Có một trường đại học như thế
Kỳ I: Ấn tượng đầu tiên - Lạ
Gia đình tôi có một công chúa, cô nàng nay đang học lớp 12 và sắp phải thực hiện một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời: chọn ngành nghề và chọn trường đại học. Để đưa ra lời khuyên đúng đắn giúp con định hướng tốt, tôi và bà xã cũng phải lặn ngụp giữa một bể thông tin, lắm lúc không biết đâu mà lần.
Trong một cuộc họp mặt, tôi có dịp nghe về trường Đại học Việt-Đức từ anh bạn cũ, cũng có con trai đang học trường này. Và ấn tượng đầu tiên của tôi chính là, lạ quá, lại có một trường đại học như thế sao?
Lạ từ cái tên Việt-Đức. Ồ, tên Việt-Đức thì có gì mà lạ, giữa cái thời buổi các trường đại học quốc tế mọc lên như nấm, quảng cáo rầm rộ này? Trường Đại học Việt-Đức là sự kết hợp tầm chính phủ giữa hai nước Việt Nam và CHLB Đức, với nguồn ngân sách đáng kể và danh sách các hợp tác gồm 36 trường đại học Đức, do đó có tên Việt–Đức. Cho tới nay chỉ mới có trường đại học Việt–Pháp, Việt–Đức và trường Việt–Nhật sắp được thành lập là được xây dựng trên mối quan hệ cấp chính phủ như thế này. Trường áp dụng mô hình trường đại học Đức, đào tạo và cấp bằng theo tiêu chuẩn Đức, được cả khối Châu Âu công nhận.
Ở đây lại có thêm một điểm lạ. Tại sao không phải là tiêu chuẩn quốc tế, lại là tiêu chuẩn Đức? Xin thưa, liệu có cái tiêu chuẩn nào là “quốc tế” không? Ví dụ, chỉ tính những nước có nhiều người Việt Nam sang du học như Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Đức,… đã là những hệ thống giáo dục riêng biệt, bằng cấp cũng khác nhau, chẳng ai giống ai. Vậy thì lấy gì làm “chuẩn quốc tế” đây? Vài năm trước tôi có nghe đến tiến trình Bologna (1999), là sáng kiến cải cách giáo dục đại học của các nước Châu Âu, đưa ra những quy tắc thống nhất quá trình, chất lượng và bằng cấp đào tạo trên toàn Châu Âu. Sự rạch ròi trên giúp người tìm hiểu thông tin như tôi thoát khỏi nồi lẩu hổ lốn mang tên “tiêu chuẩn quốc tế”. Những gì đại học Việt-Đức đặt ra làm mục tiêu giảng dạy là dựa theo quan điểm nhất quán của hiệp ước Bologna nói trên với những chuẩn mực rõ ràng, như dạy theo tiêu chuẩn Đức, học như cùng chương trình với sinh viên Đức, bằng của đại học do chính phủ Đức chỉ định cấp, được cả khối Châu Âu công nhận.
Vậy dạy và học theo tiêu chuẩn Đức thì có khác gì? Một điều bắt buộc là, giảng viên đứng lớp đều phải đạt bằng cấp tiến sĩ được công nhận bởi các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp,… và Đức. Quả khác thật, chuẩn đứng lớp các trường đại học công lập của ta thì chỉ thạc sĩ đã đủ rồi. Mà không chỉ có tiêu chuẩn về giảng viên đứng lớp, còn hằng hà các tiêu chuẩn khắt khe khác mà một khi hợp tác với Đức, ta phải tuân theo. Như ở lớp, sinh viên được học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Song song với quá trình học, lớp kỹ năng học tập và làm việc, lớp tiếng Đức cơ bản đến trung cấp là bắt buộc để chuẩn bị cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học đủ khả năng làm việc hoặc tiếp tục nghiên cứu học tập ở Việt Nam hay ở bất kỳ nước nào khác ở Âu, Mỹ. Trên lộ trình kinh tế hội nhập với thế giới, lượng đầu tư từ các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là từ các nước phát triển Châu Âu vào nước ta ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cũng tăng. Việc sinh viên Việt-Đức được chuẩn bị kỹ càng từ kiến thức đến các kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng viết hồ sơ, phỏng vấn,… cho môi trường làm việc chuyên nghiệp đã là một ưu thế lớn. Ngoài ra, trường còn trao cho sinh viên những cơ hội vàng được thường xuyên đi thực tập, tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp lớn từ Đức và các nước Châu Âu. Tôi quan niệm, một khi ta sẵn sàng, cơ hội đến, những gì ta phải làm là bắt lấy.
Với một nhân viên công chức như tôi, chi phí cho con đi du học hay học đại học quốc tế là một con số quá lớn. Nhưng sau khi tìm hiểu về trường đại học Việt-Đức, tôi thở phào nhẹ nhõm vì nhận thấy học phí một năm tại trường Việt Đức vẫn nằm trong khả năng chi trả của gia đình, thấp hơn so với mức chất lượng nhà trường cam kết, chi phí còn nằm dưới các chương trình liên kết quốc tế khác! Đó là chưa kể đến các học bổng danh dự và trợ cấp học phí lên đến 100%. Làm thế nào mà lại có chuyện “chất lượng Châu Âu, học phí Việt Nam” thế này được? Anh bạn tôi giải thích, nhờ khoản hỗ trợ lớn về chi phí giảng viên và cơ sở vật chất từ chính phủ hai nước Việt–Đức, mà khoản học phí phải đóng của sinh viên được giảm đến tối đa.
Tìm hiểu gián tiếp qua bạn bè, trực tiếp qua báo chí, Internet đến đây, tôi thấy tò mò về ngôi trường lạ lùng này, bèn tìm đến dự buổi hội thảo thông tin ngay tại trường Việt-Đức. (còn tiếp kỳ sau)