Loạn sao chép trong trường ĐH
Được coi là cái nôi sinh ra những thành quả sáng tạo có thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng trường ĐH cũng là nơi mà nạn sao chép đang trở thành “căn bệnh” khó chữa.
Ngoài tầm kiểm soát
Ông Lê Văn Hưng, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng thực trạng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trong trường ĐH không chỉ nhiều về số lượng mà còn phức tạp về tính chất.
Theo ông Phan Quốc Nguyên, Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, tình trạng xâm phạm bản quyền SHTT trong trường các ĐH tại Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối và diễn biến phức tạp.
Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng việc sao chép trong trường ĐH đang nằm ngoài tầm kiểm soát và đã ở mức tồi tệ vì không chỉ sao chép tài liệu gốc mà còn sao chép cả những tài liệu đã được sao chép từ trước đó.
Đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên là do trong nhiều năm qua, các trường thiếu sự quan tâm tới đăng ký SHTT cũng như xây dựng ý thức thực hiện bản quyền tác giả đối với tư liệu, giáo trình của các học giả.
Biểu hiện rõ nhất là tình trạng ngang nhiên “đạo văn” trong hàng loạt tiểu luận, khóa luận, luận văn, luận án. Thậm chí “chợ” luận văn còn ngang nhiên tồn tại ngay sát cổng trường ĐH, cung cấp bất kỳ loại luận văn, đồ án nào cho sinh viên có nhu cầu.
Không xét tốt nghiệp nếu vi phạm
Nhằm hạn chế tình trạng sao chép, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã đề ra biện pháp đối phó bằng cách không công nhận tốt nghiệp đối với những sinh viên được xác định sao chép đến 70% luận văn của người khác. Trường hợp này khi bị phát hiện sẽ bị buộc thực tập lại và phải thi tốt nghiệp ở khóa sau. Đây là cách xử lý nghe có vẻ nghiêm nhưng thực tế không phải trường hợp nào cũng bị phát hiện nên khó có thể nói là mức độ hạn chế được đến đâu. PGS Ngô Thám, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho biết thời gian gần đây, Trường ĐH Kiến trúc đã kiên quyết không cho sinh viên mượn luận văn, đồ án về nhà để tránh sao chép. Khi bảo vệ luận văn, nếu phát hiện có sao chép, sinh viên sẽ không được tốt nghiệp. |
Ngay như ở ĐH Quốc gia Hà Nội, tính đến tháng 4/2010 cũng chỉ mới nộp đến Cục SHTT 3 hồ sơ sáng chế thì hoàn toàn chưa thấm tháp gì so với hoạt động đào tạo, nghiên cứu của cán bộ, nghiên cứu sinh của trường.
“Quên” dẫn nguồn
Thực tế cho thấy ngoài hình thức đáng phê phán là sao chép toàn bộ ý tưởng, số liệu và giải pháp của người khác, một hình thức sao chép nữa cũng đang rất phổ biến là việc dẫn các công trình, kết quả nghiên cứu của người khác trong đề tài của mình.
Đây là việc làm bình thường và cần có trong nghiên cứu khoa học, tuy nhiên khi trích dẫn thì người sử dụng phải nêu rõ nguồn, tác giả, thế nhưng hầu hết sinh viên và cả một bộ phận giảng viên không thực hiện các quy tắc này.
Việc thiếu dẫn nguồn, không ghi chú trích dẫn tài liệu trong các tác phẩm nghiên cứu đã xảy ra từ nhiều năm nay, đến nỗi trở thành... thói quen khiến nhiều giảng viên nghĩ rằng chúng là của... mình.
Đơn cử như cuối tháng 4/2010, nhóm tác giả đứng tên chủ biên 2 cuốn sách Tài chính quốc tế và Nguyên lý thực hành bảo hiểm bị tố “đạo sách” đã phải nhận quyết định kỷ luật khiển trách của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Lý do chính là vì trong 2 cuốn sách này có sử dụng tài liệu biên soạn giáo trình không được sự đồng ý của tác giả.
Trước đó, nhiều sinh viên bộ môn đồ họa - mỹ thuật ứng dụng của Trường ĐH Nghệ thuật Huế cũng đã phản ánh việc giảng viên Đồng Thị Mỹ H. (được giữ lại trường từ năm 2006) đã “đạo” ý tưởng thiết kế nội thất trụ sở Hội đồng Anh tại Hà Nội của họa sĩ Lê Trung Hải để làm đồ án tốt nghiệp.
Theo Yến Anh
Người Lao Động