Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập:

Kiến nghị chuyển “3 chung” thành “2 chung”

(Dân trí) - Đại diện các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đồng tình “Thi 3 chung đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó” tuy nhiên việc bỏ hẳn phương thức thi này cần có lộ trình. Giải pháp dễ được chấp nhận nhất chính là chuyển thành “2 chung” rồi từ từ bỏ hẳn.

Liên tiếp 2 kỳ thi tuyển sinh năm 2010 và 2011 cho thấy các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) gặp khó khăn như thậm chí một số trường khó tồn tài vì số lượng sinh viên quá ít. Điều đó cho thấy phương thức thi 3 chung đã không còn phù hợp, cần sớm thay thế bằng hình thức khác.

Kiến nghị chuyển “3 chung” thành “2 chung” - 1
GS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, chủ trì hội thảo lắng nghe kiến nghị đổi mới tuyển sinh.

Bỏ “3 chung” thành “2 chung” là đề xuất được nhiều trường kiến nghị trong buổi hội thảo Kiến nghị đổi mới căn bản việc thi và tuyển sinh do Hiệp hội các trường ĐH,CĐ NCL tổ chức hôm qua 20/10  tại TPHCM. GS.TS Đào Văn Lượng, hiệu trưởng ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho rằng việc bỏ 3 chung là hợp lý rồi nhưng phải có lộ trình, trước mắt chuyển thành “2 chung”. “Đang làm 3 chung chuyển thành 2 chung không khó và xã hội cũng dễ chấp nhận. Có thể có phương thức đánh giá chung nhưng chọn lựa thì do mỗi trường với đặc điểm riêng. Phương thức 2 chung làm vài năm rồi sau đó bỏ từ từ và tương lai sẽ chọn đầu vào từ cấp phổ thông. Vậy việc gộp 2 cuộc thi thành 1 sẽ tiết kiệm cho xã hội rất nhiều”, TS Lượng kiến nghị.

Tán đồng với ý kiến đó, PGS.TS Phạm Bá Phong, hiệu trưởng ĐH Yersin Đà Lạt, bày tỏ rằng việc tuyển sinh theo phương thức “3 chung” khiến trường ông gặp nhiều khó khăn và hoạt động cầm chừng. Những năm gần đây số sinh viên vào trường liên tục giảm xuống và nếu đến năm 2012 không có cơ chế tuyển sinh mới thì trường sẽ có dưới 2000 sinh viên. Tuy vậy ông Phong cũng cho rằng “3 chung cần phải xem xét lại nhưng không thể bỏ tất cả mà giữ lại 2 chung. Đồng thời, kiến nghị Bộ nới rộng đầu vào và siết chặt đầu ra”.

Các kiến nghị đều cho rằng thi theo phương thức 2 chung ở đây được hiểu là chung đề, chung đợt thi. Còn về điểm thi thì tùy theo trường mà Bộ GD-ĐT có những quy định mức điểm chuẩn cụ thể. TS Vũ Thị Phương Anh, phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chất lượng của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, cũng nghĩ rằng đề xuất chuyển sang phương thức 2 chung sẽ được Bộ GD-ĐT ủng hộ vì điểm sàn hiện nay chưa khoa học.

Kiến nghị chuyển “3 chung” thành “2 chung” - 2
TS Vũ Thị Phương Anh kiến nghị nên phá vỡ điểm sàn.

Theo bà Phương Anh, điểm sàn tuyển sinh hiện nay thuộc loại vì không đủ chỗ cho tất cả mọi người học thì buộc phải cắt chứ không chuyên cho từng ngành. “Bộ GD đang xét chung điểm sàn trên toàn quốc nên xảy ra nhiều bất cập. Chẳng hạn như thi vào khối B ngành Y thì dù thí sinh đạt 18 điểm nhưng không thể trúng tuyển vào đâu cả, như vậy thì sẽ lãng phí cho xã hội”, bà Phương Anh nói . Vì vậy, TS Phương Anh kiến nghị nên phá vỡ điểm sàn.

Lắng nghe góp ý của đại diện các trường, GS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, cũng khẳng định việc tuyển sinh nên giao lại cho nhà trường. Sau hội thảo góp ý ở TPHCM, Hiệp hội tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến ở Hà Nội và Đà Nẵng để từ đó tập hợp kiến nghị lên Bộ GD-ĐT phương thức tuyển sinh ưu việt hơn.

Thụy An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm