Kỷ luật nghiêm ngặt trong chấm thi ĐH

(Dân trí) - Bài thi ĐH, CĐ được chấm 2 vòng độc lập, mỗi vòng cán bộ chấm thi phải bốc thăm túi thi. Nếu cán bộ chấm thi làm lộ số phách bài thi, chữa điểm trong bài thi sẽ bị buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật.

Hiện nay các trường ĐH, CĐ đang trong giai đoạn chấm thi tuyển sinh 2012. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT đã có những quy định kỷ luật nghiêm ngặt đối với cán bộ chấm thi.
 
Cán bộ chấm thi đại học 2012.
Cán bộ chấm thi đại học 2012.

Bốc thăm chấm từng túi bài thi

Trước khi chấm, trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế, thảo luận đáp án, thang điểm, chấm thử, sau đó tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.

Lần chấm thứ nhất, trưởng ban Chấm thi duyệt phiếu chấm riêng cho từng môn được thiết kế phù hợp với đáp án và thang điểm chi tiết do Trưởng ban Đề thi phê duyệt. Đối với những trường sử dụng đề thi chung của Bộ GD-ĐT, phiếu chấm phải đúng mẫu quy định của Bộ GD-ĐT.

Sau khi đánh số phách, rọc phách và ghép vào mỗi bài thi một phiếu chấm, ban Thư ký giao túi bài thi cho Trưởng môn chấm thi để bốc thăm nguyên túi cho cán bộ chấm. Không xé lẻ túi bài thi giao riêng cho từng người.

Trước khi chấm, cán bộ chấm thi kiểm tra từng bài xem có đủ số tờ, đủ số phách không và gạch chéo tất cả những phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết. Không chấm những bài làm trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi đó, bài làm trên giấy nháp, bài có hai thứ chữ khác nhau, bài có viết bằng mực đỏ, bút chì hoặc có viết vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi, bài thi nhàu nát hoặc nghi vấn có đánh dấu. Cán bộ chấm thi có trách nhiệm giao những bài thi này cho Trưởng môn chấm thi xử lý thí sinh dự thi vi phạm Quy chế.

Khi chấm lần thứ nhất, ngoài những nét gạch chéo trên các phần giấy còn thừa, cán bộ chấm thi tuyệt đối không ghi gì vào bài làm của thí sinh. Điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét (nếu có) được ghi vào phiếu chấm của từng bài. Trên phiếu chấm ghi rõ họ, tên và chữ ký của cán bộ chấm thi. Chấm xong túi nào, cán bộ chấm thi giao túi ấy cho Trưởng môn chấm thi để bàn giao cho ban Thư ký.

Lần chấm thứ hai, sau khi chấm lần thứ nhất, ban Thư ký rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho Trưởng môn chấm thi bốc thăm cho người chấm lần thứ hai.

Khi bốc thăm túi bài thi cho cán bộ chấm lần thứ hai, Trưởng môn chấm thi phải có biện pháp để túi bài thi không giao trở lại người đã chấm lần thứ nhất. Người chấm thi lần thứ hai chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh. Điểm chấm từng ý nhỏ phải ghi tại lề bài thi ngay cạnh ý được chấm, sau đó ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào ô quy định, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài thi của thí sinh. Chấm xong túi nào, cán bộ chấm thi giao túi ấy cho Trưởng môn chấm thi để bàn giao cho ban Thư ký.

Làm lộ số phách bài thi sẽ bị buộc thôi việc

Cán bộ chấm thi sẽ bị cảnh cáo nếu chấm thi hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót. Bị buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật nếu làm lộ số phách bài thi; Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; Chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong sổ điểm; Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thang điểm chấm thi là thang điểm 10. Đối với các môn thi theo phương pháp tự luận, cán bộ chấm thi chỉ chấm theo thang điểm 10. Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm. Riêng các môn năng khiếu và các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm có thể theo thang điểm khác, nhưng điểm toàn bài phải quy về thang điểm 10. Việc tính hệ số do máy tính thực hiện.

Thí sinh lưu ý, sau khi công bố điểm thi, HĐTS chỉ nhận đơn xin phúc khảo các môn văn hoá của thí sinh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và phải trả lời đương sự chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn. Thí sinh nộp đơn xin phúc khảo phải nộp lệ phí theo quy định của trường. Nếu sau khi phúc khảo phải sửa điểm theo quy định thì HĐTS hoàn lại khoản lệ phí này cho thí sinh. Không phúc khảo các môn năng khiếu.

Hồng Hạnh