Triển khai dạy bằng tiếng Anh ở trường chuyên:

Lo giáo viên lớn tuổi khó học tiếng Anh

(Dân trí) - Kế hoạch của Bộ GD-ĐT năm học 2011 sẽ triển khai dạy một số môn học bằng tiếng Anh. Đây là tin vui với các trường chuyên nhưng bên cạnh đó, không ít hiệu trưởng trường chuyên đã rất lo lắng vì nếu không tính kỹ thì rất khó khăn cho giáo viên.

Giáo viên già khó học tiếng Anh!

Kế hoạch dạy tiếng Anh ở trường chuyên năm học tới đã được Bộ GD-ĐT đưa ra rất chi tiết và cụ thể. Bộ sẽ thực hiện xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học tiếng Anh và áp dụng từ năm học 2011-2012. Đối với hệ chuyên, tài liệu dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh (song ngữ) được áp dụng cho trường THPT chuyên từ lớp 10, trước mắt là môn Toán, Tin học.

Tuy nhiên, hiệu trưởng của nhiều trường chuyên lo lắng nhất là vấn đề bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh.

PGS.TS Hà Huy Bằng, khoa Lý, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, người có thâm niên trong dạy chuyên, cho biết: “Bộ quyết định triển khai dạy tiếng Anh ở môn chuyên ngay từ năm học 2011, tôi thấy hơi vội vàng vì đội ngũ giáo viên giỏi, có kinh nghiệm phần lớn sắp đến tuổi về hưu nên việc học tiếng Anh rất khó, còn đội ngũ giáo viên trẻ có thể giỏi tiếng Anh nhưng chuyên môn lại thiếu kinh nghiệm. Ngay như khoa Lý - ĐH Khoa học Tự nhiên, giảng viên dạy bằng tiếng Anh rất ít. Theo tôi nên thực hiện thí điểm trước rồi triển khai đại trà, vấn đề này cần phải có thời gian”.
 
Nói về đội ngũ giáo viên dạy chuyên hiện nay, TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TPHCM, cho hay: “Để có được một giáo viên dạy học sinh giỏi phải cần ít nhất 3 năm. Để chuẩn bị một bài giải cho các lớp chuyên đòi hỏi giáo viên cần đầu tư nhiều công sức và tâm huyết. Trong khi đó, đội ngũ giảng dạy môn chuyên tại các trường chuyên hiện nay thiếu một cách trầm trọng và không được bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng công tác. Đặc biệt là môn Tin học, các thầy cô ở các tỉnh đại đa số là chuyển sang dạy Tin học từ các môn khác, không được đào tạo bài bản, chưa nắm được hết chương trình cần dạy và không có kinh nghiệm giảng dạy môn Tin học”.
 
Ông Thái Văn Bình, hiệu trưởng trường chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội, thẳng thắn: “Đội ngũ giáo viên dạy chuyên hiện nay phần lớn đã lớn tuổi, tuy có chuyên môn nhưng không thể học được tiếng Anh trong thời gian ngắn như vậy để giảng dạy được. Bộ nên có lộ trình khi triển khai kế hoạch này, đồng thời kèm điều tra đánh giá độ tuổi giáo viên để trên cơ sở đó có bước đi phù hợp”.

Nên tập trung đầu tư “máy cái”

Góp ý về đào tạo giáo viên, ông Thái Văn Bình nêu ý tưởng: “Theo tôi, để triển khai dạy ngay tiếng Anh ở năm học tới Bộ nên tập trung đào tạo từ “máy cái” là trường sư phạm để giảng dạy trường chuyên. Hợp lý và nhanh nhất là sinh viên các lớp cử nhân tài năng vì hiện nay những sinh viên này đều đã được học môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Chúng ta chỉ cần bồi dưỡng cấp tốc đối tượng này sau đó gửi về địa phương, mỗi tỉnh khoảng 2 giáo viên là được. Bên cạnh đó, Bộ cũng nên quy định môn học đó có bao nhiêu tiết học bằng tiếng Anh để giáo viên tiếng Anh môn đó có thể dạy thay được giáo viên dạy chính bằng tiếng Việt”.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng trường THPT Chuyên, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) là người có bề dày kinh nghiệm trong dạy chuyên và đào tạo học sinh giỏi quốc tế cho rằng: “Việc đầu tư giáo viên dạy chuyên để đạt chuẩn quốc tế thì thạc sỹ cũng chưa đạt mà là người có kinh nghiệm. Giáo viên dạy chuyên có kinh nghiệm thì hiện nay như chúng tôi không nhiều. Theo tôi,  nếu xây dựng trường chuyên đạt chuẩn quốc tế mà không có giáo viên đạt chuẩn quốc tế thì cũng bằng không. Do vậy, nên tập trung đầu tư giáo viên ở các trường đại học vì đó như là "máy cái" làm trọng tâm để bồi dưỡng”.

Có lẽ tự tin nhất trong vấn đề triển khai dạy tiếng Anh trường chuyên là đơn vị Hà Nội. Ông Nguyễn Thành Kỳ, trưởng phòng giáo dục trung học - Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Hiện nay Hà Nội có 456 giáo viên trong các trường chuyên, trong đó 98% là trên chuẩn (một số có học vị tiến sĩ). Đội ngũ giáo viên dạy chuyên dần dần đều đã được trẻ hóa, 60% trong số giáo viên có tuổi đời dưới 40. Ngoài những thầy cô có bề dày kinh nghiệm và lãnh đạo, nhiều giáo viên vốn là những học sinh cũ, sau khi tốt nghiệp lớp cử nhân tài năng, lớp chất lượng cao ở ĐH Sư phạm, học xong thạc sĩ trở về trường giảng dạy và đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn”.

Được biết, đề thi vào trường chuyên ở Hà Nội, ngoài kiến thức kĩ năng cơ bản, đã có thêm những câu hỏi kiểm tra về năng khiếu, tài năng, chỉ số IQ, EQ. Từ năm 2010 - 2011, tuyển sinh vào các lớp chuyên, ngoài thi Toán, Văn, môn chuyên, còn thi môn Ngoại ngữ như là điều kiện bắt buộc đối với học sinh.

Ông Nguyễn Hải Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, giám đốc chương trình Phát triển giáo dục trung học cho biết: “Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giáo viên chuyên là tối cần thiết và được củng cố trước. Hiện nay hơn 1.000 giáo viên các trường THPT chuyên trên toàn quốc đã được tập huấn nội dung chuyên sâu, tiệm cận với chương trình quốc tế vào năm 2010. Chương trình phát triển giáo dục trung học có kế hoạch tập huấn tiếng Anh cho 456 giáo viên dạy các môn học ở trường chuyên. Hoạt động này được thực hiện từ năm 2011 để đảm bảo hỗ trợ các giáo viên dạy môn học của mình bằng tiếng Anh. Tổng kinh phí tập huấn tiếng Anh cho giáo viên chuyên là 638.400 USD”.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm