Lập trình viên không lo thiếu việc
Có thể nói CNTT đang là một mảnh đất hứa của các em học sinh vừa tốt nghiệp, để khởi đầu cho sự nghiệp mà ở đó, luôn có cơ hội cho tất cả những ai muốn thể hiện. Chưa bao giờ cơ hội làm việc trong ngành CNTT lại mở rộng đến thế!
Lựa chọn mới
Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2010, nhiều học sinh đã quyết định theo học lớp đào tạo lập trình viên thay vì chờ thi vào một trường Đại học. Câu chuyện này không khó hiểu, bởi “đầu ra” vẫn là một vấn đề lớn. Hiện các trường Đại học Việt Nam phần nhiều vẫn đào tạo theo khả năng của mình chứ không theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, không ít người cầm tấm bằng cử nhân loại khá, giỏi nhưng cũng… bằng thừa vì không xin được việc.
Em Nguyễn Văn Long, một học sinh của Trường PTTH Trần Hưng Đạo (Quận Hà Đông, Hà Nội) cũng quyết định nộp hồ sơ vào lớp lập trình viên của Aptech ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3. “Ban đầu bố mẹ em cũng phản đối, do CNTT là một lĩnh vực rất mới lạ. Nhưng em giải thích thì bố mẹ em đồng ý ngay”, Long chia sẻ.
Long cũng cho biết, một số bạn bè của em cũng quyết định theo học lập trình viên tại Aptech vì đây được coi là nghề thời thượng. Hơn nữa, bằng cấp của Aptech được công nhận rộng rãi trên thế giới và có nhiều cấp độ khác nhau tuỳ khoá học. Hấp dẫn hơn, khi theo học tại Aptech có cơ hội du học nước ngoài và du học tại chỗ. Chương trình đào tạo của Aptech mang tính Quốc tế, liên thông với các trường Đại học ở Úc, Mỹ, Canada, Ấn Độ cấp bằng Cử nhân (BAppSc) giúp sinh viên tiết kiệm chi phí đáng kể.
Hiện nay, các Bộ, Ngành đang lấy ý kiến đề án "Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông năm 2020" để trình chính phủ thông qua. Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại dự thảo Đề án đó là đặt mục tiêu đến năm 2015 Việt Nam đứng thứ 70 trở lên trong các bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về CNTT; Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 17 - 20% trong GDP.
Có thể nói, CNTT nói chung và nghề lập trình viên nói riêng chưa bao giờ có cơ hội phát triển lớn như hiện nay. Học sinh trước ngưỡng cửa Đại học có dám chấp nhận thử thách mới để bước vào một miền đất hứa mới hay không, điều đó tùy thuộc vào quyết định của mỗi người.