Lưu học sinh chia sẻ kinh nghiệm khai CV xin việc

(Dân trí)- Nếu như các nhà tuyển dụng Việt Nam đặt vấn đề bằng cấp lên hàng đầu, các nhà tuyển dụng nước ngoài coi kinh nghiệm làm việc là một trong những yếu tố quyết định. Đối với SV mới ra trường chưa có kinh nghiệm, làm thế nào để “lấp đầy” hồ sơ xin việc (CV)?

Sau nhiều năm ngồi trên ghế giảng đường, bạn đã có những văn bằng, chứng chỉ được công nhận, nhưng còn thiếu kinh nghiệm làm việc - một trong những yếu tố có tính chất quyết định với nhà tuyển dụng nước ngoài. Vậy cần khai CV thế nào để chinh phục các nhà tuyển dụng khó tính?

Bạn có thể tham khảo bí quyết của bạn Nghiêm Minh Hằng (25 tuổi), cựu du học sinh Trường Melbourne University, Úc. Với những kinh nghiệm quý báu học được từ những người đi trước và tích lũy của bản thân, Minh Hằng đã chinh phục được những nhà tuyển dụng khó tính nhất của một tập đoàn viễn thông hàng đầu của Úc và được nhận vào làm việc khi vừa tốt nghiệp đại học với mức lương 4.000 đô la Úc.

Theo Minh Hằng, khai CV là khâu quan trọng không chỉ đối với những người mới ra trường mà ngay cả những người đã có kinh nghiệm làm việc. Theo kinh nghiệm của Hằng, các bạn nên đọc qua phần mô tả công việc và yêu cầu của nhà tuyển dụng cho vị trí ứng tuyển. Để từ đó, lọc ra một số cụm từ chính thường được nhà tuyển dụng nhắc đến rồi khéo léo đưa vào phần CV của mình. Ngay cả khi bạn không có đúng chính xác những kinh nghiệm đề cập trong phần yêu cầu, hãy suy nghĩ những kinh nghiệm tương tự mà bạn có.

Ví dụ, công việc yêu cầu bạn có kinh nghiệm quản trị dự án thì bạn có thể đề cập đến kinh nghiệm tổ chức hay hoạch định các sự kiện từ thiện, công tác xã hội mà bạn từng tham gia khi còn ở đại học và nhấn mạnh các kỹ năng thu thập được.

Lưu học sinh chia sẻ kinh nghiệm khai CV xin việc  - 1

"Nên làm nổi bật thế mạnh của mình trên CV, chứ không nên biến không thành có". (Ảnh minh họa)

Còn theo kinh nghiệm của bạn Nguyễn Tuấn Anh, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế Hanken, Phần Lan thì: Bạn không nên bỏ qua những việc đã làm trong thời sinh viên dù là những công việc đơn giản (đi tình nguyện, tham gia sinh hoạt tại các CLB tiếng Anh, CLB Khiêu vũ,...), mà nên ghi rõ những việc phụ trách, thành tích và kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được từ những công việc đó. Bên cạnh đó, bạn đừng quên khai các kỹ năng mềm sở trường, vì đây là yếu tố giúp ghi điểm với các nhà tuyển dụng.

Ngoài việc liệt kê bằng cấp, bạn có thể chinh phục các nhà tuyển dụng bằng cách bổ sung thông tin về học bổng (nếu có), các hoạt động chuyên môn ngoại khóa, hoặc các tiểu luận nghiên cứu khoa học, nhất là nếu bạn có dịp hỗ trợ các giảng viên/giáo sư thực hiện một số đề tài nghiên cứu hay từng được các thầy viết thư giới thiệu với các trường nơi bạn đã học...
 
"Bạn đừng bỏ qua bất kỳ thành tích nào của mình khi khai CV", Minh Hằng nhấn mạnh.
 
Trong khi đó, Tuấn Anh cũng lưu ý: “Ta nên làm nổi bật thế mạnh của mình, chứ không nên khoác lác, biến không thành có”. Vì, với nhà tuyển dụng, đặc biệt là các nhà tuyển dụng nước ngoài, sự chân thành của ứng viên là yếu tố quan trọng hàng đầu.
 
Chúc các bạn thành công!

Song An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm