Kỳ thi THPT Quốc gia còn nhiều lúng túng
Việc sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh đại học, cao đẳng còn lúng túng.
Báo cáo trước Quốc hội về tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, chú trọng liên thông giữa các cấp học, trình độ, hình thức giáo dục, đào tạo.
Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015. Thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn địa phương.
Giai đoạn 2011 - 2015, đã dành 20% tổng chi NSNN cho giáo dục đào tạo, trong đó giáo dục tiểu học chiếm 33%, trung học cơ sở chiếm 22%. Lồng ghép các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án đầu tư khác cho giáo dục.
Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường và ban hành quy định về thành lập, hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học. Chú trọng đào tạo theo nhu cầu xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế. Thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập. Thực hiện công bố chuẩn đầu ra của các ngành, chuyên ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khẳng định lĩnh vực này chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, chất lượng chậm được cải thiện. Việc sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh đại học, cao đẳng còn lúng túng. Cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu.
Chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu
Về lĩnh vực Y tế, Phó Thủ tướng cho biết nội dung giám sát chuyên đề và chất vấn tập trung vào đầu tư cho y tế, chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý thuốc chữa bệnh và cơ sở y tế tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, đã ưu tiên bố trí khoảng 7% tổng chi ngân sách nhà nước (7,6% nếu tính cả trái phiếu Chính phủ) và đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công - tư đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế. Triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện; nâng cấp cơ sở vật chất; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế xuống cơ sở...
Ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA cho các trạm y tế xã. Nâng cao y đức, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế. Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân; kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.
Tích cực thực hiện Luật Bảo hiểm y tế; nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo; khuyến khích mua theo hộ gia đình; góp phần giảm chi phí của người bệnh có bảo hiểm y tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Đến cuối năm 2015, phấn đấu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 75% dân số.
Tăng cường các biện pháp quản lý thuốc chữa bệnh, nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế; thực hiện quy định về kê khai, công bố, niêm yết giá. Cải cách đấu thầu thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm được giá nhiều loại thuốc. Phát triển công nghiệp dược, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng khẳng định chất lượng khám chữa bệnh còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở tuyến cơ sở; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương chưa được khắc phục căn bản. Việc thanh toán khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, quản lý và đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế còn bất cập. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết, kê khai giá theo quy định. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém.
Đây là những vấn đề sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ trong những ngày tới.
Theo VOV