Làm Tiến sĩ phải có công bố quốc tế: Sao ngập ngừng?

Việc quy định bảo vệ TS phải có công trình nghiên cứu công bố quốc tế là cần thiết, nhưng với một TS nó vẫn chưa đủ, cần thêm nhiều yếu tố.

Đó là quan điểm của PGS.TS Đoàn Văn Điều - Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM với báo Đất Việt.

Nên dạy phương pháp nghiên cứu khoa học

PV:- Mới đây, tại buổi tọa đàm về nâng cao chất lượng tiến sĩ, ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, luận án tiến sĩ phải là công trình khoa học, phải có cái mới và phải được đăng tải trên các tạp chí quốc tế để được phản biện.

Ông bình luận như thế nào về yêu cầu trên? Thưa ông, cách tiếp cận mới của một vị quan chức giáo dục như vậy có phải là tín hiệu chứng tỏ việc đào tạo TS ở Việt Nam sẽ chấm dứt kiểu đại trà, mua danh, kém chất lượng hay không?

PGS.TS Đoàn Văn Điều:- Thật ra, công bố kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học tiến sĩ.

Thế nhưng, nếu áp dụng ngay thì sẽ có nhiều khó khăn cho các NCS, vì nếu gửi lên các tạp chí quốc tế thì cũng phải đợi chờ 2-3 năm thì mới phản biện xong. Vì thế nên theo tôi, trước mắt chúng ta có thể đề nghị họ viết bằng tiếng Anh, đăng tải tạp chí có tên tuổi trong nước, rồi nâng dần mức độ yêu cầu, tránh hiện tượng bị sốc.

Mà khi choáng váng với các yêu cầu cao, thì lại là cơ hội béo bở để "làm tiền" của các tạp chí thiếu uy tín nhận tiền để đăng công bố quốc tế, như vậy, vô tình chúng ta tạo điều kiện cho những người có tiền làm việc tốt hơn người không có tiền.

Còn những tạp chí công bố quốc tế có uy tín như ISI thì TS của chúng ta không bao giờ có cơ hội được đăng hoặc có thì vô cùng ít bởi vì không có GS để giới thiệu mà mức giá phải trả khá cao, có khi 2000 USD/bài là chuyện bình thường.

Bảo vệ luận án Tiến sĩ phải có công trình khoa học công bố quốc tế.
Bảo vệ luận án Tiến sĩ phải có công trình khoa học công bố quốc tế.

Thực ra theo tôi, việc quy định công bố quốc tế chỉ là một phần đánh giá chất lượng, cái quan trọng vẫn là phải viết được về phương pháp nghiên cứu khoa học, không chỉ phương pháp trong 1 vài bài, mà phải học thành từng các môn cụ thể, rồi từ từ cân bằng, phương pháp nghiên cứu và thống kê ứng dụng để xử lý số liệu tìm ra quy luật để làm.

Qua đó biết chọn mẫu, biết soạn thảo, thực hiện các bảng hỏi, trắc nghiệm một cách thuần thục. Bộ GD-ĐT muốn một có những người nghiên cứu chất lượng thực sự thì việc dạy về nghiên cứu khoa học là tốt nhất.

Nếu chúng ta đào tạo cả quá trình tốt thì sẽ tốt hơn chú trọng đến kết quả, tôi lấy ví dụ một số môn như mình muốn sau này trường là nghiên cứu khoa học thì phải dạy họ nghiên cứu trước, sau đó nâng cấp giảng viên trong trường lên thì mới có NCS tốt.

Tôi chỉ đặt câu hỏi hiện có bao nhiêu trường đại học tại VN hiện nay dạy nghiên cứu, đặt điều kiện cho mục tiêu đào tạo, con số này vô cùng hiếm hoi.

PV:- Theo ông, để cụ thể hơn, liệu có nên quy định cụ thể về chất lượng công trình khoa học cũng như nơi đăng tải uy tín, để đảm bảo việc đào tạo TS của Việt Nam tiệm cận với chuẩn thế giới hay không? Nếu như vậy, ở điểm xuất phát như Việt Nam, theo ông, cần đưa ra những tiêu chuẩn như thế nào thì phù hợp?

PGS.TS Đoàn Văn Điều:- Thực tế, trên thế giới, đã có nhiều trường ĐH ở châu Âu, châu Mĩ và Úc khuyến khích NCS công bố vài bài báo khoa học trước khi viết luận án tiến sĩ. Ngày nay, các ĐH lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan thậm chí Thái Lan cũng có qui định tương tự.

