Giờ thảo luận của sinh viên:
Lớp đông, không khí “ỉu”
Nhiều trường ĐH bắt đầu chuyển động tích cực, bố trí đan xen các buổi thảo luận, thuyết trình của SV với những giờ học lý thuyết. Nhưng thực tế, phòng học thiếu thốn cộng với tính ỳ cố hữu của một bộ phận SV đã khiến cho nhiều giờ thảo luận không hiệu quả.
“Đột nhập” một giờ thảo luận ở Trường ĐH Thương mại để thấy thực trạng này.
Đã loãng lại càng… tẻ hơn
9h20’ sáng 4/12, khi cửa phòng học V601 vừa hé, hơn 100 SV năm thứ ba khoa Thương mại Điện tử (Trường ĐH Thương mại) ùa vào lớp, lục tục tìm chỗ ngồi chuẩn bị cho buổi thảo luận đầu tiên của môn Quản trị Nhân lực.
Tuy đã được chia nhóm và tự lựa chọn đề tài từ trước để chuẩn bị, nhưng đến khi vào giờ học, vẫn chỉ có lác đác vài ba nhóm nộp bài, các nhóm còn lại vẫn “vắt chân lên cổ” chạy đi in, đóng quyển.
Phải mất tới 15 phút sau, giảng viên mới hoàn thành điểm danh, cho bốc thăm và bắt đầu “tập trung vào chuyên môn”.
Lớp được chia thành 12 nhóm. Nhóm 4 và nhóm 6 được lựa chọn để đóng vai nhà tuyển dụng trong buổi thảo luận.
Trước đó, mỗi nhóm đã thành lập một công ty giả tưởng, thông báo tuyển dụng, thu nhận và xử lý hồ sơ từ các ứng viên là thành viên thuộc các nhóm khác trong lớp. Qua vòng xét hồ sơ, 3 ứng viên xuất sắc nhất được mời lên phỏng vấn trực tiếp.
Hào hứng bước vào buổi phỏng vấn giả định nhưng rồi đa phần SV sớm ỉu xìu trước màn hỏi - đáp buồn tẻ với những câu hỏi sáo mòn như “tại sao bạn bỏ công ty cũ? Tại sao bạn chọn công ty tôi?"... Không khí lớp học vốn dễ loãng do bị “nhồi” tới hơn 100 SV càng trở nên buồn tẻ.
Trừ một số chăm chú lắng nghe, phần còn lại “ai làm việc nấy”. Chỗ này, có nhóm thì thầm bàn bạc chuẩn bị cho bài thảo luận. Chỗ kia có những SV gục hẳn đầu xuống bàn. Cậu SV ngồi ngay bàn 4 lôi điện thoại di động ra nghe nhạc. Bàn bên cạnh, một SV khác “chiu chíu” nhắn tin.
Giảng viên phải chăm chú theo dõi các nhóm thảo luận và phản biện để nhận xét và đánh giá nên rất khó bao quát toàn bộ lớp với hơn 100 SV.
Một SV ngồi gần cuối lớp chia sẻ: “Mặc dù ngồi phía cuối lớp vẫn có thể theo dõi được thảo luận nhưng thực chất chỉ có khoảng hơn 1/3 SV trong lớp tập trung thôi, còn lại là ngủ, làm việc riêng, nói chuyện.”
Sinh viên “siêu ỳ”
Phải đến màn phỏng vấn giả định của nhóm 6, không khí lớp mới được khuấy động với những tràng cười và vỗ tay tán thưởng dành cho các câu hỏi và trả lời “có vấn đề” hơn.
Một số SV chăm chú lắng nghe thì kết thúc phỏng vấn cũng có những góp ý rất xác đáng cho các nhóm nhập vai.
Sau đó, giảng viên nhận xét và góp ý chi tiết từ thiết kế thông báo tuyển dụng phải bắt mắt hơn, chuẩn bị bộ câu hỏi cần tập trung vào chuyên môn và đưa ra tình huống nhiều hơn, quy trình đưa ra quyết định phải thận trọng hơn.
SV Minh Hiển ngao ngán: “Là SV, em cũng không thể hiểu nổi tại sao dù chủ đề thảo luận rất hay, giảng viên hướng dẫn nhiệt tình và đưa ra nhiều góp ý, dẫn chứng minh họa cụ thể, thiết thực nhưng vẫn không “hút” được SV.”
