“Loạn” thị trường thiết bị dạy học
Theo tin từ Bộ GD-ĐT, tình hình cung ứng thiết bị dạy và học theo chương trình giáo dục cải cách hiện hành luôn ở thế bị động mặc dù bao giờ kế hoạch của Bộ cũng sát nút năm học mới.
Tuy nhiên, vấn đề thực sự của câu chuyện thiết bị lại ở chỗ, ở nhiều nơi, khi đấu thầu thì giá hạ so với cơ quan tài chính duyệt nhưng có khi giá không chính xác hoặc chất lượng thiết bị kém.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra tình hình cung ứng thiết bị và một cán bộ của ngành đã tiết lộ kết luận: giảm giá thường đồng nghĩa với chất lượng kém và trong đấu thầu có hiện tượng giảm giá để trúng thầu nhưng kết quả là chất lượng thiết bị kém.
Nguyên nhân chính của sự chậm trễ là do các địa phương đấu thầu, xét thầu chậm.
Đặc điểm của công tác thiết bị trường học là, trừ những nhà sản xuất đủ mạnh dám bỏ vốn ra sản xuất trước, các đơn vị nhỏ phải chờ đặt hàng rồi mới sản xuất hoặc gom hàng về bán.
Các Cty nhỏ thường chạy mua hàng lung tung và không có kế hoạch sản xuất vì thị trường thiết bị trường học được thả trong tình trạng “không biết ai bán, ai mua” như một cán bộ ngành thiết bị gọi là “hỗn loạn thị trường thiết bị”.
Năm học 2006 -2007 đang đến, năm nay chuẩn bị dạy lớp 5 mới; lớp 10 bắt đầu dạy đại trà phân ban mới. 2 khối lớp thiết bị mới, nếu ngành GD-ĐT không sớm có kế hoạch chủ động e rằng thiết bị lại vẫn rơi vào căn bệnh trầm kha của nhiều năm nay là đi sau giảng dạy, làm mất ý nghĩa thực hành mà chương trình mới cho là tính ưu việt của mình so với chương trình cũ.
Để giải quyết tình trạng hỗn loạn này, ông Lê Hoàng Hảo, Tổng GĐ Tổng Cty Sách và Thiết bị I cho biết có 2 việc phải làm: Bộ GD-ĐT cần thống nhất trong toàn quốc 1 cơ chế mua sắm theo luật đấu thầu mới mà Quốc hội vừa ban hành.
Qua 4 năm thực hiện, ngành GD-ĐT phải lựa chọn những nhà thầu có năng lực cạnh tranh, có uy tín và loại trừ tất cả các doanh nghiệp không đủ năng lực và trong quá trình cung ứng đã từng có vi phạm, không đảm bảo chất lượng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong cung ứng thiết bị.
Theo Tiền Phong