Bình Định:
Lội sông tìm chữ
(Dân trí) - Con sông Đinh chia cách làng với trung tâm xã, hàng ngày các em học sinh ở các làng Đồng Phê, Nước Loi (thuộc xã An Trung, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định) phải chèo đò hay lội sông đến trường trong nỗi lo phập phồng…
Cách trung tâm xã An Trung chừng 3km, hai làng Đồng Phê và Nước Loi nằm tách biệt với trung tâm xã bởi con sông Đinh - đầu nguồn sông An Lão. Bao đời nay, hàng trăm hộ dân với 200 nhân khẩu chủ yếu là người đồng bào H’re sinh sống. Thế nhưng, người dân muốn đến trung tâm xã, học sinh muốn đến trường phải chèo đò hay lội qua sông Đinh.
Bến đò Đồng Phê là một bãi bồi, mùa này dòng nước có vẻ hiền hòa, ít dữ tợn nhất. Thế nhưng theo người dân địa phương, vào mùa mưa lũ hay những đợt mưa lớn kéo dài, nước chảy xiết chẳng ai dám lội qua sông, người dân gần như bị cô lập. Thập chí, có trường hợp xấu số vì chủ quan lội sông lúc nước chảy xiết đã bị dòng nước lớn cuốn trôi.
Khi chúng tôi có mặt tại bãi bồi Đồng Phê đúng vào giờ học sinh đến trường, hàng chục học sinh nam vắt quần lên cổ, kẹp chặt cặp sách bì bõm băng sông, phía bên kia bờ sông những phụ huynh dõi theo từng bước chân cho đến khi các em đã qua sông an toàn. Những em nhỏ thì được cha mẹ địu trên lưng rồi băng qua sông.
Vừa sang đến bờ, với chiếc quần đùi ướt sũng, người run run vì cái lạnh của mùa đông, em Đinh Văn Khánh (ở làng Đồng Phê, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học An Trung), cười hồn nhiên nói: "Ở đây, chúng em phải lội sông đi học là bình thường. Hôm nay, nước nhỏ nên chúng em tự lội, nếu nước lớn hơn phải có người lớn đưa qua, còn nước lớn hơn thì phải nghỉ học”.
Em Khánh cũng cho biết, một số học sinh nữ học cùng lớp do cha mẹ bận việc nương rẫy không đưa đi học ngày một nên phải gửi gạo, ở nhờ nhà người quen để tiện cho việc đến trường.
Chị Đinh Thị Lít (27 tuổi, ở làng Đồng Phê), địu cô con cái trên lưng băng qua sông Đinh, chia sẻ: “Cầu không có, người dân có việc gì phải qua xã, con em muốn đến trường cha mẹ phải đưa đon rất cực. Vợ chồng thay phiên nhau cõng cháu đi học, nước lớn thì chồng tôi đưa cháu đi, nước nhỏ thì tôi đưa cháu đi nhưng nhiều bữa mẹ con té nhào giữa sông, ướt hết quần áo, sách vở. Nhiều khi nước sông lớn, chảy xiết, có khi phải nghỉ học vài ba ngày, không theo kịp bạn bè”.
Đường đến trường cách trở, khó khăn, bất chấp nước sông Đinh có dữ dội, thất thường. Thế nhưng, các em học sinh ở làng Đồng Phê và Nước Loi vẫn quyết tâm đến trường với giấc mơ con chữ, ước vọng về một tương lai tươi đẹp hơn.
Thầy Vương Hữu Tài, hiệu trưởng Trường Tiểu học An Trung, cho biết: "Dù việc đến trường của các em học sinh ở hai làng Nước Lo và Đồng Phê rất khó khăn, nhưng bao năm qua chưa có một em nào bỏ học giữa chừng".
Còn cô Lê Thị Tuyên, hiệu trưởng Trường Mẫu giáo An Trung, phấn khởi: “Dù là người đồng bào nhưng ý thức cho con em đến trường đã được nâng cao. Đều đặn, ngày 2 lần phụ huynh hai làng trên cõng con đưa đi về qua sông Đinh. Cô giáo ở đây được phụ huynh quý mến, hàng tháng họ lại cõng củi đến nộp bếp ăn nhà trường, có rau quả rừng gì đem biếu thầy cô”.
Việc đi lại cách trở làm cho đời sống sinh hoạt, giao lưu với bên người trở nên khó khăn, nhất là việc học sinh đến trường phải lội sông đối diện với những hiểm nguy. Vì vậy, người dân mong ước có cây cầu bê tông vững chãi bắc qua sông Đinh.
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |