Vĩnh Phúc:

Lo ngại tiêu cực, UBND tỉnh tuyển dụng giáo viên thay cho huyện, thị

(Dân trí) - Với việc nhận được nhiều tin nhắn, đơn thư phản ánh về việc có các hiện tượng tiêu cực trước kì thi tuyển dụng viên chức giáo dục, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thay đổi kế hoạch so với trước đó để trực tiếp đứng ra tổ chức thi tuyển.

Động thái bất ngờ này tiếp tục được mở rộng khi thay đổi các cách thức lấy thí sinh trúng tuyển. Việc làm của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã khiến nhiều thí sinh bức xúc bởi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng khá nhiều.

Thí sinh bức xúc

Phản ánh về báo Dân trí, nhiều thí sinh dự thi cho biết: Ngày 19/6/2014, Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản số 836 hướng dẫn tuyển dụng giáo viên tiểu học và hợp đồng giáo viên mầm non năm 2014 thông qua thi tuyển. Sau đó, UBND các huyện đã có kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2014.

Tuy nhiên vào phút chót thì UBND tỉnh quyết định việc tổ chức thi viên chức ngành GD-ĐT năm 2014 tổ chức tập trung thi tập trung ở cấp tỉnh, đồng thời ban hành Quyết định số 2319 ngày 26/8/2014 về việc thành lập Hội đồng thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT năm 2014 của tỉnh. Sau khi tổ chức thi xong thì vào ngày 24/10/2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại tiếp tục ra văn bản 6376 để thay đổi “luật chơi” trong việc xác định người trúng tuyển.

Nhiều thí sinh viết đơn đề nghị báo Dân trí vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề.
Nhiều thí sinh viết đơn đề nghị báo Dân trí vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề.

Cụ thể, ở văn bản số 836 quy định “Người trúng tuyển trong kì thi tuyển giáo viên năm 2014 phải tham dự đủ các bài thi, mỗi bài thi phải đạt từ 50 điểm trở lên và được xác định theo nguyên tắc: Người trúng tuyển có kết quả thi cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu tuyển dụng của từng vụ trí việc làm của mỗi huyện, thành, thị”.

Nhưng ở văn bản số 6376 lại thay đổi thành: “Nguyên tắc xác định người trúng tuyển theo các quy định đã thông báo cụ thể: Người dự thi phải tham dự đủ các bài thi theo quy định, mỗi bài thi phải đạt từ 50 điểm trở lên, cộng tổng lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu tuyển dụng chung của cả tỉnh”.

Trước “luật chơi” thay đổi không thông báo trước kì thi khiến nhiều thí sinh bức xúc. Theo các thí sinh dự thi, nếu như chủ trương của cơ quan là xét tuyển kết quả theo tỉnh thì ngay từ khi ra quyết định thi viên chức phải ra văn bản nhất quán ngay từ đầu. Bởi trước khi nộp hồ sơ có quyết định xét tuyển từ cao xuống thấp theo huyện nên tất cả các thí sinh đã phải cân nhắc rất kỹ càng, mất rất nhiều công sức và thời gian suy xét khi nộp hồ sơ. Có rất nhiều thí sinh phải từ huyện này sang huyện khác để dự thi với mong muốn có ít thí sinh dự thi, nhiều chỉ tiêu để nâng cao tỷ lệ trúng tuyển…

Nhiều thí sinh dự thi cùng chung quan điểm bày tỏ: Tại sao ngay từ đầu UBND tỉnh, Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ không quyết định xét theo tỉnh mà giao chỉ tiêu xét theo huyện. Đến khi thi xong mới thay đổi từ xét theo huyện thành xét theo tỉnh đã gây rất nhiều hoang mang và sự không đồng tình trong nhân dân. Những thí sinh không trúng tuyển rất bất bình, bởi nếu xét theo tỉnh là rất thiệt thòi cho các thí sinh ở những nơi vùng núi, vùng sâu vùng xa từ đỗ thành trượt ảnh hưởng tới cả một cuộc đời mỗi người trong khi tất cả đều đã dành rất nhiều công sức, sự cố gắng và nỗ lực vào đó.

