Bạn đọc viết:

Làm thế nào để tăng cường tư duy phản biện cho giới trẻ?

(Dân trí) - Bài viết “Học sinh Việt Nam sợ bị hỏi và lười phản biện” trên báo Dân trí một lần nữa lật mở điểm yếu của giới trẻ Việt, đó là sự nhút nhát, rụt rè trong giao tiếp và lười phản biện, ngại đặt câu hỏi trong mọi vấn đề cần quan tâm. Điều này đã được cảnh báo khá nhiều nhưng dường như sau một thời gian dài vẫn chẳng mấy đổi thay, cải thiện.

Tại buổi tạo đàm Câu chuyện giáo dục, TS Trần Nam Dũng - phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu - ĐHQG TP.HCM đã chia sẻ về việc thường xuyên tiếp xúc với những học sinh thụ động, ngại trao đổi, ít đặt câu hỏi và tranh luận. Đồng quan điểm với TS Trần Nam Dũng, nhiều người tham dự tọa đàm đã vạch ra một vài lý do khiến học sinh Việt sợ bị hỏi và lười tranh luận.

Dưới góc độ cá nhân, tôi muốn đề cập đến những khía cạnh khác trong phương pháp giáo dục trẻ hiện nay của chúng ta đã và đang khiến bọn trẻ đi vào lối mòn “ngại phản biện”. 

Một điều dễ dàng bắt gặp trong nhiều trường học Việt Nam là phương pháp giáo dục cào bằng cá tính người học. Một lớp học với nhiều đối tượng học sinh có năng lực, sở thích, cá tính khác nhau. Vậy nhưng chúng ta vẫn cứ áp một cái “khuôn” chung về chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt và buộc tất cả mọi trẻ đều phải thuộc lòng bài thơ đó, giải được bài toán kia theo mẫu…

Cá biệt còn có hiện tượng thầy bắt buộc trò phải viết bài văn theo đúng yêu cầu của thầy, tả cây hoa phải là hoa thầy đã chọn chung cho cả lớp, tả bà ngoại phải đeo kính, mắt nheo nheo… Cá biệt còn có hiện tượng trò giải toán không theo cách giải mà thầy đã dạy trên lớp là không được điểm, dù đáp án đúng thế nào đi chăng nữa… Khi mà tư duy tôn trọng cá tính người học vẫn đang còn mơ hồ, chúng ta mong chờ gì vào những “tiếng nói” riêng mang đậm sự hoài nghi, chất vấn của trò?

Xưa nay, khoảng cách thầy trò xa vời trong trường học Việt vô hình trung tạo ra một hố sâu ngăn cách khiến nhiều bạn trẻ không dám nêu ý kiến, không muốn phản biện. Điều này xuất phát từ truyền thống “tôn sư trọng đạo”, luân lý “tam cương, ngũ thường” ăn sâu vào tiềm thức khiến nhiều thế hệ học trò tôn trọng thầy tuyệt đối, thầy dạy không dãm cãi, thầy làm sai không dám phản bác.

Dần dà, chính kiến của bản thân dường như bị đồng hóa vào cái chung của tập thể, cái “tôi” hòa vào cái “ta” và xóa nhòa ranh giới. Đã quen với nếp sống và nếp nghĩ ấy, nhiều đứa trẻ lớn lên bị bào mòn nhẵn tư duy phản biện. Bởi vậy mới xảy ra một số hiện tượng cá biệt đáng tiếc trong thời gian qua như chuyện cô giáo bắt 23 học sinh trong lớp tát bạn 230 cái mà không cháu nào làm trái lời cô hoặc là cô giáo lên lớp suốt nhiều tháng không giảng bài và mọi việc chỉ vỡ lở khi có cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố.

Bên cạnh đó, chúng ta đã duy trì khá lâu phương pháp dạy học truyền thống thầy đọc - trò chép nên khi chuyển sang phương pháp dạy học hiện đại chú trong phát triển năng lực người học, lấy học trò làm trung tâm vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Phương pháp dạy học liên tục được đổi mới, hình thức học tập trao đổi nhóm, thảo luận nhóm, thuyết trình, hùng biện… luôn được chú trọng sử dụng nhằm cải thiện chất lượng.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người khá ngần ngại trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Các hình thức thảo luận nhóm, thuyết trình vẫn còn mang tính hình thức và thường được sử dụng nhiều trong các tiết dự giờ, thao giảng, thi giáo viên giỏi. Và lẽ tất nhiên, những đứa trẻ có chút “vốn liếng” về kiến thức, nhiệt tình, dạn dĩ vẫn là “át chủ bài” trong các buổi trình diễn đó. Còn đa số học sinh còn lại vẫn chưa được chú trọng trui rèn kỹ năng hợp tác, giao tiếp, trình bày vấn đề và kỹ năng phản biện, chất vấn là chuyện khá lạ lẫm.

Mặt khác, chúng ta phải thừa nhận một cách thẳng thắn rằng sự thụ động của học sinh Việt không chỉ là “sản phẩm” riêng của giáo dục trong nhà trường. Thử nhìn lại cách giáo dục trong mỗi gia đình Việt còn nặng về lễ giáo với những định kiến kiểu như “áo mặc không qua khỏi đầu”, “cá không ăn muối cá ươn/con cãi cha mẹ trăm đường con hư”…

Có vô số đứa trẻ được nuôi lớn trong cái nôi là gia đình vốn bị cấm tiệt chuyện cãi lời người lớn dẫu bố mẹ nói sai, không được nêu chính kiến bởi mọi việc trong nhà đều do người lớn quyết định, thậm chí là dùng lời lẽ mắng mỏ, roi vọt đánh đập mỗi khi trẻ có ý kiến trái chiều… Đừng đòi hỏi những đứa trẻ im như thóc ở nhà phải biết cách lên tiếng trước đám đông, phải tự tin hỏi ngược lại câu hỏi của nhà tuyển dụng hay dám tranh luận đến cùng để bảo vệ chính kiến của mình!

Tăng cường tư duy phản biện cho trẻ, yêu cầu này không mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Muốn vậy, phải thay đổi phương pháp giáo dục trẻ từ trong gia đình đến nhà trường!   

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm