Lãnh đạo ĐH Tokyo Nhật Bản xin lỗi sau bê bối sửa điểm thi
(Dân trí) - Lãnh đạo của Đại học Y Tokyo đã cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 7/8 sau vụ bê bối sửa điểm thi đầu vào của các thí sinh nữ nhằm giảm tỷ lệ nữ sinh nhập học.
Kết quả điều tra bởi các luật sư cho thấy Đại học Y Tokyo đã sửa tất cả kết quả các bài thi đầu vào bắt đầu từ năm 2000 hoặc thậm chí có thể sớm hơn nữa. Nhà trường vừa phải lên tiếng thừa nhận sai sót và chính thức xin lỗi sau khi kết quả điều tra được công bố ngày 7/8.
Các báo cáo cho thấy nhà trường đã hạ kết quả vòng thi đầu tiên của tất cả các thí sinh 20%, sau đó cộng thêm tới 20 điểm cho bài thi của các thí sinh nam vào năm ngoái. Quá trình tương tự đã xảy ra trong nhiều năm nhằm đảm bảo chỉ có dưới 30% nữ sinh trên tổng số thí sinh trúng tuyển.
Năm 2018, tỷ lệ nữ sinh trúng tuyển của nhà trường sau vòng thi đầu tiên là 14,5%, so với con số 18,9% với các thí sinh nam. Sau vòng thi thứ 2 và cũng là vòng thi cuối cùng, chỉ 2,9% số sinh viên nữ trúng tuyển, trong khi con số này với nam sinh là 8,8%.
Ông Tetsuo Yukioka (trái), giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo và ông Keisuke Miyazawa, quyền chủ tịch Đại học Y Tokyo, cúi đầu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 7/8 (Ảnh: Japan Times)
Theo Đại học Y Tokyo, việc sửa điểm đầu vào của các thí sinh là sai trái và sẽ không tiếp diễn trong tương lai. Nhà trường cũng đang xem xét chấp nhận kết quả của những thí sinh đáng lẽ đã trúng tuyển.
Đại diện nhà trường cho hay, họ phải làm như vậy do lo ngại các thí sinh nữ sau khi tốt nghiệp sẽ không lựa chọn hoặc rút ngắn thời gian làm việc trong ngành y để sinh nở và chăm sóc con cái.
“Chúng tôi chân thành xin lỗi vì hành vi sai trái nghiêm trọng liên quan tới kết quả tuyển sinh đã gây phiền phức và bận tâm cho rất nhiều người đồng thời phản bội niềm tin của công chúng”, Giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo Tetsuo Yukioka cho biết.
Ông Yukioka cũng khẳng định, bản thân ông không có liên quan và không hề hay biết về vụ việc trước đó. Ông cũng khẳng định các sinh viên nữ không hề bị phân biệt đối xử sau khi được nhận, nhưng cũng nêu lên một thực tế rằng một số người dân Nhật Bản tin rằng phụ nữ không nên trở thành bác sĩ phẫu thuật.
“Tôi cho rằng vẫn còn những quan điểm lạc hậu không theo kịp xã hội hiện đại. Ngày nay, phụ nữ không nên bị phân biệt đối xử chỉ vì giới tính của họ”, ông Yukioka nói.
Gần 50% phụ nữ Nhật Bản có bằng cấp đại học nhưng tỷ lệ nữ giới tham gia trong lực lượng lao động tại nước này khá thấp. Theo truyền thống, phụ Nữ Nhật Bản chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, và chăm sóc người cao tuổi.
Ngoài ra, nhà trường còn bị cáo buộc nâng điểm thi đầu vào của con trai một quan chức cấp cao trong ngành giáo dục Nhật Bản, đổi lại một khoản trợ cấp lớn. Vị quan chức này và cựu hiệu trưởng nhà trường đã bị truy tố vì tội hối lộ.
Minh Hương
(Theo PA)