Lo ngại từ chuyện học sinh bỏ nhà đi tìm cuộc sống tự lập
(Dân trí) - Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, có hai vụ nữ sinh bỏ đi làm và tìm cuộc sống tự lập. Trong đó, có cả những học sinh tiểu học. Sự việc dấy lên lo ngại về cách quản lý giáo dục con em trong gia đình và nhà trường.
Ngày 17/2, sau khi đến trường, 3 học sinh ở Phú Yên đồng loạt nộp giấy xin phép nghỉ học với lý do bận việc nhà rồi đột nhiên “mất tích”. Trước khi bỏ đi, 3 nữ sinh trên để lại 3 bức thư báo tin gia đình biết mình đã rời quê nhà đi nơi khác tìm cuộc sống tự lập. Sau 5 ngày không tìm thấy việc làm, các em đã được tìm thấy ở Nha Trang và người quen đưa về nhà an toàn.
Ngày 9/3, có 4 nữ sinh lớp 5 của một trường tiểu học tại Hà Nội đã trốn khỏi trường và rủ nhau đi làm để kiếm tiền. Sau thời gian ngắn, các em đã được các cơ quan chức năng tìm thấy.
Những sự việc trên đã dấy lên nhiều lo ngại, nhất là việc quản lý, giáo dục con của gia đình và nhà trường hiện nay, khiến các em có những quyết định liều lĩnh, vượt qua tầm kiểm soát của người lớn. Một số nhà tâm lý đã chia sẻ với PV Dân trí về hiện tượng này.
Thạc sỹ Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Quốc gia TPHCM: “Hành động như người lớn để khẳng định mình”
Khó có thể nói về nguyên nhân của một hiện tượng khi chưa có nghiên cứu chắc chắn và cụ thể. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, các em có tâm lý muốn trở thành người lớn, muốn được khẳng định bản thân qua các hoạt động xã hội, muốn được người thân, cha mẹ và thầy cô đánh giá.
Thế nhưng các em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, vẫn phải phụ thuộc vào cha mẹ và người lớn. Cha mẹ hay người lớn cũng chưa công nhận các em là người trưởng thành. Vì thế một số em hành động như kiểu người lớn như việc bỏ nhà kiếm tiền, ăn chơi để khẳng định mình.
Tôi được biết, một số các em có nhu cầu tiêu tiền rất lớn, nhất là vào những hoạt động mà các em thấy thú vị, thậm chí nhiều hoạt động đó người lớn cho là tiêu cực như nhậu nhẹt, hút chích... Tuy nhiên, bố mẹ lại rất kiểm soát tiền bạc với các em. Chính vì thiếu tiền tiêu xài và để khẳng định bản thân mình, nhiều em nghĩ ra cách trộm cắp còn một số em khác thì quyết bỏ học đi làm thuê để kiếm tiền tiêu.
Ths Nguyễn Văn Công , Giảng viên Tâm lý học - ĐH Nguyễn Huệ (Đồng Nai): “Gia đình và nhà trường thiếu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ”
Theo tôi, trước hết là lỗi tại nhà trường. Đây là lỗi chủ yếu nhất, là nguồn gốc sâu xa, bởi thực tế học sinh cấp II thì việc quản lý, giáo dục, định hướng nghề nghiệp là trách nhiệm chính của nhà trường.
Nếu như nhà trường làm tốt việc giáo dục, quản lý chặt chẽ, định hướng các em thấy được sự cần thiết phải học tập và thường xuyên tư vấn, khuyến khích, giúp đỡ để các em coi hoạt động học của mình là việc làm cần thiết hơn thì chắc chắn không dẫn đến hiện tượng các em nghỉ học, bỏ trường để đi tìm cuộc sống tự lập.
Hơn nữa, đội ngũ giáo viên chưa kịp thời theo dõi, nắm vững tư tưởng của các em để giáo dục cho các em hiểu rằng, ở độ tuổi này, các em khó có thể lựa chọn được công việc phù hợp; còn non nớt, yếu đuối, thiếu kinh nghiệm, chưa thể tự quyết định cuộc đời của mình.
Thứ hai là lỗi tại gia đình. Tôi nghĩ cha mẹ các em chưa thực sự quyết đoán, chưa coi trọng việc học hành của con cái nên chưa gần gũi các con để tìm hiểu nguyện vọng tâm tư của các con. Họ thường bị áp lực bởi dư luận xã hội về việc học tập chứ chưa quan tâm đến suy nghĩ trong giai đoạn mới lớn của con trẻ.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là vai trò của các tổ chức tại địa phương còn hạn chế. Tại địa phương nơi các em bỏ học, chưa có biện pháp phù hợp để khuyến khích phong trào học tập, hội khuyến học cũng chưa thể hiện được vai trò của mình.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng hiện nay, các em được tiếp xúc quá nhiều với các phương tiện văn hóa. Đôi khi nhiều em bị sự dụ dỗ, lôi léo của kẻ xấu và ra đi nhưng không ý thức được những cạm bẫy phía sau. Vì thế không chỉ nhà trường mà người lớn trong gia đình cần quan tâm đến các em nhằm hạn chế tối đa những lôi kéo hấp dẫn khiến các em sẵn sàng bỏ học.
Mỹ Hà (ghi)
Email: myha@dantri.com.vn