Hậu Giang:

Lớp học không bảng đen của cô giáo già với trẻ em nghèo

(Dân trí) - Dù sắp ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”, sức khỏe dần yếu, hàng tháng phải đến bệnh viện, nhưng cô Lê Thị Lệ Huyền ở ấp Ba Ngàn A, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) ngày ngày vẫn đến lớp chỉ dẫn cho những trẻ em nghèo, cơ nhỡ biết con chữ, bài học làm người.

Chúng tôi tìm về ấp Ba Ngàn A, hỏi thăm về cô Lê Thị Lệ Huyền (Hai Huyền) thì từ trẻ nhỏ cho đến những cụ già, ai ai cũng điều biết đến cô. Không phải vì sự giàu có hay tài năng gì đặc biệt mà bởi trong lòng họ cô như một “bà tiên” với tấm lòng nhân hậu, thương người, nhất là trẻ em nghèo, mồ côi, cơ nhỡ.

Từ lớp học xóa mù chữ…

Là một người con sinh ra và lớn lên ở đất Tây Đô. Sau khi học xong văn hóa và lớp tập huấn điều dưỡng, cô Huyền lấy chồng và về gắn bó với mảnh đất Ba Ngàn A, đến nay đã được 40 năm. Nhận thấy đây là vùng quê nghèo, phần lớn các hộ gia đình đông con, nên phải lo cái ăn, cái mặc, dẫn đến trẻ em không được đến lớp. Vì thế, để giúp người dân nâng cao nhận thức, cô quyết tâm vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống để tham gia công tác tuyên truyền dân số, kế hoạch hóa gia đình tại địa phương một cách tình nguyện.

 

Lớp học không bảng đen của cô giáo già với trẻ em nghèo - 1

Cô Huyền xem lại những tư liệu mà cô dùng để dạy học

Và trong những lần làm công tác thiện nguyện ấy, cô bắt gặp những đứa trẻ nghèo không có điều kiện đến trường, thậm chí một số được đi học thì bị tình trạng ngồi nhầm lớp. Sau nhiều đêm suy nghĩ, năm 1975 cô Huyền quyết định mở một lớp học tình thương ngay tại mái hiên quán nước của gia đình cô. Nhớ lại khoảng thời gian đó cô tâm sự: “Lúc trước, thương đám nhỏ quá, nên cô mở một lớp học tình thương tại nhà để xóa mù chữ cho các em. Lớp có khi học bên hiên quán nước, dưới bóng cây, hành lang…những lúc trời mưa cô trò vất vả lắm.”

Cô thương yêu các học trò của mình như chính tình cảm của người mẹ đối với những đứa con. Em nào khó khăn, cô mua cho tập, sách, viết,… trẻ nào ngoan, học giỏi cô thưởng cho những món quà nhỏ như bánh, kẹo… để động viên tinh thần. Cô dùng toàn bộ số tiền 250.000 đồng phụ cấp, từ công tác dân số để duy trì lớp học tình thương, mặc dù điều kiện kinh tế gia đình cô cũng gặp không ít khó khăn.

 

Lớp học không bảng đen của cô giáo già với trẻ em nghèo - 2

Cô Huyền trong giờ dạy học

Bà Huỳnh Thị Minh, một người dân trong ấp tự hào nói: “Cháu Mai nhà tôi học giỏi lắm, năm nào cũng có giấy khen nhưng đến lớp 3 do gia đình túng thiếu quá đành cho cháu nghỉ học. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn thì cô Huyền đứng ra cứu vớt mà con bé được đến lớp như bây giờ”.

Chia sẻ về cách dạy của mình, cô Huyền mở lòng: “Những năm đầu, cô chủ yếu dạy cho các em biết đọc, biết viết để xóa mù chữ. Đến những năm sau giải phóng, công tác giáo dục ở địa phương được chú trọng, hầu hết các em được tạọ điều kiện đến trường. Nên cô chỉ kèm cập một số học sinh yếu và tập trung dạy các cháu biết lễ phép, vâng lời ông bà, nhưng bài học đạo đức, lịch sử…”

… đến câu lạc bộ biết “yêu thương, chia sẻ”

Dẫu biết rằng phía trước là những khó khăn nhưng cô Huyền vẫn dành cho những học trò của mình tình thương của một người mẹ, dạy dỗ bằng cái tâm “trồng người”. Nhận thấy, những đứa trẻ được học tập tại lớp học tình thương ngày một ngoan, lễ phép hơn, thành tích học tập cũng được cải thiện đáng kể. Thế là, từ ấp Ba Ngàn A, rồi ấp Ba Ngàn người dân cho con đến lớp học tình thương của cô Hai Huyền ngày một đông hơn, đến mức cái mái hiên, bóng cây, không còn đủ chỗ cho các em ngồi học.

Thấy được việc làm ý nghĩa từ lớp học tình thương, năm 2002 Xã đoàn Đại Thành đã quyết định thành lập CLB Thiếu Nhi ấp Ba Ngàn A, do chính cô Huyền làm chủ nhiệm, với ước muốn đây là điểm tựa để cho trẻ em nghèo ở địa phương có điều kiện học tập và vui chơi.

