Quảng Trị:

Lớp học tình thương nơi cửa chùa

(Dân trí) - Thương học sinh hàng ngày phải lặn lội đường xa đến trường học chữ, cùng ước nguyện muốn san sẻ phần nào khó khăn cho gia đình các em, thầy Thích Tâm Quang đã thuyết phục phụ huynh đưa học sinh vào sinh sống tại chùa, đồng thời mở lớp học bồi dưỡng kiến thức cho các em.

Nơi nuôi dưỡng lòng nhân ái

Anh Võ Phúc Huy (tên thật của đại đức Thích Tâm Quang) sinh ra trên vùng quê nghèo xã Triệu Thuận (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), gia đình đông anh em nên không có điều kiện để chu cấp cho tất cả các con học hành đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, việc học tập của anh Huy không ít lần bị gián đoạn. Năm lên lớp 9, do gia đình quá khó khăn buộc anh phải nghỉ học giữa chừng để lao động đỡ đần cho cha mẹ.
 
Sau khi rời quê hương, anh Huy vào Huế và tiếp tục theo học chương trình phổ thông. Trong điều kiện như vậy, khi nhận được tình thương yêu, đùm bọc của mọi người, sự giúp đỡ của các trụ trì nơi anh theo học nên anh mới có cơ hội hoàn thiện ước mơ học hành của chính mình. Đến năm 2005, anh Huy hoàn thành chương trình đào tạo Cử nhân Phật giáo.

Qua hơn 10 năm tu tập trong môi trường Phật pháp, anh Huy được giao trọng trách làm trụ trì chùa An Đôn (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) với pháp danh đại đức Thích Tâm Quang. Được quay về quê hương, khởi nguồn cho con đường hành thiện trên mảnh đất mình sinh ra và lớn lên là điều khiến thầy Thích Tâm Quang thấy rất tâm đắc. Tuy vậy, khó có thể kể hết những khó khăn đang chờ đón thầy Quang phía trước.

Lớp học tình thương nơi cửa chùa
Lớp học tình thương cùng với những tâm huyết của thầy Quang và đội ngũ giáo viên đã góp phần chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo.

Lúc đó, chùa An Đôn còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất. Hơn nữa, bản thân còn khá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, nhưng ước nguyện hành thiện, được làm việc bằng cái tâm đã giúp thầy Quang vượt qua được những trở ngại ban đầu.

Chứng kiến cảnh người dân còn nghèo, các em nhỏ mỗi ngày phải vượt đường xa hơn chục km cùng với bao gian khổ để về trung tâm học chữ, thầy Quang nhủ với lòng mình phải cố gắng để giúp san sẻ phần nào khó khăn với các em. Để thực hiện tâm nguyện ấy, thầy đã vận động phụ huynh các vùng xa xôi của huyện Triệu Phong đưa con em vào sinh hoạt trong chùa An Đôn, để có nhiều thời gian hơn trong việc tập trung cho học tập, rút ngắn quãng đường đi lại.

Thầy Thích Tâm Quang chia sẻ: “Tuổi thơ của mình đã từng rất cơ cực nên khi biết được các em học sinh xa nhà thiếu chỗ ăn, ở, mình muốn làm một điều gì đó để sẻ chia khó khăn cùng các em. Từ đó lòng mình khởi lên một tình thương và muốn đưa các em về chùa để cưu mang, giúp các em có chỗ ăn, ở và nâng đỡ các em tiếp tục con đường học vấn”.

Trong những năm qua, thầy Thích Tâm Quang đã nhận nuôi hơn chục em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc các vùng xa xôi, điều kiện đi lại cách trở như: thôn Trấm, Tân Xuân (xã Triệu Thượng), xã Triệu Trung, Triệu Thuận… về sinh hoạt tại chùa miễn phí. Thậm chí, nhiều em có thời gian sinh hoạt tại chùa hơn 3 năm, nhưng vẫn được thầy tận tâm nuôi dưỡng và không hề nhận bất cứ thứ gì.

Thầy Quang cho biết, ban đầu khi gửi các em vào chùa, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo ngại vì không giám sát được các em đi đâu, làm gì, sinh hoạt ra sao. Thế nhưng, mỗi khi đến thăm chùa, rồi những lần con cái về nhà dịp cuối tuần, thấy con hoàn toàn thay đổi trong nhận thức, cách ứng xử với mọi người, trong cả lối sống sinh hoạt hàng ngày nên họ cũng yên tâm hơn.

“Bản thân mình luôn mong muốn các em phát huy được tính tự lập, ý thức cao trong sinh hoạt và học tập để không phụ sự kỳ vọng của các bậc cha mẹ nên cố gắng đưa các em vào trong khuôn khổ, môi trường khá kỷ luật. Mục đích cao nhất là muốn các em nâng cao ý thức hơn, tận dụng tốt thời gian để tập trung cho học hành, không phải ưa gì cũng được. Tuy vậy cũng phải tạo sự gần gũi, lắng nghe chia sẻ của các em để chúng tránh bị áp lực” - thầy Quang cho hay.

Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo

Không chỉ nuôi dưỡng các em miễn phí, năm 2011, thầy Thích Tâm Quang đã mở một lớp học tình thương ngay tại chùa An Đôn để bồi dưỡng kiến thức cho các em. Tuy nhiên, điều khiến thầy Quang trăn trở nhất là làm sao duy trì được lớp học đó, làm sao để nâng cao được chất lượng cho học sinh, đặc biệt là các bạn học yếu. Cố gắng để lớp học phát huy được hiệu quả, giúp các em nâng cao được kiến thức.

Lớp học tình thương nơi cửa chùa
Trong nhiều năm qua, nhờ sự tận tình chỉ dạy của các thầy, cô mà hàng trăm học sinh nghèo được bồi dưỡng thêm kiến thức.

Những tháng đầu mở lớp học tình thường, đại đức Thích Tâm Quang không quản ngại ngày đêm, lặn lội đi nhiều nơi như: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THPT Đông Hà, về các trường ở huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị để vận động, mời thầy cô giỏi, tâm huyết, tận tụy về dạy học thêm cho các em ở chùa. Nhiều giáo viên biết tấm lòng thầy Tâm Quang, thương các em nghèo hiếu học nên không quản ngại đường sá xa xôi đến với chùa, cùng vun đắp kiến thức cho học sinh. Những khó khăn ban đầu lúc mở lớp như thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu giáo viên giảng dạy cũng đã qua, lớp học đã dần đi vào ổn định.

Thầy Tâm Quang cho biết, thầy giáo đầu tiên về với lớp học là thầy Trương Chí Hiền, giáo viên dạy môn Vật lý của Trường THPT Đông Hà. Trong một lần thầy Tâm Quang tình cờ gặp thầy Hiền, sau khi bày tỏ tâm nguyện của mình về lớp học cho các em tại chùa, thầy Hiền ủng hộ hết mình và tình nguyện về dạy miễn phí tại lớp học tình thương.

Tiếp đó, nhiều giáo viên biết được tâm nguyện của thầy Tâm Quang cũng đã đến chùa An Đôn dạy học miễn phí. Cảm kích tấm lòng của các giáo viên, thầy Tâm Quang ngỏ ý muốn gửi các thầy, cô một khoản học phí mỗi tháng nhưng mọi người nhất quyết không lấy, gửi lại chùa để chăm lo cho các em.

Đến nay, lớp học tình thương có 12 thầy, cô giáo cùng tham gia dạy các bộ môn khác nhau cho học sinh nghèo trong chùa. Lớp học tình thương được duy trì dạy mỗi tuần 5 buổi vào thứ 2, 4, 5, 7, chủ nhật với các môn như: Toán, Lý, Hóa, Sinh…

Gần 5 năm nay, ngôi chùa này đã nhận cưu mang cho gần 100 học sinh nghèo và mở lớp học thêm tình thương để giúp các em theo đuổi giấc mơ học vấn. Liên tiếp 4 khóa học, khóa nào cũng có trên 10 em đỗ đại học, đặc biệt trong khóa thứ 3 (năm học 2013-2014) có đến 22 em đỗ Đại học, còn lại đều đỗ vào các trường Cao đẳng, Trung cấp. 

Từ khi lớp học tình thương đi vào hoạt động nề nếp, các em học hành chăm chỉ hơn, cố gắng hơn để không phụ tấm lòng thầy Tâm Quang cùng các thầy cô. Nhờ sự tận tình chỉ dạy của các thầy cô, lực học của các em học sinh tiến bộ nhanh chóng. Các em bây giờ yên tâm học hành trên lớp chính khóa lẫn lớp học thêm mà không phải lo cái ăn, cái mặc và chi phí học tập.

“Ban đầu lớp học tình thương chỉ dạy cho các em học sinh trong chùa nhưng đến nay đã tạo điều kiện cho con em nghèo trong vùng đến học. Hiện tại lớp có hơn 30 em theo học miễn phí”, thầy Tâm Quang nói. 

Lớp học tình thương nơi cửa chùa
Mùa thi đang cận kề, thầy và trò càng cố gắng, nỗ lực nhiều hơn với mong muốn gặt hái được thành quả cao nhất 

Thầy Thái Văn Ánh, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định (phụ trách môn Vật Lý) cho biết: “Thầy Tâm Quang là người tâm huyết và rất thương học sinh. Chính vì vậy, các em đến sinh hoạt và học tập tại chùa cũng quý mến thầy như người thân của mình. Em nào cũng cố gắng chăm ngoan, lễ phép, chăm chỉ trong học tập. Anh em giáo viên chúng tôi cũng cảm động trước những suy nghĩ và hành động mà thầy Quang đã làm vì các em”.

Những ngày này đang là đợt cao điểm ôn thi nên thầy và trò ở lớp học tình thương càng làm việc hăng say hơn, với hy vọng các em sẽ nắm chắc được kiến thức trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Đây được xem là giai đoạn “nước rút” đánh giá chất lượng của các em trong suốt quá trình học. Nhìn các em học sinh chăm chú với từng bài giảng, chúng tôi thầm nghĩ rằng việc mở lớp học tình thương đang đi đúng với những tâm nguyện của thầy Tâm Quang, góp phần chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo các vùng khó khăn.

Đăng Đức
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm