Lá thư của một người thầy “đặc biệt”
(Dân trí) - “Thầy tin là các em sẽ có sáng kiến, thầy tin là các em quyết tâm đổi mới, đổi mới quyết liệt vì chính tương lai của các em. Mỗi em đều có thể là Thánh Gióng, là Trần Văn Ơn của thế hệ trẻ Việt Nam đầu thế kỷ 21”.
Đó là những lời nhắn nhủ của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân dành cho học sinh, sinh viên trong bức thư có tiêu đề là “Thư của Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhân ngày học sinh, sinh viên Việt Nam 9/1/2008”.
Lá thư được hoàn thành vào lúc 22h đêm ngày 8/1 và Phó Thủ tướng muốn các em học sinh, sinh viên hãy coi đó như những lời chia sẻ của một người thầy thân thiết của các em. Vì thế, trong thư, ông luôn xưng “thầy” và các em.
Thực ra, cách gọi “thầy Nguyễn Thiện Nhân” đã không còn là xa lạ với nhiều sinh viên, kể cả đối với những sinh viên chưa từng học ông. Trong lễ trao giải Nhân tài Đất Việt được tổ chức vào 20/11/2007, một thí sinh khi lên nhận giải đã xúc động nói: “Em chúc ngành giáo dục với dưới sự lãnh đạo của thầy Nguyễn Thiện Nhân sẽ phát triển không ngừng”.
Mở đầu thư, ông viết: “Khi đất nước bước sang năm mới cũng là lúc học sinh, sinh viên Việt Nam háo hức kỷ niệm 58 năm ngày hội truyền thống của mình - Ngày Học sinh, sinh viên 09/01. Trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, học sinh, sinh viên luôn là lực lượng xung kích, năng động và đầy sáng tạo, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tiếp nối truyền thống đó, học sinh, sinh viên ngày nay đã và đang thể hiện sức trẻ của mình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Nghiêm khắc nhưng cũng vẫn rất tình cảm và nhẹ nhàng, GS. Nhân chỉ bảo cho sinh viên: “Hội nhập và cạnh tranh quốc tế cũng vô cùng khắc nghiệt. Chỉ các quốc gia không ngừng đổi mới, chỉ các công ty có năng lực cạnh tranh thực sự, chỉ những người có có ý chí, tri thức và kỹ năng mới biến thời cơ thành kết quả thành công cho mình.
Không có chỗ đứng cho các quốc gia trì trệ, không có chỗ đứng cho các doanh nghiệp yếu kém, không có chỗ đứng cho những người thiếu ý chí, tri thức và kỹ năng thực sự. Thời cơ và thách thức to lớn này chính là môi trường sống của học sinh, sinh viên chúng ta ngày nay. Không có sự lựa chọn nào khác”.
Vì thế, vừa khuyến khích, ông vừa nhắc nhở các em: “Chưa bao giờ cơ hội học lấy một nghề có chất lượng đối với các em lại lớn như bây giờ. Nhưng tất cả nỗ lực của thầy cô, của doanh nghiệp và của nhà nước chỉ có tác dụng nếu chính các em tự đổi mới, thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm để biến cơ hội đó thành phẩm chất, tri thức, kỹ năng của mình, để các em từ một người không có nghề trở thành một người có khả năng nghề nghiệp thực sự”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Nhân thể hiện tình cảm của mình dành cho học sinh, sinh viên qua những dòng thư mà trong tất cả các bức thư của ông, gửi chúc Tết hay gửi nhân ngày nhà giáo Việt Nam, lúc nào ông cũng dành một tình cảm đặc biệt trìu mến để viết riêng cho các em. Viết cho học sinh, sinh viên, dường như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân như đang viết cho chính thời thanh niên sôi nổi đã qua của mình.
Vì thế, mỗi dòng thư của ông luôn rất gần gũi và chứa chan tình cảm yêu thương: “Các em sinh ra khi bom đã ngưng rơi, đạn đã ngừng nổ. Các em cắp sách đến trường mà không lo khi trở về người thân còn hay mất. Đất nước có được như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh xương máu, mồ hôi của những người đi trước, của ông bà, cha mẹ các em và của các thầy cô giáo.
Một dân tộc đi chân đất ngày nào đang hối hả bước vào dòng chảy của nhân loại hiện đại. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Hãy nuôi ước mơ của các em về tương lai của mình, của quê hương bằng nỗ lực học thật, học say mê, sáng tạo từ mỗi ngày hôm nay”. (Thư nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2006).
Qua mỗi bức thư của người đứng đầu ngành giáo dục - dù ở cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT hay người thầy thì trong những lá thư của ông, điều khiến người ta luôn nhớ là những xúc cảm mang đầy tính nhân văn.
Mai Minh