Lớp học đặc biệt của hai “thầy giáo” nhiễm dioxin

(Dân trí) - “Thầy ơi! Thầy xem bài giúp em với…”, đó là những tiếng trẻ mà mọi người trong xóm Suối Răm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, thường nghe thấy trong lớp học “đặc biệt” tại một ngôi nhà nhỏ của hai “thầy giáo” bị nhiễm chất độc dioxin.

Nỗi đau của người mẹ

 

Chị Hoàng Thị Tuyết kể lại những ngày khó khăn của gia đình khi một mình nuôi 3 đứa con nhỏ trong đó có hai người con trai bị nhiễm chất độc màu da cam do chiến tranh để lại.

 

Năm 1982 hai vợ chồng chị đón đứa con gái đầu lòng, niềm hạnh phúc ngập tràn trong căn nhà nhỏ. 2 năm sau chị Tuyết sinh thêm một người con trai nhưng nỗi đau đã đến với gia đình vì người con bị nhiễm chất độc dioxin.

 

Khi đó chị hỏi, người chồng mới kể ngày trước đi chiến tranh sống ở vùng bị quân đội Mỹ giải chất độc Dioxin. Chị không một lời trách móc, mà còn luôn yêu thương chồng con và tin vào cuộc sống. Đến hai năm 1986 chị hi vọng sinh thêm người con thứ 3. Nhưng sự thật phũ phàng đau lòng tiếp tục ập xuống gia đình chị vì người con trai này cũng bị nhiễm chất độc màu da cam.

 

Khi biết hai người con trai bị nhiễm chất độc dioxin, gia đình lại khó khăn, chồng chị đã bỏ nhà đi. Chị Tuyết gạt đi đau buồn, dồn tất cả tình yêu vào những đứa con bị bệnh. “Một mình, nhà lại nghèo, ăn không đủ mà Phúc và Phi luôn phải dùng thuốc. Tranh thủ làm những công việc nhà, còn phải đi làm thêm để kiếm tiền. Nhiều đêm phải thức trắng để làm việc”.

 

Lớp học đặc biệt của hai “thầy giáo” nhiễm dioxin - 1
 Trần Hoài Phúc viết hết sức khó khăn nhưng chữ rất đẹp.

 

Rồi những ngày tháng trôi đi, khi Hoài Phúc (8 tuổi), Hoài Phi (6 tuổi) thấy những đứa bạn trong xóm được tới trường cũng đòi mẹ cho đi học. Vì quá thương con, nên chị đã làm theo ý muốn của con.

 

Nghị lực của hai cậu học trò nghèo bị nhiễm chất độc dioxin

 

Chị không một lời than vãn, hay tự trách số phận vì theo chị: Người con của mình bị bệnh là do chiến tranh đã gây ra nên cần phải nuôi dạy sao cho tốt. Hàng ngày, chị Tuyết phải cõng Phi và Phúc với quãng đường 4 km để đến trường. Nhiều khi chị mải làm chưa đến đón kịp, hai anh em cố bò ra ngoài cửa lớp ngồi đợi mẹ.

 

“Hai anh em lại chịu khó học, trên lớp cô giáo luôn khen học tốt nên tôi vẫn cho Phi và Phúc đi học. Phúc và Phi đều hiểu được nỗi vất vả của người mẹ nên đã cố gắng học. Ngoài những buổi học trên lớp, ở nhà là chúng lại giở sách ra học bài, nhiều đêm đến tận sáng”, chị Tuyết tự hào kể lại.

 

Nỗi vất vả lại đè thêm lên đôi vai người mẹ khi Phúc và Phi thi học cấp 3. Từ nhà tới trường gần 10 km, anh em Phi và Phúc ngồi sau trên chiếc xe đạp, nhưng rất khó khăn vì chân tay co cóp, đầu bị nghiêng, phải lấy sợi dây mền quấn lại. Thân hình quá nhỏ, khi lên lớp Phi và Phúc phải ngồi riêng một chỗ với chiếc bàn đặc biệt. Buổi sáng, Phúc và Phi đều thức dậy lúc 5 giờ để ôn lại bài rồi chuẩn bị tới trường. Những ngày mưa ngập đường, nhưng hai cậu học trò “tí hon” vẫn đòi mẹ cho đi học bằng được.

 

Lớp học đặc biệt của hai “thầy giáo” nhiễm dioxin - 2
Lớp học của hai thầy giáo Hoài Phúc và Hoài Phi luôn đông học sinh.

 

Khi học xong cấp 3, với niềm mơ ước được làm thầy giáo nhưng do điều kiện và hoàn cảnh nên hai anh em đành phải ở nhà. Không chịu bỏ hoài bão của mình là được dạy học, hai người quyết định xin kèm học những em nhỏ trong xóm.Gọi là lớp học nhưng không có bảng viết, không ghế ngồi, có khoảng 20 học sinh với những độ tuổi khác nhau phải ngồi ngoài hiên nhà.

 

Anh em Phúc say sưa giảng bài, chỉ dẫn cho từng em nhỏ, nhiều người trong ấp thấy con mình học ngày càng tiến bộ nên đã xin thầy Phúc, thầy Phi dạy giúp. Bé Nguyễn Thuỳ Dung, học lớp 3, ấp Răm, được gia đình xin cho học lớp “đặc biệt” vui vẻ khoe: “Con học nhà thầy Phúc làm bài được nhiều hơn là ở trên lớp”. 

 

Hai anh em Phúc rất mê máy tính nên mẹ đã chắt chiu mua được 1 chiếc. “Tối nào cũng ngồi tự học Photoshop trên máy tính tận khuya. Nhiều khi nhìn hình ảnh chỉnh sửa trên máy rất đẹp làm tôi thấy tự hào và thương chúng quá”, chị Tuyết xúc động tâm sự.

 

Gia đình chị Tuyết thuộc diện nghèo, cuộc sống hết sức khó khăn, người chị gái phải ở nhà phụ giúp mẹ chăm lo cho hai em. Mỗi tháng gia đình chị chỉ nhận được 240.000 đồng tiền trợ cấp Hội chất độc màu da cam Dioxin tỉnh Đồng Nai.

 

Bằng nghị lực của mình, niềm mơ ước của anh em Hoài Phúc và Hoài Phi đã dần trở thành hiện thực. Nhìn vào hoàn cảnh gia đình chị Tuyết, hình ảnh tàn tật hai anh em bị nhiễm chất độc Dioxin ai cũng phải thán phục.

 

An Hội