Cảm động trước việc làm của cô Huyền, năm 2007, các bạn sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM đã tặng 30 triệu đồng để CLB xây dựng cơ sở mới. Nhận được món quà quý giá từ các bạn sinh viên cô Hai khóc liền mấy ngày. Nhớ lại khoảnh khắc đó cô Hai chia sẻ: “Tôi cùng với mấy đứa nhỏ mừng lắm, lấy đó làm động lực để vươn lên, cụ thể như vừa qua CLB tích cực tập luyện để tham gia vào một số hội thi văn nghệ, vẽ tranh do Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thị xã Ngã Bảy tổ chức và các em cũng đã đạt được một số thành tích cao”.

 

Lớp học không bảng đen của cô giáo già với trẻ em nghèo - 3

Những bài học về chủ quyền biển đảo, cô Huyền cụ thể hóa bằng những bức tranh sinh động như thế này để truyền đạt đến các em học sinh khi đến sinh hoạt hay học tập.

Dù các em có độ tuổi khác nhau, thế nhưng vẫn được cô Huyền xây dựng kế hoạch hợp lý để quá trình học tập của các em không bị gián đoạn. Bài học đầu tiên của các em sẽ là học chữ, rèn luyện chữ viết, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống sốt xuất huyết, rèn luyện lỗi chính tả,... thông qua việc vẽ những hình ảnh về con muỗi, lu, cá lia thia, cán bộ phun diệt muỗi, kết hợp với diễn kịch, đọc thơ, viết báo gắn với các nhân vật, sự kiện như ngày thương binh liệt sỹ, nhà giáo Việt Nam, Tết Trung thu, biển đảo… Do vậy, lớp học cô Huyền lúc nào cũng sôi động, các học viên vô cùng thích thú.

Qua ánh mắt trong veo của những đứa trẻ khi dõi theo từng nét vẽ, từng cử chỉ của cô Huyền như nói lên phần nào sự cảm mến mà những học trò nghèo dành cho cô. Em Đoàn Thị Kim Cương (9 tuổi) nói: “Cô Hai như người mẹ thứ 2 của con, cô thương chúng con nhiều lắm. Con học từ cô rất nhiều điều tốt, cô còn mua tập, sách, quần áo cho con. Mong muốn lớn lên con được làm một cô giáo giống như cô Hai”.

 

Lớp học không bảng đen của cô giáo già với trẻ em nghèo - 4

Hiện tại CLB Thiếu nhi ấp Ba Ngàn do cô Huyền làm chủ nhiệm có 40 em đến sinh hoạt hàng tháng. Còn hàng tuần các em đến học, sinh hoạt theo từng nhóm. 

Hiện tại, CLB có hơn 40 em, có độ tuổi từ 5 đến 12 đang sinh hoạt. Do đó, cô Huyền sắp xếp cho sinh hoạt tập trung vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng để tránh ảnh hưởng đến việc học ở trường của các em. Đối với những ngày còn lại, thì các em được học theo từng nhóm tại nhà cô Huyền. Tuy lớp học khá đông, nhưng mọi ghi chép chỉ được cô trò thể hiện trên giấy, bởi đến nay vẫn chưa có điều kiện trang bị tấm bảng đen…khiến việc học tập, cũng như giảng dạy tại lớp học gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù vừa điều trị nhức khớp từ bệnh viện về, nhưng cô Hai vẫn ngày ngày lặng lẽ “đưa đò” vì niềm yêu trẻ nhỏ, muốn thay đổi cuộc sống của người dân nghèo. Nhưng phía sau cuộc đời cô lại là một chuỗi ngày đau thương khi chồng bội ước, đứa con trai út mắc phải di chứng chất độc màu da cam, tay, chân bị teo tóp, không đi lại được. Khóc hết nước mắt vì thương con, nhưng điều đó không khiến cô trùng bước, ngược lại cô lấy đó làm động lực để động viên bản thân cố gắng, vươn lên trong cuộc sống.

Nói về những đóng góp của cô Lê Thị Lệ Huyền trong công tác tuyên truyền, dạy dỗ cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ, ông Lê Hoàng Nam, Bí thư Xã đoàn Đại Thành nhận xét: “CLB được thành lập, hàng trăm em học sinh nghèo, khó khăn, mồ côi, cơ nhỡ ở ấp Ba Ngàn và Ba Ngàn A được hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn học tập. Tất cả kinh phí hoạt động của CLB đều do cô Huyền tự bỏ tiền túi ra duy trì hoạt động cũng như mua tập sách, giấy vẽ, bút, bánh kẹo để làm quà cho các em học giỏi, học tốt. CLB là điểm tựa để các em vươn lên, trẻ em trong địa phương ngoan hơn, không có trường hợp bỏ học nửa chừng”.

Nguyễn Trần

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm