Khuyến khích mở cơ sở giáo dục ĐH trong các doanh nghiệp lớn
(Dân trí) - Đó là một trong những nội dung chương trình hành động của ngành Giáo dục thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011 -2020. Theo đó, khuyến khích mở các cơ sở giáo dục đại học trong các doanh nghiệp lớn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2015, Bộ GD-ĐT đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội. Theo đó, triển khai tích cực các hợp đồng, thỏa thuận đào tạo, sử dụng nhân lực đã ký kết. Quy định trách nhiệm và cơ chế phù hợp để mở rộng các hình thức, nội dung liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, khuyến khích mở các cơ sở giáo dục đại học trong các doanh nghiệp lớn nhằm thực hiện có hiệu quả việc cung cấp nhân lực trực tiếp cho các doanh nghiệp; huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng và đánh giá chương trình, tổ chức đào tạo, hỗ trợ trong việc bố trí chỗ thực tập và tuyển dụng học sinh, sinh viên tốt nghiệp.
Chủ động đào tạo và cung ứng, đáp ứng nhu cầu nhân lực về số lượng, chất lượng theo ngành nghề, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động tại vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, công nghệ cao; chú trọng việc phối hợp, liên kết trong đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp, gắn chặt với nhu cầu ngành, địa phương và toàn xã hội.
Tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ưu tiên nguồn vốn ODA cho các cơ sở giáo dục, vùng còn nhiều khó khăn, các trường/đại học, viện nghiên cứu và đào tạo trọng điểm. Ưu tiên các chỉ tiêu cho các trường/đại học, viện nghiên cứu và đào tạo trọng điểm đi học tại nước ngoài theo các đề án sử dụng ngân sách nhà nước và các chương trình học bổng của nước ngoài, đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng. Mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu giáo dục đủ tầm để xây dựng nền khoa học giáo dục Việt Nam, tham mưu cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách giáo dục. Ưu tiên cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về khoa học giáo dục; đầu tư nhằm nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học của các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục. Có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà khoa học nước ngoài có uy tín và kinh nghiệm, các trí thức Việt kiều tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Hoàn thành và trình Chính phủ Nghị định về phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học và triển khai thực hiện. Phát triển các chương trình đào tạo trình độ đại học theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng. Vận dụng có chọn lọc một số chương trình đào tạo tiên tiến của các đại học có uy tín trên thế giới vào đào tạo của một số trường đại học ở Việt Nam.
Hồng Hạnh