả mọi người, bao gồm các nhóm yếu thế trong xã hội đặc biệt là nhóm khuyết tật học tập.
Sau đó sẽ xây dựng và phát triển một Không gian sáng tạo Thực hành nghệ thuật dành cho tất cả mọi người, với những dự án cộng đồng và phát triển chương trình đào tạo ngành Thực hành nghệ thuật có thể áp dụng tại nhiều địa phương.
- Quay trở lại điểm bắt đầu hành trình của Oanh, tại sao bạn đam mê hội hoạ tự do để chữa lành tổn thương tâm lý thời thơ ấu, có phải nó xuất phát từ một câu chuyện nào đó gây ảnh hưởng sâu sắc tới bạn?
Sống với ông bà từ nhỏ, những gì mình có được là sự tự do và tin tưởng vô điều kiện của ông bà vào chuyện học hành. Vì vậy mình cũng được tự do cầm bút màu và tô vẽ cả ngày, những lúc bị ảnh hưởng tâm lý bởi chuyện sống trong một gia đình nhiều bất ổn và có bạo lực gia đình giữa bố mẹ, mình tìm thấy niềm vui và sự bình an trong từng nét vẽ và dải màu.
Mình được trở về trò chuyện với chính mình khi đặt bút vẽ và làm đồ handmade tặng bạn bè. Từ đó vẫn giữ thói quen tiết kiệm tiền mỗi tháng đi mua một cây bút marker kuelox hay mua cho mình một bộ màu sáp dầu trong tháng lương đi dạy thêm đầu tiên hồi năm hai đại học để tích lũy họa cụ. Sau này đi làm, những lúc căng thẳng trong công việc mình cũng lựa chọn việc ngồi yên tĩnh vẽ màu nước hoặc mandala.
Mình hay gọi đó là cách mình tự học chơi và chữa lành cho chính mình. Khi tham gia chương trình Fellowship tại TFV, mình được dạy học tiếng Anh và làm dự án cộng đồng ở 2 trường tiểu học ở Tây Ninh, tất cả các bạn nhỏ, đặc biệt những bạn sống trong gia đình bất ổn hay gặp khó khăn về khả năng học tập đều rất ham mê vẽ.
Vì vậy, mình đã chọn hình thức câu lạc bộ kết hợp Tiếng Anh với các hoạt động nghệ thuật như vẽ, kịch, thiết kế, sáng tạo thủ công và nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt trong học tập cũng như cải thiện trong khả năng giao tiếp tích cực hơn của các bạn. Mình nhận ra, với chính bản thân hay học trò của mình, nghệ thuật có sức mạnh nuôi dưỡng và kết nối lớn như thế nào nên muốn mang nghệ thuật tới thật nhiều người hơn nữa.
- Bạn đã tham gia những hoạt động nào xoay quanh đam mê hướng tới cộng đồng này?
Mình chủ động tham gia Khóa tập huấn Circle Painting (Hội họa kết nối) của Thạc sỹ Mỹ thuật Nguyễn Cao Hiệp – Sáng lập viên của Circle Painting tại Mỹ, mình được mở rộng network với các nhà thực hành nghệ thuật khác cũng như nhìn thấy tiềm năng, nội lực mạnh mẽ và cái duyên với nghệ thuật bên trong mình.
Trở về với tổ chức, mình mạnh dạn điều phối các buổi workshops Vẽ tập thể cho nội bộ TFV với mong muốn giữ một không gian sáng tạo để kết nối mọi người và giải tỏa áp lực công việc trong mỗi người.
Đến năm thứ 2 Fellowship, mình đã khởi xướng cùng 2 bạn Fellows khác sáng lập dự án Art For Education để tiến thêm một bước nữa tới cộng đồng thông qua giáo dục nghệ thuật tại Bảo tàng gắn liền với các giá trị văn hóa, lịch sử của Quảng Nam. Mình tự hào vì đã tạo được một không gian sáng tạo cho học trò, thông qua nghệ thuật đã giúp các bạn phát triển năng lực biểu đạt cảm xúc, thẩm mỹ, tư duy giải quyết vấn đề sáng tạo và trau dồi kiến thức địa phương, tạo được sự kết nối sâu hơn giữa phụ huynh và học sinh, truyền cảm hứng tới các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng, thầy cô giáo mỹ thuật và thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng trong và ngoài ngành giáo dục.
Không ngừng sáng tạo, có bản sắc riêng trong hồ sơ ứng tuyển học bổng
- Theo Oanh, để apply thành công học bổng Chevening ứng viên cần đáp ứng những yếu tố gì? Bí quyết để cá nhân Oanh chinh phục thành công học bổng danh giá của Chính phủ Anh?
Theo mình, đầu tiên sự chuẩn bị chính là chìa khoá - “preparation is a key”, chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng và tâm lý vì đây sẽ là một hành trình cực kỳ dài và nhiều thử thách đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều sự bất ổn.
Về kiến thức: Ngoài yếu tố cơ bản là cần tìm hiểu kỹ về chương trình học bổng này là gì, có những tiêu chí nào, quy trình, yêu cầu ra sao, thì cần hiểu rõ mục tiêu của mình để xây dựng kế hoạch lộ trình theo đuổi và “làm bạn” với quá trình apply.
Các tiêu chí chủ yếu của Chevening hướng tới những cá nhân có tiềm năng lãnh đạo, tạo ảnh hưởng, tác động tới người khác nhằm tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, xã hội tại đất nước của bạn, có một mạng lưới để nhân rộng và lan tỏa ảnh hưởng, có mục tiêu học tập rõ ràng và kế hoạch tương lai sự nghiệp cống hiến cho đất nước của mình trong ít nhất 2 năm sau khi hoàn thành chương trình học.
Về kỹ năng: Ứng viên cần có kỹ năng viết luận, phỏng vấn, kỹ năng network tiếp cận những người đã có kinh nghiệm để hỏi lời khuyên, tư vấn và có người cùng đồng hành, phản biện mang tính xây dựng khách quan.
Về tâm lý: Ứng viên cần chuẩn bị một tâm thế cởi mở, sẵn sàng đón nhận phản hồi tiêu cực hoặc phản biện gay gắt để mình nhìn ra những thiếu sót và hoàn thiện mình. Cần chuẩn bị tâm lý chờ đợi và kiên nhẫn - với chính mình và với quãng thời gian theo quy trình ứng tuyển để đi từng bước từng bước một cách vững chãi.
Bí quyết của Oanh là luôn luôn chân thành, tự nhiên “là mình”, tìm một người cùng mức năng lượng với mình, hiểu mình và có thể đồng hành chặng đường dài với mình như một người hướng dẫn vậy. Và không ngừng sáng tạo nữa, giữa hàng trăm lá đơn thì chỉ có sự sáng tạo và màu sắc riêng mới giúp bạn được nhớ về.
- Nội dung bài luận của Oanh hướng tới vấn đề nào? Kinh nghiệm để viết luận gây ấn tượng của Oanh là gì?
Nội dung bài luận của Oanh chủ yếu hướng tới vấn đề giáo dục và nghệ thuật là hai phần việc mà mình làm nhiều nhất trong 2 năm qua, tái hiện câu chuyện về hành trình thúc đẩy mình theo đuổi con đường thực hành nghệ thuật cộng đồng, các dự án mình đã làm, bài học đã học được và kế hoạch cụ thể chi tiết về sự nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn.
Kinh nghiệm viết luận vẫn là theo lối kể chuyện, nhưng cần luôn luôn sáng rõ về câu chuyện của mình, dòng thời gian, cốt lõi điều muốn truyền tải, nút thắt trong câu chuyện, kể một cách gãy gọn, cần có “hồn” và bản sắc riêng của mình. Và luôn cần có người đọc và phản biện cho mình để sửa lại một cách khách quan ít nhất 3 lần, nên nghỉ ngơi giữa chừng một chút trong lúc viết để không dễ bị cuốn theo lối mòn tư duy, đọc và nghiên cứu vừa đủ để không bị rối và quên mình.
- Oanh dành lời khuyên nào đến các bạn trẻ cũng muốn giành học bổng Chevening?
Dù là làm việc gì, hay muốn đạt được điều gì trong cuộc sống hay cụ thể là muốn chinh phục được học bổng du học thạc sĩ ở châu Âu hay bất kì đâu, thì chúng mình cũng luôn nhớ là phải hiểu mình trước rồi hiểu người và biết thể hiện bức tranh chân dung bản thân rõ nhất, chân thật nhất, tự tin nhất, giữ vững mục tiêu và niềm tin của mình để kiên trì trên hành trình bạn đã chọn.
- Mơ ước lớn nhất của Oanh là gì?
Dạo gần đây mọi người hay nói về “hạnh phúc”, còn với Oanh thì mong ước hiện tại lớn nhất là đủ sức khỏe và bình an để hoàn thành chặng đường học tập tại Anh sắp tới.
Từ đó có thể sống với đam mê và thực hiện ước mơ đem giá trị nhân văn và kỳ diệu của nghệ thuật tới tất cả mọi người như đã chia sẻ ở trên, trở thành một Nhà thực hành nghệ thuật có năng lực, có sự thấu cảm, chung sống trọn vẹn cùng cộng đồng và lan tỏa được năng lượng tích cực tới cộng đồng.
Cảm ơn Oanh vì cuộc trò chuyện!