"Loạn" tiến sĩ ở Mỹ

Tình trạng loạn tiến sĩ ở Mỹ đã đến hồi báo động khẩn. Một nghiên cứu sinh đệ trình luận án tiến sĩ về sáng tác văn học tại ĐH Georgia có thể gửi vài bài thơ chứ không phải tiểu luận. Một nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ văn chương không nhất thiết phải đọc Shakespeare...

Có người giễu cợt rằng MS (thạc sĩ) thật ra là viết tắt của “More of the Same” (cũng y chang) và PhD (tiến sĩ) là viết tắt của “Piled Higher and Deeper” (xếp tầng tầng lớp lớp)...

 

Hiện tượng lạm phát tiến sĩ tại Mỹ thể hiện ở việc chuyên ngành nào cũng có tiến sĩ, từ gia đình học (family studies) đến kinh doanh thời trang (fashion merchandising). Riêng năm nay, có khoảng 42.000 người sẽ được cấp bằng tiến sĩ tại Mỹ - theo Trung tâm Nghiên cứu công luận thuộc ĐH Chicago.

 

Tình trạng hỗn loạn tiến sĩ khiến nảy sinh hiện tượng có những tiến sĩ văn chương hay sử học làm việc trong các hãng luật hay công ty kiểm toán.

 

Một trong những nguyên nhân làm “cộng đồng" tiến sĩ tăng nhanh là các tiêu chuẩn nghiên cứu bắt buộc ngày càng giảm bớt. Tại ĐH Chicago chẳng hạn, trước kia muốn lấy bằng tiến sĩ các ngành khoa học xã hội - trong đó có nhân chủng học, kinh tế học hay khoa học chính trị.... nghiên cứu sinh buộc phải thông thạo vài ngoại ngữ. Tiêu chuẩn này bây giờ đã bỏ. Tại ĐH Princeton, nghiên cứu sinh nhiều ngành khoa học không đòi hỏi phải biết tiếng Pháp hoặc tiếng Đức, chỉ cần rành làm toán.

 

Cách đây vài thập niên, muốn có tấm bằng tiến sĩ văn chương Anh tại Princeton, nghiên cứu sinh không những buộc phải biết tiếng La-tinh mà còn phải quen thuộc vài ngôn ngữ cổ.

 

Hiện tại, nhiều vị tiến sĩ văn chương ở khắp nước Mỹ chưa từng đọc các tác phẩm cổ điển của Đức, Anh và thế giới.

 

Ngoài ra, việc hình thành các phân khoa mà trước kia chỉ là một môn học hay sự hình thành nhiều ngành mới cũng là một trong những yếu tố góp phần kích phát làn sóng tiến sĩ. Cách đây vài thập niên, không hề có tiến sĩ vi sinh học, sinh thái học, thần kinh học, máy tính học...

 

Suốt gần 30 năm, từ 1875 đến năm 1903, nước Mỹ chỉ có khoảng 4.500 tiến sĩ. Cũng trong thời gian này, nước Mỹ xuất hiện nhiều tài hoa không có bằng tiến sĩ, trong đó có các văn sĩ thiết lập nền móng cho văn học Mỹ như Langston Hughes, Eudora Welty, Arthur Schlesinger Jr... Đó là chưa kể vài trường hợp cá biệt của các bậc kỳ tài chưa từng kinh qua ĐH, Ernest Hemingway chẳng hạn.

 

Từ đầu đến giữa thế kỷ 20, số tiến sĩ tại Mỹ tăng dần, theo tốc độ của cuộc chạy đua trên nhiều phương diện giữa Mỹ và Liên Xô. Năm 1957, Mỹ có 8.600 tiến sĩ nhưng tăng lên gần 34.000 vào năm 1973...

 

Theo tác giả Linton Weeks, vấn đề ở chỗ người ta bắt đầu có những quan niệm khác biệt so với trước kia. Tiến sĩ không hàm nghĩa học giả mà chỉ là chuyên gia.

 

Nói đúng hơn, tình hình bắt đầu “loạn" không phải mới đây mà từ nhiều năm trước. Trước năm 1984, một cuộc thăm dò cho thấy có đến 1/200 người trưởng thành ở Mỹ có bằng tiến sĩ! Trong bài viết trên tờ American Spectator hồi năm 1990, Hiệu trưởng ĐH Princeton Theodore Ziolkowski (đã quá cố) than rằng: "Ngày nay các ĐH Mỹ, trong đó có những trường tốt nhất, trao bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh nước ngoài chỉ biết mỗi tiếng Anh, cho nghiên cứu sinh Mỹ mù tịt tiếng nước ngoài, cho nhà khoa học nhân văn hoàn toàn không biết toán học, thống kê hay phép suy luận và cho khoa học gia hay kỹ sư gần như không viết nổi một đoạn văn xuôi tiếng Anh mạch lạc”.

 

Không thể phủ nhận rằng hệ thống giáo dục Mỹ là một trong những hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới. Mỹ có số nhà khoa học đoạt giải Nobel nhiều nhất. Mỹ cũng có chính sách thu hút nhân tài hợp lý...

 

Tình trạng “tiến sĩ giấy” chỉ nói lên thực trạng, rằng quan niệm xã hội phổ biến và hào quang tiến sĩ là đều tầm phào. Khi quan niệm này trở nên đúng đắn, danh hiệu tiến sĩ sẽ trở về với ý nghĩa đích thực của nó và người giành được tấm bằng cao quý này cũng xứng đáng tự hào mình là tiến sĩ.

 

Theo An ninh thế giới