Trung Quốc:

Làn sóng du học sinh “nhí”

Trung Quốc là quốc gia có nhiều du học sinh nhất trên thế giới. Không chỉ gửi con ra nước ngoài học đại học mà nhiều gia đình gửi con đi du học từ khi còn ở bậc tiểu học.

Nhận thức phiến diện về cuộc sống học tập nơi đất khách quê người cùng với nhiều nhân tố khác khiến cho kết quả học tập của đối tượng du học sinh nhí này có xu hướng giảm sút. Nhiều quốc gia tiếp nhận du học sinh Trung Quốc mặc dầu không muốn bỏ lỡ “mối lợi” từ các học sinh nhí này nhưng cũng đã trở nên dè dặt hơn để tránh giảm sút uy tín đào tạo...

 

Hơn 10 năm qua, số học sinh Trung Quốc ra nước ngoài học tập liên tục tăng nhanh song hành với sự phát triển kinh tế vượt bậc. Học sinh trung học và thậm chí học sinh tiểu học cũng đi du học. 2 nhóm này tạo nên cái gọi là cộng đồng du học sinh nhỏ tuổi. Hầu hết những nơi đến du học là các nước nói tiếng Anh, như Anh, Canada, Australia, New Zealand, Singapore, Nam Phi và một số nước khác. Nhiều vấn đề phát sinh trong nhóm du học sinh nhỏ tuổi đã khiến nhiều nước đón nhận phải chú ý.

 

Theo báo China Youth Daily, chủ tịch PFB, một công ty tư vấn và xúc tiến du học tại Anh thì bởi vì nhiều vấn đề nảy sinh mà công ty này đã khống chế số tuyển sinh để bảo đảm chất lượng giáo dục. Báo này chỉ ra rằng “chất lượng” của học sinh đi du học là lí do cơ bản dẫn tới học sinh đạt kết quả thấp. Khi đứa trẻ rời khỏi quê hương, chúng thường rời khỏi vòng tay cha mẹ. Nhiều phụ huynh không nhận thức được điều gì xảy ra bên kia đại dương. Những đứa trẻ không có khả năng tự chăm sóc chứ chưa nói tới tiếp thu kiến thức bằng một ngôn ngữ khác.

 

Nhiều phụ huynh thậm chí chưa từng một lần rời khỏi Trung Quốc và họ đặt mọi hy vọng lên đứa trẻ. Nhiều đứa trẻ đi du học do cha mẹ bắt buộc, ảnh hưởng từ những người xung quanh hoặc mang mục đích khác ngoài học tập. Điều này tạo nên một tình trạng “du học không chủ đích” và những trẻ này trôi nổi ở nước ngoài mà không có mục đích gì năm này qua năm khác.

 

Một nhân viên cao cấp phụ trách cấp visa vào Anh cho biết có một trẻ đã không được chấp thuận cấp visa du học vì cậu bé này trả lời phỏng vấn rằng không muốn rời khỏi Trung Quốc và bị mẹ bắt ép đi du học.

 

Thực tế là không phải mọi trẻ đều thích nghi với du học, vì vậy mong ước của cha mẹ có thể làm hại đứa trẻ. Nếu những gia đình gửi con ra nước ngoài vì những lí do “chuyển ngân ra nước ngoài”, “tránh rắc rối” hoặc như một “lựa chọn xen kẽ”... thì vấn đề càng trầm trọng.

 

Việc lộn xộn giữa các công ty môi giới du học tốt và xấu là một nhân tố quan trọng khác ảnh hưởng đến kết quả học tập của du học sinh. Một số công ty môi giới du học lấy lợi nhuận làm đầu thậm chí làm giả hồ sơ học bạ của trẻ để được chấp thuận từ phía trường nước ngoài. Các công ty này cũng nhắm tới những trường chất lượng thấp với giá rẻ để đưa du học sinh sang. Sự hoà trộn tổng thể của những yếu tố: du học sinh chất lượng thấp, cha mẹ nhận thức kém, các công ty môi giới chất lượng thấp và những ngôi trường chất lượng thấp đương nhiên không thể tạo ra được kết quả tốt.

 

Những vấn đề với du học sinh nhí đã khiến các quốc gia phải điều chỉnh chính sách nhận du học sinh. Australia bỏ chính sách miễn kì thi tiếng Anh cho học sinh trung học. New Zealand áp dụng các biện pháp mới hạn chế học sinh Trung Quốc. Nhật Bản hy vọng nâng cao “chất lượng” học sinh và Đức lập ra “Phòng điều tra học sinh nước ngoài” trong Đại sứ quán Đức tại Trung Quốc để kiểm soát học sinh và sinh viên Trung Quốc.

 

 

Theo Giáo Dục Thời Đại/ Báo nước ngoài