Lời phê của cô giáo
Trải qua học kỳ thứ nhất của năm lớp 1, cháu tôi vẫn chưa tìm được niềm vui khi đến trường. Trước đó, khi còn học mẫu giáo, cháu luôn háo hức “ăn nhiều chóng lớn” để được cắp sách đi học.
Tôi xem sách vở của cháu thì thấy lời phê của cô giáo luôn là những từ cụt ngủn như “Bẩn”, “Chữ xấu”, “Ẩu”, “Chưa cố gắng”... Đến khi cháu nỗ lực và đạt điểm số cao hơn, cô giáo lại không hề có lời nhận xét mang tính khuyến khích nào.
Trẻ con chuyển từ tuổi mẫu giáo sang tuổi đến trường đều vấp phải tình trạng học thiếu tập trung, mải chơi, nét chữ còn theo kiểu vẽ hơn là viết. Các cô giáo hơn ai hết cần thấu hiểu điều này. Không thể ép những đôi tay trẻ thơ chỉ trong vài tháng lại có thể viết để được đi thi vở sạch chữ đẹp ngay lập tức.
Ngoài ra, những ai chịu khó đọc Đắc nhân tâm đều biết liều thuốc hiệu nghiệm nhất để phát huy khả năng của một con người là những lời khen ngợi và động viên. Các em học sinh như tờ giấy trắng, chúng sẽ cảm thấy chán ghét môi trường học đường nếu như vừa vào học đã phải gánh chịu nhiều lời phê bình hà khắc. Giá như các cô giáo có những lời phê nhân văn hơn như: “Em chú ý giữ vở sạch”, “Hãy viết cẩn thận hơn”, “Cố gắng thêm”, hẳn học sinh sẽ bớt cảm thấy tự ti.
Kiến thức sư phạm rất cần cả tinh thần nhân văn để các thầy cô làm tròn thiên chức “trồng người”.
Theo Cẩm Hà
Tuổi Trẻ