"Mách" SV cách đối mặt với tình huống “oái oăm” của nhà tuyển dụng
(Dân trí) - Khả năng chuyên môn cao nhưng nhiều ứng viên đi xin việc bị đánh trượt vì mất điểm trước những hình huống nhà tuyển dụng đưa ra. Hạn chế chung của sinh viên là đi xin việc nhưng là thiếu chủ động khi “đối mặt” với nhà tuyển dụng.
Mất tự tin vì thiếu chuẩn bị
Nhiều SV cho biết, khi PV họ sợ nhất là khi nhà tuyển dụng đưa ra những hình huống cụ thể và yêu cầu họ giải quyết tình huống đó. Nhiều bạn đành “ngậm hột thị” hoặc xử theo cảm tính để rồi… nhận ngay được kết quả “chờ một cơ hội khác”.
Sinh viên tham gia phỏng vấn thử tại chương trình “Ngày hội Nghề nghiệp SV - Nhân lực trẻ TPHCM 2011”.
Một SV kỹ thuật năm cuối trường ĐH Bách khoa thắc mắc một nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn mình chán chê thì nói rằng, thật ra vị trí này ở công ty ông đã có người nhưng công ty một người bạn của ông đang rất cần, bạn có nhận lời qua đó làm việc không. Một tình huống khác, người phỏng vấn nói rằng 1 + 1 = 3, cậu SV này phản bác lại… đến lần thứ thứ ba 1 + 1 = 2 để bảo vệ lập trường của mình cũng… bị đánh trượt.
Mới là SV năm thứ 2 nhưng Đặng Ngọc Tuấn, khoa Quản trị Kinh doanh của ĐH Ngoại thương đã trải qua nhiều cuộc phỏng vấn xin việc bán thời gian tại các trung tâm Ngoại ngữ, Tin học. Tuấn chia sẻ: “Em luôn bị lúng túng trước các tính huống mà nhà tuyển dụng đưa ra như các vấn đề hạn chế bản thân, mức lương, hỏi mình có xứng đáng với vị trí họ đang cần tuyển dụng hay không?”.
Nhiều SV còn nghĩ rằng “Nhà tuyển dụng đưa ra những tình huống… không liên quan gì đến chuyên môn để đánh đố ứng viên”. Những người hoạt động trong lĩnh vực nhân sự cho rằng, các câu hỏi, tình huống nhà tuyển dụng đưa ra đều có giá trị khai thác tố chất của ứng viên.
Giải đáp của các chuyên gia nhân sự về tình huống thứ nhất mà cậu SV trường Bách Khoa nói trên gặp phải rơi vào hai trường hợp. Một đó có thể là câu trả lời: “Cậu không thích hợp với ví trị của chúng tôi” nhưng cũng có thể là một “phép thử” thái độ cam kết với công việc của ứng viên. Trong hoàn cảnh này, ứng viên nên nhấn mạnh đam mê công việc mình ứng tuyển, sau đó hãy hỏi thăm đến vị trí tại “công ty của người bạn ông ta” vì có thể đây là một thiện chí muốn giới thiệu bạn cho nơi khác.
Còn tình huống hai, vấn đề không phải là phép toán 1 + 1 mà nhà tuyển dụng mong muốn tìm tố chất linh hoạt, uyển chuyển của ứng viên nhưng chàng SV không đáp ứng được điều này vì quá máy móc.
Đặt mình vào nhà tuyển dụng
Bà Hồ Thụy Nhàn Khanh, Trưởng phòng Nhân sự Nhóm các bộ phận & Tài chính kiểm soát, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, cho rằng hạn chế lớn nhất của các bạn trẻ đi xin việc hiện nay vẫn là vấn đề tự tin. Họ thiếu tự tin vì họ luôn thiếu sự trang bị, chuẩn bị cần thiết của một ứng viên nên đã vô tình đã chủ động đẩy mình vào thế… bị động trước mọi tình huống.
Nhiều SV chia sẻ những khó khăn khi phỏng vấn với chuyên gia nhân sự Hồ Thụy Nhàn Khanh (ngoài cùng, bên phải).
Nhiều bạn trẻ từ thời SV đến khi tốt nghiệp ra trường liên tục tục nộp hồ sơ xin việc, trải qua phỏng vấn nhưng nhiều năm liền vẫn chỉ để “đúc kết kinh nghiệm” mà không biết rằng như thế đang đánh mất rất nhiều thời gian cũng như cơ hội cơ hội của bản thân. Điều quan trọng nhất là SV cần phải tìm ra được những chân lý và nguyên lý cơ bản của phỏng vấn tuyển dụng.
Chuyên gia Nhàn Khanh phân tích, các nhà tuyển dụng khi PV luôn tập trung các câu hỏi nhằm tìm kiếm 3 tố chất của ứng viên: kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ cam kết với công việc. Để khai thác được điều này, họ sẽ đưa ra các tình huống yêu cầu ứng viên giải quyết, đặt ra nhiệm vụ công việc cũng như khả năng tương tác cho ứng viên và cuối cùng là khai thác kết quả.
Vì thế, yêu cầu quan trọng nhất là ứng viên phải nắm chắc bản mô tả công việc mình ứng tuyển để không bị đuối trước mọi tình huống. “Đừng để bị động, hãy nắm thế chủ động bằng cách đặt mình vào vị trí người PV để lường trước các câu hỏi người ta có thể đặt ra cho mình. Và sau câu trả lời của mình, người ta có thể sẽ hỏi theo những hướng nào”, bà Khanh nhấn mạnh.
Nhiều SV gặp khó khi gặp các câu hỏi về hạn chế của bản thân từ nhà tuyển dụng? Trong trường hợp này ứng viên hãy thay từ “hạn chế” bằng “điểm cần khắc phục”, đồng thời cho nhà tuyển dụng thấy mình đang có những kế hoạch cụ thể để khắc phục hạn chế này.
Sự tự tin của ứng viên sẽ tăng lên cùng với chuẩn bị kỹ lưỡng vì thế các bạn hãy chủ động từ những “mẹo” rất nhỏ nhiều người biết nhưng lại ít thực hiện. Bà Khanh đưa ra những ví dụ cụ thể như trong thư xin việc, hãy tận dụng những ngôn từ chuyên ngành nhấn mạnh đến nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này không chỉ chứng minh khả năng của mình phù hợp với vị trí đó mà còn tạo sự thân quen, gần gũi với người tuyển dụng.
Hay như nhiều bạn bị run thì cách đơn giản nhất là hãy đến địa điểm phỏng vấn sớm hơn khoảng nửa tiếng sẽ lấy được sự cân bằng và thoải mái.
Hoài Nam