Đến hơn 12h, hầu hết SV đã “oải”. Bụng đói, mắt díp, tiếng xì xầm trò chuyện cũng lắng dần. Chỉ có tiếng độc thoại đều đều của các thành viên nhóm thuyết trình về tuyển dụng nhân sự.
Một vài SV nam cố tình nói to: “Cứ thảo luận tiếp đi, 12 rưỡi rồi mà!”
Minh Thương chia sẻ: “Giờ này ai cũng mệt rồi mà nhóm này lại thuyết trình “chay”, không có trình chiếu slides nên rất khó theo dõi.”
Chấm điểm “bình quân chủ nghĩa”
SV Minh Hiển cho rằng vấn đề thực sự của thảo luận nảy sinh chính trong quá trình chuẩn bị nhóm chứ không phải trên lớp.
Hiện nay, theo quy định của Trường ĐH Thương mại, Phòng Đào tạo trực tiếp phân chia nhóm theo danh sách lớp và phân công nhóm trưởng, thư ký.
Theo lý giải từ phía nhà trường, việc phân chia và chỉ định ngẫu nhiên như vậy là tạo cơ hội cho tất cả SV đều được luân phiên thực hành kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhóm.
Tuy nhiên, SV Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: “Trình độ cũng như thái độ tham gia thảo luận của các thành viên trong nhóm thường không đồng đều. Nhóm trưởng là người đóng vai trò rất quan trọng thì nhiều khi không phải là người có khả năng”.
Sau khi phân việc xong, có người làm, người không hoặc làm đối phó. Chưa bao giờ buổi họp nhóm của Minh Hiền đủ sĩ số. Không có tiêu chuẩn nào để đánh giá được thành viên. SV thì hay cả nể, cuối kỳ thường xếp loại thành viên theo kiểu bình quân chủ nghĩa nên các SV lười càng ỷ lại, không chịu làm mà vẫn đòi quyền lợi.
Một nhóm trưởng chia sẻ rằng nhiều thành viên trong nhóm không thèm đoái hoài tới đề tài chung, có “ý thức” hơn thì “vứt” tư liệu cho nhóm trưởng mà chẳng quan tâm tới việc tư liệu đó có sử dụng được không, sử dụng như thế nào. Nhiều khi nhóm trưởng thức trắng vài đêm để một mình làm lại từ đầu nhưng cuối cùng nhóm vẫn chia nhau vài điểm A, còn lại đạt B tất.
Hầu hết SV trải qua 12 năm học phổ thông thụ động, vào ĐH cũng chưa được hướng dẫn cách làm việc nhóm, toàn tự mày mò và tự ra quy chế cho nhau. Vì thế, các SV trong lớp cho biết sắp tới sẽ kiến nghị với nhà trường thành lập một quy chế làm việc nhóm để SV có cơ sở thực hiện theo.
Bà Mai Thanh Lan (Giảng viên môn Quản trị Nhân lực, Khoa Quản trị Doanh nghiệp, Trường ĐH Thương mại): Sĩ số lớp lớn là một trong những hạn chế đối với các buổi thảo luận. Tuy nhà trường đã có chủ trương chia nhỏ lớp thảo luận nhưng khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ chưa cho phép. Giải pháp của tôi là phải theo sát SV ngay từ đầu. Yêu cầu SV ngồi theo nhóm, đảo chỗ ngồi để theo sát SV hơn và điểm danh theo nhóm. Dù dạy cùng lúc nhiều lớp nhưng tôi cố gắng nhớ ưu khuyết điểm của từng SV và đánh giá các em qua từng buổi học. Về thảo luận ở nhà, giảng viên chỉ đóng vai trò quản lý và phân quyền cho nhóm trưởng. Kết thúc môn học, tôi yêu cầu các em nộp bản đánh giá thành tích các thành viên trong nhóm theo tiêu chuẩn: có nhiều đóng góp; có đóng góp nhưng không nhiệt tình; ít đóng góp và không đóng góp. Nhưng đôi khi SV vẫn có hiện tượng cào bằng khi đánh giá. |
Theo Lan Hương
Vietnamnet