"Kiên cố hóa" - Những câu chuyện buồn

(Dân trí) - Từ 4 năm nay, vào mỗi mùa khai trường, Chương trình kiên cố hoá trường học đã đem lại “sức sống mới” cho hàng trăm nghìn trường học trên khắp cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít băn khoăn từ Chương trình mang đầy tính nhân văn này.

Ngày 23/8, Bộ GD-ĐT đã tổng kết 4 năm thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp. Đây là chương trình được bắt đầu triển khai từ 15/11/2002 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Từ buổi tổng kết này, Dân trí đã có một số tổng hợp quanh những câu chuyện “kiên cố hoá”:

Tranh tre nứa lá, càng xoá càng tăng!

Năm 2002, sau khi rà soát lại tình hình phòng học của tất cả các địa phương trên cả nước căn cứ trên báo cáo của các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xây dựng tổng số phòng học dự kiến là 67.500 phòng học với mục tiêu đến cuối năm 2003 xóa bỏ tình trạng học 3 ca, đến năm 2005 không còn lớp học tạm tranh tre, nứa, lá.

Nhưng vào thời điểm đầu năm 2005, trong khi số phòng học mới xây dựng chỉ là 55.019/ 67.500 phòng thì các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ lại  tiếp tục báo cáo về danh sách số phòng học cũng đang trong diện rất “khẩn thiết” được giải quyết với tổng số lên tới hơn 110 nghìn phòng! 

Nếu tính cả số phòng học 3 ca, phòng học tạm thời, tranh tre nứa lá đã báo cáo với Chính phủ tháng 8/ 2002 đến nay chưa xây dựng là 12.481 thì tổng số phòng học các loại cần xây dựng đã lên đến 122.481 phòng, gấp đôi số phòng học trong dự kiến cần xây dựng ban đầu!

Đề nghị có thêm nhiều... WC!

Mặc dù số phòng học cần được xây mới tăng đến mức chóng mặt như vậy nhưng nhiều địa phương vẫn đề nghị xây phòng học phải xây kèm WC thì Chương trình Kiên cố hoá trường học mới đạt yêu cầu! Hiện nay, các hạng mục được xây dựng trong kinh phí của TƯ cho chương trình chỉ tính đến các phòng học chứ không tính đến nhà vệ sinh nên khoản này các địa phương phải tự lo liệu lấy!

Theo ông Trương Văn Thu - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng: “Trước nay chúng ta cứ quan tâm đến việc học mà quên mất những cái khác. Ví dụ như vấn đề vệ sinh cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các cháu. Học sinh THCS, THPT còn các yếu tố phát triển về tâm sinh lý nên thực tế cái nhà vệ sinh là rất quan trọng”.

Quả thật, nếu thêm cả xây dựng WC thì gánh nặng của Chương trình kiên cố hoá trường học sẽ lâm vào tình trạng cực kỳ quá tải và không biết đến bao giờ mới hoàn thành được!

Chưa sử dụng đã nứt tường, lún nền, vênh cửa!

Theo mức chung, mỗi phòng học xây dựng được cấp tới 130 triệu đồng. Trong giai đoạn 2002-2006, các địa phương đã “ngốn” hơn 9.300 tỉ đồng cho việc kiên cố hoá này (trong đó, ngân sách chung là hơn 5.223 tỉ đồng; ngân sách hàng năm của địa phương là hơn 3.174 tỉ đồng) .

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo chương trình kiên cố hoá trường, lớp học Trung ương, Bộ GD-ĐT cũng đã buộc phải chỉ rõ việc dùng tiền này của nhiều  địa phương không ổn: Khi triển khai chương trình, nhiều địa phương xây dựng đề án và bố trí kế hoạch đầu tư không đúng danh mục đã báo cáo với Chính phủ, Bộ GD-ĐT. Tiến độ thực hiện chương trình của một số tỉnh còn chậm so với yêu cầu. Một số tỉnh đã sử dụng một phần ngân sách hỗ trợ để bố trí cho các công trình khác không đúng với mục tiêu của chương trình.

Một số phòng học của một vài địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình là kiên cố, bền vững mà chỉ xây dựng tương đương với tiêu chuẩn nhà bán kiên cố (chủ yếu ở các nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mặt bằng xây dựng hẹp). Chất lượng một số phòng học chưa đảm bảo, mới đưa vào sử dụng đã bị nứt tường, lún nền, vênh cửa! Sở dĩ có hiện tượng này là do ban Quản lý dự án của địa phương... yếu về năng lực!

Hơn 500 tỷ đã bị “biến dạng”

Báo cáo kết quả Thanh tra Bộ Tài chính ở 36/55 tỉnh cho thấy, một số tỉnh đã sử dụng một phần ngân sách TƯ hỗ trợ để bố trí cho các chương trình khác không đúng với mục tiêu. Số vốn các địa phương đã sử dụng để thực hiện các công việc khác lên tới hơn 513 tỷ đồng.

Hơn 500 tỷ đồng này đã bị “biến dạng” thành những “công trình” như sản xuất... nhựa, xây dựng trường Chính trị của tỉnh, trường dạy nghề, trường Sư phạm...

Cụ thể: Tỉnh Hà Giang đã sử dụng 59,155 tỷ đồng để thanh toán... nợ khối lượng xây dựng trước năm 2002, xây dựng trường Chính trị của tỉnh, huyện và trường CĐSP.

Tỉnh Tuyên Quang sử dụng 105,682 tỷ đồng để xây dựng lại các phòng học cấp IV xuống cấp.

Tỉnh Yên Bái sử dụng 31,860 tỷ để thanh toán... nợ khối lượng các dự án đã có nguồn vốn từ các chương trình khác.

Tỉnh Lạng Sơn đã sử dụng 4 tỷ đồng vốn công trái giáo dục cho... danh nghiệp vay để sản xuất nhựa…

Hai phương án của Chương  trình kiên cố hoá trường học trong thời gian từ nay đến năm 2010:

 

Phương án 1: Tập trung thanh toán phòng học 3 ca mới phát sinh, phòng học nhờ, mượn, các loại phòng học tạm thời. Vốn đầu tư dự kiến để thực hiện mục tiêu này là 7.714 tỉ đồng (59.340 phòng x 130 triệu/ phòng).

 

Phương án 2: Thực hiện thêm mục tiêu xây dựng lại các phòng học bán kiên cố (cấp IV cũ) hết niên hạn sử dụng đã và đang xuống cấp không thể sử dụng được. Để thực hiện phương án 2 này số vốn đầu tư dự kiến khoảng 15.914 tỉ đồng.

M.M