Điện Biên:
Liêu xiêu gieo chữ ở Phình Giàng
(Dân trí) - Ngôi trường được dựng tạm bợ bằng cây rừng, mái tranh, vách đất. “Mùa đông, gió bốn phía thổi vào, rét như cắt thịt. Mùa hè, đang giờ học bất chợt gió Lào thổi, cuốn đất cát bay mù trời, ùa vào lớp học, cô và trò phải bịt miệng, lánh ra ngoài...”
Những lớp học xiêu vẹo
Khu trường học THCS và Tiểu học xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nằm trên bãi đất bạc màu. Nếu ai lần đầu bước chân đến đây, thoạt nhìn sẽ không nghĩ đó là lớp học. Cả thảy có 5 dãy nhà đều lợp bằng cỏ gianh đã đến lúc mục nát, trong đó cám cảnh nhất là dãy lớp học cấp tiểu học.
Các cô giáo ở đây cho biết, lớp học được nhân dân trong vùng dựng bằng mấy cây rừng, bốn bên thưng bằng liếp nứa, chỗ có chỗ không. Có lẽ do lâu ngày, cọng với gió lốc nên dãy lớp học xiêu vẹo. Cực nhất là vào mùa khô hanh, đang giờ học, bỗng dưng gió lào ràn rạt, cuốn đất cát bay mù trời, hất vào phòng học. Lúc đó cô trò lấy tay bịt miệng chạy ra ngoài.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường dẫn tôi đi tham quan cảnh trường lớp. Bàn ghế của học sinh và giáo viên được phụ huynh làm tạm bằng cách dùng cây rừng chôn xuống đất rồi đặt tấm gỗ lên cho học sinh ngồi học bài. Người lớn đi qua, nếu đặt tay lên mặt bàn thì tức thì mặt bàn đu đưa như chiếc võng. Nền nhà bằng đất, lòi lõm, nếu trời mưa to, nước trên mái nhà dột xuống, ngoài chy vào, lớp học giống như ao cá.
Giáo viên thiếu thốn đủ bề
Hôm tôi đến thăm trường là ngày chủ nhật nên chỉ có mấy cô giáo ở lại trường. Những giáo viên có gia đình ở Điện Biên thì tranh thủ vượt “3 suối”, “10 đèo” về. Họ về không chỉ thăm gia đình mà có nhiệm vụ quan trọng nữa là mua thực phẩm cho cả trường ăn trong suốt tuần lễ.
Giống với khu lớp học, hai khu nhà nội trú của giáo viên cũng hết sức tạm bợ, chật chội. Mỗi gian vỏn vẹn 5m2, đủ kê cho một cái bàn nhỏ, một chiếc giường đơn và một cái tủ vi. Trong mỗi căn phòng đó có hai giáo viên sinh sống. Điện lưới không có, tối đến khu vực trường học tối như bưng, khu nội trú giáo viên, mỗi phòng một ngọn đèn dầu thắp lên cho giáo viên soạn giáo án.
Cô giáo Chu Thị Ngọc tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở Yên Thành, Nghệ An, tốt nghiệp Trường Sư phạm Tây Bắc, cô nhận công tác ở đây tháng 10 năm 2007. Lên đây giảng dạy, bản thân cô mới thấy được nỗi khó khăn vất vả của công tác dạy chữ ở vùng sâu, vùng xa.
Cuộc sống hàng ngày của giáo viên ở đây thiếu thốn trăm bề. Về mùa khô còn đỡ, nếu là mùa mưa, có những tuần ăn cơm với muối, vì đường xa, mưa xuống mặt đường trơn không thể đi được. Có những lúc hết sạch thức ăn, giáo viên vào rừng lấy măng, xin dân bản lá sắn luộc ăn. Nước sinh hoạt thì đi bộ hơn 1km mới có.
Đất ở đây pha cát, mưa xong là khô ngay tức thì. Vì vậy mà mấy giáo viên ở miền xuôi lên phải cố gắng lắm mới trồng được rau ăn. Mấy cô giáo cho biết, muốn trồng được rau ăn thì phải đào lớp đất pha cát phía trên đổ đi, sau đó lấy đất màu nơi khác về đổ lên, khi đó mới trồng được rau.
Còn đó bao nỗi băn khuăn
Mấy năm qua, được sự quan tâm của một số ngành, Trường THCS và Tiểu học Phình Giàng đã được một số đơn vị, tổ chức hỗ trợ xây dựng nhà nội trú dân nuôi kiên cố cho học sinh. Thầy giáo Vũ Đình Hồng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Điện Biên Đông cho biết, Phình Giàng là một địa phương xa trung tâm huyện, giao thông cách trở, công tác giáo dục ở đây hiện gặp nhiều khó khăn nhất trong huyện.
Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết băn khoăn lớn nhất của giáo viên vẫn là những học sinh con em đồng bào người Mông. Trường THCS và Tiểu học Phình Giàng có 31 lớp học, với 526 học sinh (trường có 8 điểm trường ở 8 bản) trong đó 2/3 tổng số học sinh là con em đồng bào Mông.
Theo cô Chu Thị Ngọc, học sinh ở đây phần lớn là con em đồng bào dân tộc Mông, các em rất chăm chỉ học bài. Nhiều cháu học khá, đặc biệt là môn văn, giọng đọc rất diễn cảm. Có những học sinh lớp 3 vẽ tranh rất đẹp, hát hay... Song vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều học sinh bỏ học, ở nhà giúp đỡ cha mẹ vào mùa làm nương. Những ngày rét đậm, lớp vắng rất nhiều, vì các em xa nhà, áo không đủ ấm, bỏ học. Mùa mưa cũng vậy, nhà cách xa trường học, đường trơn khiến các em không thể cắp sách đến trường. Những lúc như vậy, giáo viên phải đến tận nhà vận động học sinh đến lớp, vô cùng vất vả.
Một nỗi lo lắng của các thầy cô giáo xã Phình Giàng là gần đây, nhiều học sinh đã tìm đến cái chết bằng lá ngón hái trong rừng. Cách đây không lâu, một học sinh lớp 3 là Vàng Thị Dà do bị cha mẹ mắng vì tranh đồ chơi với em đã lẩn lên rừng hái lá ngón ăn để tìm đến cái chết. Một số cháu khác do cha mẹ đánh, mắng cũng tìm đến cái chết thảm thương bằng lá ngón…
Ông Vàng Giống Lầu, Chủ tịch UBND xã Phình Giàng giở cuốn sổ ra cho tôi biết danh sách số ca tử vong bằng lá ngón trong 6 tháng gần đây. Từ cuối năm 2007 đến nay, toàn xã đã xảy ra 5 vụ tự tử bằng lá ngón. Các trường hợp tự tử đều ở lứa tuổi học sinh và thanh niên.
Khu nội trú của giáo viên.
Thái Nguyên An