Câu chuyện giáo dục:
Lời xin lỗi của cô hiệu trưởng
(Dân trí) - Một tuần sau khi lớp có cô giáo chủ nhiệm mới, học trò lên gặp cô hiệu trưởng phản ánh cô giáo "trước sau không như một". Cô hiệu trưởng đã xuống lớp xin lỗi học sinh cả lớp...
Câu chuyện được một phụ huynh ở TPHCM kể lại từ chính trường hợp của con mình. Con chị học tại một trường tư thục, khi đó lớp thay đổi giáo viên vì cô cô chủ nhiệm ốm, phải nghỉ dạy để chữa bệnh.
Nhà trường đã tổ chức cho các ứng viên vào lớp dạy thử tại lớp của các con và sau đó, trẻ sẽ bình chọn cô giáo các con thích nhất. Cô giáo được bình chọn nhiều nhất nhận lớp, đồng thời nhà trường giữ cô thứ có phiếu bình chọn thứ hai ở diện "dự phòng". Vài ngày đầu các con rất vui...
Một tuần sau, khi chị đón con, bé kéo tay chị nói "Má phải đi cùng con để gặp cô hiệu trưởng". Lúc này, "chân dung" cô giáo mới chính thức được lộ diện qua lời kể của trẻ thơ.
Con chị phản ánh khi có mặt cô hiệu trưởng hay giáo viên khác thì cô rất ngọt ngào, vui vẻ với cả lớp. Nhưng lúc chỉ có cô với cô bảo mẫu thì cô như một con người khác, cô la mắng, xúc phạm học trò. Trong giờ Toán, học sinh nào chưa làm được bài tập cô liền nói "Xuống lớp 2 mà học lại đi".
Một bạn gái trong lớp đi học mang đôi dép nhựa mà bạn ấy yêu thích thì bị cô nói: "Bộ nhà không có tiền hay sao mà mang đôi dép thấy gớm" làm bạn khóc tức tưởi.
Đỉnh điểm nhất là chuyện vừa xảy ra, một học sinh để đồ dùng học tập hơi lộn xộn trên bàn thì cô đến dùng tay gạt văng xuống nền rồi yêu cầu học sinh này phải bò đi nhặt lại từng cái một. Hộp sáp chì gần 50 cái tung tóe khắp lớp và không bạn nào dám nhặt giúp vì sợ hãi...
Người mẹ dẫn con lên phòng cô hiệu trưởng để con trình bày, con vừa kể vừa khóc vì thương bạn và bức xúc. Nghe con kể xong, cô hiệu trưởng cúi xuống xin lỗi con và hứa sẽ xem xét ngay.
Ngày hôm sau, sau khi xem xét sự việc, trước giờ vào học, cô hiệu trưởng vào lớp và xin lỗi cả lớp vì nhà trường đã không theo sát để các con bị đối xử bất công. Ngay sau đó, đã thay cô giáo "dự phòng" vào dạy các con...
Một tình huống nhưng thể hiện sự nhân văn của nhà trường, và bằng hành động của mình đó cũng là cách họ dạy trẻ con dũng cảm, biết nhận trách nhiệm và sửa sai.
Câu chuyện khác xảy ra tại một trường mầm non. Vị phụ huynh vô tình làm kẹt tay một em bé và vội rời đi chưa kịp xin lỗi con. Với ngón tay được băng bó, về nhà đứa bé thắc mắc với mẹ vì sao cô ấy làm con đau mà không xin lỗi con.
Người mẹ lên trường trao đổi tình huống này với quản lý và nhà trường liên hệ với vị phụ huynh kia và chị nhận ra lúc đó mình đang vội, đầu óc không để ý. Chị rất hợp tác và ngày hôm sau, chị lên trường gặp đứa trẻ bị đau và xin lỗi con.
Các nhà quản lý, giáo viên tiểu học ở TPHCM trong chuyên đề tập huấn ứng xứ trước các vấn đề của học trò.
Trong rất nhiều tình huống giáo dục, điều đáng ngại nhất không phải là người lớn, giáo viên làm sai. Ai cũng có thể sai lầm, trẻ hay lớn tuổi đều có thể sai lầm trong cuộc sống, trong công việc. Nhưng điều quan trọng là sau khi làm sai cần dũng cảm nhận lỗi chân thành và sửa sai.
Và nữa, không ít vụ bạo hành học sinh khi bị phanh phui, nhiều giáo viên vội vã xin lỗi nhà trường, phụ huynh, xin lỗi dư luận... mong được tha thứ nhưng chúng ta thường quên xin lỗi chủ thể bị gây tổn thương trực tiếp chính là học sinh.
Trong tiềm thức chúng ta vẫn đồng ý rằng người lớn không cần xin lỗi trẻ con, xin lỗi trẻ con là hạ mình. Trong khi nếu làm sai, lời xin lỗi với học sinh sẽ xoa dịu rất nhiều thứ, xoa dịu chính mình và cả học trò... Trẻ con rất dễ tha thứ và tin tưởng vào người lớn dám nhận lỗi khi làm sai. Chưa kể, việc người lớn dũng cảm nhận lỗi cũng là cách dạy trẻ chân thực nhất.
Hai câu chuyện trên cũng là bài học về sự gắn kết, hợp tác trong giáo dục trẻ giữa gia đình và nhà trường. Hai chủ thể chung tay với nhau bằng sự chân thành, để giáo dục con trẻ tốt hơn chứ không phải để đỗ lỗi, bắt bẻ.
Hoài Nam