Luyện thi trong bệnh viện... tâm thần
Cứ mỗi lần anh trai hết cơn thì Trung lại cắp sách ra cuối dãy nhà dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An để... học! Chàng trai nghèo mồ côi ở huyện Yên Thành đã đậu vào Trường Đại học Sư phạm Vinh.
Đến xóm Phan Đăng Lưu, xã Nam Thành (Yên Thành, Nghệ An), hỏi nhà Vương Đình Trung vừa đậu đại học thì ai cũng biết. Trong cái xóm nghèo có đến trên 90% gia đình làm nông nghiệp này, gia đình Trung được xếp vào loại đặc biệt: mồ côi cha, anh cả bị tâm thần, nghèo nhất xóm nhưng Trung là một người ham học hiếm thấy.
Tiếp chuyện tôi trong căn nhà ngói ba gian cũ kỹ, mốc thếch, ẩm ướt là Trung và chị Hoàng Thị Sương, mẹ của Trung. Trong góc tối của căn nhà, trên chiếc giường ọp ẹp với chiếc chiếu rách, một thanh niên to lớn, ngồi bất động như dõi theo câu chuyện và đôi mắt dài dại cứ thỉnh thoảng “gườm” khách làm tôi cảm thấy rờn rợn.
Chị Sương năm nay mới 45 tuổi nhưng tóc đã hoa râm, người gầy, khuôn mặt khắc khổ, bù lại chị có đôi mắt sáng và tỏ ra là người lạc quan, dễ gần. Chị kể, năm 1983 chị kết hôn, sinh được ba cậu con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn là Trường (21 tuổi); Trung (19 tuổi) và Trang (18 tuổi). Nhưng tai họa bắt đầu giáng xuống đầu chị từ năm 1998 khi anh Đương, chồng chị, bộ đội tình nguyện ở Campuchia trở về, mắc bạo bệnh và qua đời ở tuổi 39. Lúc đó Trường đang học lớp 7, Trung lớp 5 và Trang lớp 4.
Tuy gia cảnh khó khăn nhưng Vương Đình Trung rất ham học. Trung học đều các môn và đặc biệt em có năng khiếu về thể thao. Trong các năm học ở bậc THCS, em được nhiều lần đi thi đấu thể thao ở huyện và 3 năm liền là cầu thủ bóng đá thiếu niên của huyện Yên Thành dự giải bóng đá thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh Nghệ An.
Năm 2002, một tai họa khác lại đổ ập xuống cái gia đình mẹ con chị Sương: Vương Đình Trường, con trai lớn của chị bỗng dưng thay đổi tính nết, lặng lẽ xa lánh, ngại tiếp xúc với mọi người và trở nên lầm lỳ, ít nói. Kỳ lạ hơn, Trường tỏ ra khó chịu và ghét bỏ người thân, đặc biệt là với mẹ.
Chị Sương bán hết những thứ có giá trị trong nhà và vay mượn để đi khắp nơi trong tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh theo chỉ dẫn của mọi người tìm thầy chữa trị cho con trai nhưng bệnh của Trường không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Trong gia đình, mọi sinh hoạt của Trường chỉ dựa vào Trung và chỉ có Trung mới giao tiếp được với Trường.
Tháng 5/2005, Trường lại chuyển sang một trạng thái khác là không ăn uống, không cử động được nữa, suốt ngày chỉ ngủ ly bì ở một tư thế nhất định. Chị Sương một lần nữa lại chạy vạy vay mượn để đưa con vào Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Em út Trang đã bỏ học vào miền Nam làm thuê, chị Sương thì Trường lại "không muốn nhìn mặt", không còn cách nào khác, Trung cắp sách vở cùng anh vào viện khi ngày thi tốt nghiệp THPT chỉ còn tính trên đầu ngón tay.
Tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, nhiều y, bác sĩ và người nhà bệnh nhân đều không quên hình ảnh Trung chăm sóc anh tận tình từ việc ăn cơm, uống thuốc, vệ sinh cá nhân hàng ngày... thời gian rảnh Trung lại cắp sách ra cuối hiên nhà để cặm cụi học bài. Nhiều người cứ nhầm tưởng Trung là một bệnh nhân “cuồng chữ”! Đến ngày thi tốt nghiệp, hai anh em lại trở về nhà để Trung dự kỳ thi vì Trường không cho ai chăm sóc mình và không rời Trung nửa bước.
Vương Đình Trung nhớ lại: “Lúc ấy em cũng định thôi không thi đại học nữa vì thương mẹ và anh, mặc dù ước mơ được bước chân vào cổng trường đại học luôn cháy bỏng trong em từ bấy lâu. Nhưng rồi được mẹ và em Trang động viên em lại một lần nữa cùng anh Trường vào viện vừa chăm sóc anh vừa ôn luyện". Lượng sức mình, Trung đăng ký thi khối T (ngành giáo dục thể chất) Trường Đại học Sư phạm Vinh với ba môn thi là Toán, Sinh, Thể dục.
Cái tin Vương Đình Trung đậu đại học làm xôn xao cả làng, cả xã Nam Thành, người ta xem đó như là một tấm gương về ý chí và nghị lực vượt qua hoàn cảnh để vươn tới đích. Cầm giấy báo đậu đại học của con trên tay, chị Sương sung sướng đến trào nước mắt…
Theo Hoàng Minh
Công An Nhân Dân