Làm gì để đạt được quyền của trẻ em trong trường học?
(Dân trí) - Những vụ việc nóng hổi về bạo lực học đường, xâm hại trẻ em… vừa qua đã tiếp tục khơi mở một vấn đề thảo luận chưa bao giờ tạm dừng trong xã hội: Quyền trẻ em trong trường học. Liệu việc quản trị trường học sẽ cần đi theo những hướng nào để đảm bảo một môi trường tự do, an toàn, thân thiện với tất cả các em?
Nhằm góp phần chủ động xây dựng trường học thân thiện, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh theo Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn; Trường PTLC Olympia (Hà Nội) và ĐH Lund, Thụy Điển, vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Quản trị nhà trường trong bối cảnh Giáo dục vì Phát triển bền vững: Thực tiễn và xu thế quốc tế từ cách tiếp cận quyền trẻ em”.
Tư duy phản biện là vấn đề được nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đặc biệt quan tâm khi trao đổi tại hội thảo.
Là điều phối viên Viện Quyền trẻ em của ĐH Lund (Thụy Điển), GS. Per Wickenberg, TS Xã hội học về luật, dẫn quy định tại Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc: Trẻ em có quyền được nói ra ý kiến và lựa chọn của mình khi người lớn đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến trẻ.
Nếu những người giáo viên, nhà quản trị trường học quan tâm và đưa quan điểm này vào để cân nhắc, chắc chắn bộ quy tắc và môi trường lớp học, trường học sẽ thân thiện và thúc đẩy sự phát triển của trẻ hơn rất nhiều.
Cùng quan điểm, PGS. Mans Svensson - Giám đốc Viên Nghiên cứu môi trường và an ninh kinh tế (ĐH Lund, Thụy Điển), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám sát Khoa học Thụy Điển - cũng khẳng định: Cần xây dựng cho trẻ tư duy phản biện để các em không bị áp đặt; làm sao để học sinh có khả năng tư duy, tiếp nhận thông tin và bày tỏ quan điểm của mình.
Cô Hoài Nga, đại biểu đến từ Trường PTLC Olympia cho hay, muốn thực hiện tốt quyền của trẻ em trong trường học, chưa cần nói đến luật hay chính sách, trước hết cần những thay đổi nhỏ nhất trong nhà trường. Chẳng hạn đảm bảo an toàn thể chất cho học sinh - đấy là điều mà nhà trường hoàn toàn có thể làm được.
PGS. Mans Svensson - Giám đốc Viên Nghiên cứu môi trường và an ninh kinh tế (ĐH Lund, Thụy Điển), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám sát Khoa học Thụy Điển.
Cũng theo cô Nga, không hẳn chúng ta nói và có thể làm tốt được ngay mà phải trải qua một quá trình hoàn thiện dần dần.
Được biết, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.
GS. Per Wickenberg cho rằng về mặt pháp lý, Việt Nam đã đi khá xa so với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên theo bà Lê Bình - đại diện UNESCO Việt Nam, văn hóa Việt Nam, ngay cả trong gia đình, trẻ em thường không phải là người luôn được nói lên tiếng nói. Do đó, lấy trẻ làm trung tâm thì sự thay đổi phải ở cả 3 trụ cột: gia đình, nhà trường, cộng đồng. Bên cạnh đó, giáo viên, nhà trường cũng đóng vai trò nòng cốt.
Hạnh Nguyên