Thay đổi “đột ngột” vì lo ngại tiêu cực?

Trước những ý kiến thắc mắc của thí sinh, ngày 22/12/2014, ông Hoàng Văn Đăng - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký thông báo số 170 truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thị Tuyến về việc tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014.

Thông báo này khẳng định: Việc tổ chức tuyển viên chức ngành GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014 đã thực hiện đảm bảo đúng các trình tự quy định của Trung ương.

Trong quá trình giao UBND các huyện, thị thực hiện công tác tuyển dụng theo kế hoạch; lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ nhận được nhiều tin nhắn, đơn thi phản ánh về việc có các hiện tượng tiêu cực (nhận tiền, bảo lãnh việc thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT tại các huyện, thị) và đề nghị tổ chức ở tỉnh để đảm bảo khách quan, công bằng. Mật độ tin nhắn, đơn thư trong những ngày gần đến ngày thi càng nhiều. Từ tình hình trên, ngày 26/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị nghe Giám đốc Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT báo cáo về nội dung các phản ánh nêu trên và đã quyết định việc tổ chức thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT năm 2014 sẽ được tổ chức thi tập chung ở cấp tỉnh.

Trong quá trình thực hiện quy trình tuyển dụng, lãnh đạo Hội đồng thi tuyển của tỉnh thường xuyên báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh. Ngày 21/10/2014 Chủ tịch UBND tỉnh đã nghe Hội đồng báo cáo về các nội dung liên quan đến việc tổ chức tuyển dụng, đã thống nhất cách xác định người trúng tuyển nêu tại văn bản số 6376 là “Lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu tuyển dụng chung của tỉnh, theo từng ngành tuyển dụng và yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị hủy bỏ các văn bản liên quan đến tuyển dụng giáo viên năm 2014 đã ban hành”.

Thông báo số 170 trả lời những thắc mắc của thí sinh nhưng không đi vào
Thông báo số 170 trả lời những thắc mắc của thí sinh nhưng không đi vào trọng tâm.

Thông báo này cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XV từ ngày 10/12 đến 12/12/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã công khai trả lời trực tiếp trước các đại biểu HĐND tỉnh, cử tri về nội dung thay đổi các xác định trúng tuyển. Việc xác định người trúng tuyển lấy điểm từ cao xuống thấp theo chỉ tiêu chung toàn tỉnh là đúng quy đinh.

Giải thích về “làm thay” công việc của các huyện, thị UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Việc UBND tỉnh thành lập hội đồng thi tuyển cấp tỉnh mà không giao cấp huyện, thị thành lập Hội đồng thi tuyển là phù hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND tỉnh (do khi UBND các huyện, thành, thị thực hiện việc tuyển dụng viên chức đã xảy ra hiện tượng bảo lãnh thi, qua phản ánh của nhiều thí sinh và Nhân dân đề nghị không tổ chức thi ở cấp huyện).

Mặc dù đã có thông báo trả lời công khai nhưng nhiều thí sinh dự thi đều cho rằng UBND tỉnh chưa đi thẳng mà nội dung mà đơn thư yêu cầu. Chẳng hạn như, UBND tỉnh vẫn chưa giải thích được việc thi xong mới ban hành văn bản xác định người trúng tuyển, trong khi đó theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP thì trong thông báo tuyển dụng phải nêu rõ cách thức. Bên cạnh đó, nếu có tiêu cực thì UBND tỉnh có thể đứng ra tổ chức sau đó trả kết quả cho các huyện, thị xác định người trúng tuyển…

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu vấn đề và làm việc với các bên liên quan để thông tin đến với bạn đọc.

Nguyễn Hùng

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm