Làm việc lớn với giấy vụn
Hoài Linh và nhóm Unknown đã tạo ra một phong trào nói không với lãng phí giấy trong học sinh một số trường tại Hà Nội khi thu gom giấy một mặt làm thành vở nháp tặng học sinh, khuyến khích các bạn tiết kiệm, giảm thiểu rác thải.
Nhóm vừa giành giải nhất cuộc thi Kiến tạo ảnh hưởng do Tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC FTU Hà Nội tổ chức với dự án Trash Again, vì một thế giới không lãng phí giấy.
Thay đổi thói quen
Xuất phát từ đâu mà Hoài Linh và nhóm Unknown chọn thu gom giấy để làm vở nháp?
Cuộc thi Kiến tạo ý tưởng (Dash for impact) năm nay có chủ đề khá rộng và mở “Giảm thiểu rác thải về con số 0 lý tưởng”. Trong khi các nhóm khác chọn “rác thải” là quần áo, đồ gia dụng bỏ đi hay bút bi thì Trash Again quyết định làm về giấy.
Vì giấy là vật dụng thân thuộc đối với mỗi người, với mọi tầng lớp và thế hệ, từ bản thân những người sáng lập dự án là chúng tôi (học sinh) cho đến các nhân viên văn phòng, các cửa hàng...
“Dự án đã góp phần giúp giảm thiểu một lượng giấy không nhỏ, tránh bị lãng phí. Tuy có thể chưa đạt đến con số 0 lý tưởng nhưng hoàn toàn đã chạm đến và thay đổi phần nào ý thức của nhiều học sinh.” - Nguyễn Hoài Linh |
Chúng tôi nhận thấy phần lớn giấy hiện nay bị bỏ phí là giấy mới sử dụng một mặt còn một mặt trắng. Loại giấy này hoàn toàn có thể sử dụng tiếp để làm nháp nhưng đa số các em học sinh đều không chú ý việc này.
Giấy một mặt các em tiện tay vứt đi và đi học lại ngại mang nháp. Do đó chúng tôi quyết định thực hiện việc tái chế giấy một mặt thành các quyển nháp đẹp, với bìa bên ngoài trang trí bắt mắt chứa những thông điệp bảo vệ môi trường để trao đổi với học sinh.
Ngược lại để được một cuốn nháp như thế học sinh phải gửi lại cho chúng tôi ít nhất 1kg giấy. Như vậy, học sinh sẽ hiểu được lượng giấy các em vứt phí đi hằng ngày hoàn toàn có thể tái chế được thành các cuốn nháp để sử dụng tiếp. Kết quả nhóm đã làm được 124 cuốn vở nháp dày 40 trang từ số giấy thu gom.
Việc triển khai ý tưởng ban đầu của nhóm có gặp khó khăn không? Hoạt động này tác động thế nào tới học sinh?
Việc làm này ban đầu gặp khá nhiều khó khăn trong việc liên lạc với các trường học để thực hiện việc đổi nháp lấy giấy cũ (Exchanging Day). Nhóm đã liên lạc với hơn 20 trường học nhưng cuối cùng chỉ có thể thực hiện việc này tại trường THCS Cầu Giấy, THPT Nguyễn Gia Thiều và THPT Đào Duy Từ.
Phản ứng của học sinh tại trường THCS Cầu Giấy khi nhận nháp rất tích cực. Các em thích thú khi nhận những quyển nháp dễ thương với hình vẽ bên ngoài đa dạng, phong phú, thậm chí còn tranh nhau lấy được quyển mình thích. Tuy chỉ thực hiện đổi đồ với 3 lớp nhưng do được các em ủng hộ nhiệt tình nên dự án đã thu được 140 kg giấy tại đây.
Tôi tin rằng, dự án góp phần giúp giảm thiểu lượng giấy không nhỏ tránh bị lãng phí. Tuy có thể chưa đạt đến con số 0 lý tưởng nhưng hoàn toàn chạm đến và thay đổi phần nào ý thức của nhiều học sinh cũng như vận động các chủ cửa hàng photocopy và trung tâm Tiếng Anh quyên góp giấy.
Tạo phong trào làm vở nháp tái chế
Giành giải nhất cuộc thi Kiến tạo ảnh hưởng, bạn và nhóm dự định sẽ phát triển dự án thế nào?
Chúng tôi vui mừng khi nhận được giải Nhất, công sức bỏ ra hơn 1 tháng qua của chúng tôi đã được đền bù xứng đáng. Giải Nhất này sẽ là bước nền tiếp theo để dự án có thể phát triển tiếp bền vững hơn.
Dự định trước mắt của nhóm sẽ tuyển thêm thành viên điều hành dự án, chia thành các ban hoạt động chuyên môn và chuyên nghiệp hơn. Nhóm sẽ cố gắng hoàn thành tốt hồ sơ về dự án để đi xin bảo trợ của một số tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp để dự án có thể chạy tiếp.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện “Ngày đổi đồ” tại nhiều lớp học hơn và đi từ thiện đến nhiều nơi xa. Khi chạy dự án, nhóm đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều bạn ở xa như Hà Giang, Bắc Giang... Nhóm mong muốn trong tương lai có thể mở rộng mạng lưới dự án đóng nháp tới các tỉnh khác.
Theo bạn, có thể tạo ra một phong trào tái chế từ đồ phế liệu làm các sản phẩm handmade hữu ích trong bạn trẻ được không?
Theo tôi hoàn toàn có thể tạo ra phong trào làm vở nháp từ đồ phế liệu. Vở nháp làm rất đơn giản và ai cũng có thể làm nó. Học sinh có phản hồi tốt về dự án đóng vở nháp. Hy vọng đó sẽ là cách để chúng tôi gián tiếp gây dựng được phong trào làm vở nháp.
Ngoài vở nháp từ đồ phế liệu ta còn có thể làm được nhiều thứ hay hơn nữa, đặc biệt là đồ handmade. Như Trung tâm “Vì ngày mai” của người khuyết tật khi nhận được giấy cũ chúng tôi tặng các bạn tại trung tâm đã tái chế giấy đó bằng một hợp chất để giấy không thấm nước và làm thành đồ handmade đem bán.
Tuy nhiên, làm đồ handmade phức tạp hơn nên đối với học sinh chúng tôi vẫn khuyến khích các bạn tự đóng và thiết kế nháp cho mình, kết thúc tình trạng đi học không có nháp.
Bạn có suy nghĩ thế nào về thái độ và hành động của người trẻ hiện nay trong vấn đề bảo vệ môi trường? Theo bạn để nâng cao nhận thức của người trẻ về vấn đề này, chúng ta phải làm gì?
Tôi nghĩ giới trẻ hiện nay bắt đầu có những nhận thức tích cực cũng như các hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Các bạn ngày càng chủ động và hào hứng tham gia các hoạt động về môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn khá nhiều bạn trẻ hờ hững. Có thể trong nhận thức của các bạn, những gì mà các bạn thấy chưa ảnh hưởng đến mình thì chưa chú trọng vào nó.
Để nâng cao nhận thức của giới trẻ về vấn đề này, chúng tôi nghĩ những người đã có ý thức bảo vệ môi trường nên tích cực vận động mọi người xung quanh để tầm ảnh hưởng nhân rộng hơn. Đồng thời các trường học, cơ sở hành chính, cơ sở đào tạo,... cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án về môi trường đến được với bạn trẻ.
Cảm ơn Hoài Linh!
Theo Hải Yến
Tiền Phong