Bài báo khoa học, nói cho cùng, là một bản báo cáo những gì NCS đã làm và tại sao làm, kết quả ra sao và có ý nghĩa gì và những gì cần làm tiếp.

Vì thế, công bố những gì nghiên cứu đã nghiên cứu là một hình thức “thử lửa” tốt nhất cho NCS. Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT chỉ nêu cần công bố khoa học quốc tế thì chưa tính đến việc thuê người viết hộ, rồi chi tiền để được đăng trên các tạp chí như tôi đã nói.

Lúc này, cần có quy định rõ ràng, chỉ công nhận các công trình khoa học công bố trên hệ thống tạp chí ISI hoặc các tạp chí có tên tuổi, sẽ hạn chế được phần nào.

Riêng với VN, thì tôi nghĩ, chúng ta cứ có các Hội đồng thẩm định chất lượng, có các tiêu chí để đo lường xem độ chính xác của các số liệu nghiên cứu, kết quả nghiên cứu.

Hoặc có thể đặt vấn đề dụng cụ nghiên cứu, quá trình nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, số lượng, NCS phải giải thích được tất cả. Bởi khi muốn đánh giá phải thống nhất tiêu chí trong phần phản biện bài báo, khẳng định độ đầu tư vào công trình khoa học nghiên cứu.

Bức tường lửa loại bớt nhân tố kém chất lượng

PV:- Nếu những biện pháp trên được áp dụng vào thực tế, theo ông, liệu nó có nhận được sự đồng thuận của bản thân các nghiên cứu sinh cũng như dư luận hay không và vì sao? Xin ông phân tích cụ thể.

PGS.TS Đoàn Văn Điều:- Khi đã nâng mức tiêu chuẩn lên cao để tìm được các nhà nghiên cứu khoa học thực chất, các NCS chấp nhận là tốt.

Tôi tin chắc với các nhà khoa học nghiên cứu thực sự, họ còn rất mong muốn sẽ làm được điều này, vì muốn những gì mình làm được trân trọng và được công nhận một cách xứng đáng.

Còn tất nhiên với những người làm chỉ để có cái bằng thì tất nhiên sẽ không thích thú gì với yêu cầu trên, vì họ chỉ có thể một là không thể học được TS, hai là, mất khá nhiều tiền để đáp ứng được, còn nếu Bộ làm chặt chẽ hơn thì có tiền cũng không làm được.

Tôi hoan nghênh những người biết khó mà vẫn làm đúng yêu cầu, đó là những người rất đáng khen. Đây có thể được coi là bước tường rào bằng lửa, loại bỏ bớt các NCS không thực sự muốn cống hiến cho nghiên cứu.

PV:- Hiện tại, Bộ GD-ĐT vẫn đang thực hiện đề án 20.000 tiến sĩ đến năm 2020. Việc xiết lại chất lượng đào tạo liệu có ảnh hưởng tới mục tiêu này hay không? Theo ông, với cách tiếp cận mới như trên, Bộ Giáo dục có nên nói lại về đề án 20.000 tiến sĩ, để làm rõ quan điểm trọng chất lượng chứ không trọng số lượng hay không?

PGS.TS Đoàn Văn Điều:- Rõ ràng, các trường ĐH hiện nay đang đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ rất nhiều. Tuy nhiên, người học chỉ lấy tấm bằng đó làm căn cứ để thăng quan tiến chức chứ không thích giảng dạy ở các trường ĐH.

Cho nên, với tôi cái con số mục tiêu 20.000 tiến sĩ không có ý nghĩa, bản thân tôi cũng không để ý đến đề án này. Theo tôi, có 10.000 tiến sĩ chất lượng còn tốt hơn 20.000 tiến sĩ mà không có chất lượng, không có các công trình khoa học giúp ích cho xã hội, ứng dụng thực tiễn.

Dĩ nhiên, với việc đưa ra các quy chế chặt chẽ hơn với đào tạo tiến sĩ, Bộ GD-ĐT chắc chắn phải chuẩn bị tâm lý cho mình về việc không hoàn thành mục tiêu, thậm chí nên xóa bỏ đề án trên. Thực tế đó chỉ là bệnh thành tích, phấn đấu có được một con số đầy hy vọng vào các tiến sĩ.

Việc cần làm hiện nay là đầu tư nghiên cứu để có được những giảng viên cơ hữu tại các trường thật có năng lực, khi đó sẽ có các NCS chất lượng.

- Xin cảm ơn PGS.TS đã trao đổi với Đất Việt!

Theo Châu An

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm