Khung mẫu về nhân cách người thầy trong hoàn cảnh mới
(Dân trí) - Hiện nay, trong “bối cảnh kép” đòi hỏi cần đào tạo lại đội ngũ người thầy, phát triển được lực lượng tinh hoa của đội ngũ người thầy và kiến tạo phương án “vượt gộp” để đào tạo ra những thế hệ người thầy với khung mẫu về nhân cách phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Tại hội thảo khoa học quốc tế: "Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay: Xu hướng Việt Nam và thế giới" do Học viện Quản lý giáo dục, Chương trình ETEP và The World Bank phối hợp tổ chức ngày 6/12, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, ThS Lê Thanh Huyền đã có bài phân tích rất sâu sắc về: "Quan điểm và giải pháp phát triển người thầy/đội ngũ người thầy trong hoàn cảnh mới".
4 vai trò của người thầy
Kỹ thuật dạy học và công nghệ dạy học: Dù có nhiều đổi thay và phát triển theo chiều hướng ngày càng hiện đại. Song ở nhiều nước, trong đó có nước ta tại các Nhà trường vẫn xen 4 kiểu dạy học và kéo theo chúng là bốn vai trò của người:
Kiểu dạy học truyền thống: Trong kiểu dạy học này, thầy có vai trò là người chỉ huy, trò chấp hành mệnh lệnh của thầy, trò được yêu cầu “bắt chước” nội dung của thầy.
Kiểu dạy học gợi mở: Trong kiểu dạy học này, Thầy có vai trò người thiết kế, Trò thi công ý tưởng của Thầy. Trò được yêu cầu “tái hiện” nội dung của Tri thức.
Kiểu dạy học tích cực: Trong kiểu dạy học này, Thầy có vai trò người dẫn dắt, Trò lĩnh hội sự truyền đạt của Thầy. Trò được yêu cầu “tái tạo” nội dung của tri thức.
Kiểu dạy học kiến tạo: Trong điều kiện dạy học này, Thầy có vai trò là người cố vấn, người truyền cảm hứng, Trò khám phá được hiện thực khách quan mà Thầy – Trò cùng quan tâm. Trò thực hiện “sáng tạo” nội dung của tri thức.
Người thầy theo phương châm “Hữu giáo vô loại”
PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho rằng, nếu lấy hai tiêu chí: Sự phát triển trí tuệ và thái độ học tập thì ở tập thể người học cũng tồn tại 4 loại: Thông minh – chăm chỉ; thông minh – Lười/học tài tử; Chậm – chăm chỉ; Chậm – lười.
Người thầy theo phương châm “Hữu giáo vô loại” (không ai không dạy được) phải uyển chuyển, tròn vai trên cả 4 phương diện: Người chỉ huy, người thiết kế, người dẫn dắt, người cố vấn truyền cảm hứng.
Người thầy tận tâm là một nhà quản lý, quản lý không có dấu đỏ, có kỹ năng phong cách dạy học để học sinh nào cũng bắt kịp với “yêu cầu dạy học” đặt ra.
Người thầy như GS Nguyễn Cảnh Toàn chỉ ra: Phải dạy học sinh theo tinh thần phân hóa qua 4 sức: Sức chứa, sức hút, sức chấm, sức chế biến.
Lao động sư phạm của người thầy khi phấn đấu là “Sư hinh” (Người thầy cao quý – Lời dạy của Bác Hồ) vì vậy rất nặng nhọc.
Những chính sách kinh tế - giáo dục vì vậy phải biết nếu bao quát đến các đặc trưng trên để có các nội dung thật “thấu tình đạt ý”.
Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, không thể dùng tư duy kinh tế thông thường trong việc xác định các sự đãi ngộ cho người thầy/ đội ngũ người thầy.
“Tất cả vì học sinh thân yêu”
PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho biết, có “bài kệ” sau với 16 chữ vàng cho người thầy hành xử theo minh triết “Tất cả vì học sinh thân yêu” (Thông điệp từ trường Bắc Lý những năm 60 của Thế kỷ XX).
Với học trò: Dụ - Trợ - Khải – Phát
Với bài học: Kế - Triển – Kiểm – Hồi
Kỹ năng sư phạm: Huấn – Luyện – Lượng – Bồi
Phong cách sư phạm: ÂN – Uy – Đức - Pháp.
Biết từ bỏ sư phạm quyền uy tới sư phạm dân chủ.
Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, người thầy/ đội ngũ người thầy đang vận động trong “bối cảnh kép”: vừa phải thực hiện các nhiệm vụ của đổi mới giáo dục theo tinh thần NQ 29/TW khóa 11, vừa phải chủ động thích ứng với động thái của CMCN 4.0.
Họ có nhiệm vụ thực hiện tinh thần dạy học kiến tạo, biết từ bỏ sư phạm quyền uy tới sư phạm dân chủ, hợp tác, trang bị cho người học sự phát triển toàn diện năng lực phẩm chất lại phải đón đầu với các tiến bộ của công nghệ dạy học, kỹ thuật dạy học qua “E - learning”, “trường học kết nối”, “STEM”, “MOOC”…
Cuộc sống đòi hỏi người thầy phải “tận tâm hơn” song lại phải “tốc độ nhiều hơn”, “kết nối nhiều hơn”, “thông minh nhiều hơn”.
“Kinh tế” đang diễn ra động thái “cá nhanh nuốt cá chậm”. Giáo dục/nhà trường là động lực cho kinh tế. Người thầy/đội ngũ người thầy nếu không biết cách dạy học/giáo dục hiệu quả thì đẩy dân tộc vào tỉnh cảnh “Trâu chậm uống nước đục”.
Chính sách cho phát triển người thầy/đội ngũ người thầy lúc này cần có những sáng suốt trên cả hai khía cạnh kinh tế - giáo dục để họ không phải trăn trở như Tiên Điền Nguyễn Du từng thốt ra:
“Tráng sĩ bạch đầu bi hứng thiên
Người tráng sĩ đầu bạc nhìn trời mà than rằng
Hùng tâm/sinh kế lưỡng mang nhiên.
Hùng tâm và sinh kế đang giằng xé tâm can”.
Lấy trọng tâm là giáo dục STEM
PGS.TS Đặng Quốc Bảo đưa ra 3 vấn đề thực tiễn của phát triển người thầy/đội ngũ người thầy:
Thứ nhất, Phát triển được lực lượng tinh hoa của đội ngũ người thầy. Ở địa phương nào cũng đang có những người thầy tận tâm, tài hoa. Họ lấy minh triết “Tất cả vì học sinh thân yêu” làm phương châm hành động.
Cần liên kết họ thành lực lượng là nhân lực kỹ thuật cao của ngành có chính sách và hình thức tôn vinh xứng đáng để bảo vệ nguồn Gen cao quý của ngành.
Bên cạnh sự tôn vinh người ưu tú, cần có cuộc vận động để người không có tố chất làm thầy tự nguyện chuyển đến các vị trí thích hợp với năng lực, phẩm chất của họ.
Thứ hai, Đào tạo lại đội ngũ người thầy, lấy trọng tâm là giáo dục STEM. Cùng với các nội dung bồi dưỡng truyền thống, cần đặc biệt chú ý đến bồi dưỡng STEM cho người thầy/đội ngũ người thầy.
John Vũ – nhà giáo dục có uy tín quốc tế trong tác phẩm ấn tượng “Giáo dục trong thời đại tri thức” (NXB Lao động – H.2016) có lời bàn xác đáng: “STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán) không phải là cái gì đó bạn học trong đại học, mà phải là nền tảng được xây dựng từ trường trung học”.
Cần thiết kế được “STEM” với các trình độ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và bồi dưỡng STEM cho đội ngũ giáo viên đang có. Ai không thích ứng được yêu cầu bồi dưỡng này cần có sự vận động để họ tự thanh lọc.
Nhiều năm qua, ngành giáo dục đã có những chi phí lớn cho bồi dưỡng giáo viên như bồi dưỡng “Bàn tay nặn bột”, “Bể cá”, “VNEN”, “Nghiên cứu bài học”… các nội dung này đều có “ích” nhưng đem lai lợi thiết thực cho hoạt động của người thầy đang chịu tác động của CMCN 4.0.
Thứ ba, Kiến tạo được phương án đào tạo người thầy/đội ngũ người thầy. “Vượt gộp” là từ đề xuất của GS Phan Ngọc, theo ông, vượt gộp không phải là chạy theo cái mới, bỏ qua cái cũ, cũng không phải như khi bám lấy cái cũ mà coi thường cái mới.
Cuộc sống đòi hỏi người thầy phải “tận tâm hơn” song lại phải “tốc độ nhiều hơn”, “kết nối nhiều hơn”, “thông minh nhiều hơn”.
Kiến tạo phương án đào tạo người thầy
PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho biết, Việt Nam từng có 3 mô hình đào tạo người thầy ở nước ta:
Mô hình truyền thống: đào tạo người thầy mà các trường ĐH SP, CĐSP đã tiến hành nhiều năm nay (mô hình A)
Mô hình Nguyễn Cảnh Toàn: Đào tạo người thầy theo phương thức vừa học, vừa làm. Mô hình này triển khai tại trường ĐH SP những năm 80 của thế kỷ trước (mô hình A+B).
Mô hình Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Đào tạo người thầy vừa có năng lực làm thầy, vừa có năng lực nghiên cứu khoa học cơ bản (mô hình A+C). Mô hình này đang triển khai tại trường ĐH Giáo dục – ĐH QGHN. Sản phẩm của mô hình này có nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên khi tuyển dụng “sản phẩm” lại rơi vào quỹ đạo của luật lệ hiện hành nên thiếu động lực cho sự mở rộng và phát triển.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho rằng, ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, công nghệ dạy học, với sự ưu việt của đào tạo tín chỉ có thể “vượt gộp” các mô hình đã có thực hiện mô hình A+B+C với sự liên kết, hợp tác giữa trường THPT, trường đại học người thầy qua phương thức “học qua hành”.
PGS.TS Bảo cho hay, trong tác phẩm “Giáo dục trong thời đại tri thức”, John Vũ khắc họa tính ưu việt của phương thức “học qua hành”. Đây là sự tổ hợp hai mô trường học tập: Trường học và thực tiễn. Sinh viên tham dự khóa học trong 2 ngày/tuần và dành 3 ngày khác trong tuần để làm việc áp dụng điều đã học vào cuộc sống.
Theo ông Bảo, đào tạo giáo viên hiện nay có thể tham khảo mô hình đào tạo Bác sĩ nội trú. Người học sẽ học 6 năm để có năng lực dạy học, trải nghiệm thực tiễn và nghiên cứu khoa học. Khác với Bác sĩ nội trú, 2 năm cuối cùng làm việc tại bệnh viện, người đủ điều kiện tuyển vào hệ này thì ngay năm đầu đã được cầm phấn.
Họ là “trợ giảng” cho các thầy dạy giỏi ở trường phổ thông, thực hiện phụ đạo và khi cần thiết có thể để họ đứng lớp. Kinh nghiệm cho thấy người giỏi trong lớp có thể dạy người khác vì “học thầy không tày học bạn”.
Trường phổ thông chọn những học sinh có năng khiếu sư phạm, có ý chí và nguyện vọng làm thầy, cần ưu tiên tuyển chọn những em mà gia đình có truyền thống làm thầy.
Như John Vũ đã chỉ ra: “Hệ thống giáo dục ngày nay có thể áp dụng các phương pháp dạy mới kiểu như: “Bài giảng theo nhu cầu”, “E - learning”, “Học qua hành”. Bằng việc sử dụng công nghệ, các trường học có thể phục vụ nhiều sinh viên hơn mà không phải đầu tư xây thêm lớp học hay thuê thêm giáo viên bởi vì sinh viên có thể dự lớp ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào”.
Khung mẫu về nhân cách người thầy trong hoàn cảnh mới
PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho biết, 2500 năm trước đây, Khổng Tử (551 – 479 TCN) người được phương Đông tôn làm “Vạn thế sư biểu” (Biểu tượng cho người thầy đối với muôn đời) có lời dạy: “Học nhi bất yếm, Giáo nhân bất quyện”.
Ngày 6/5/1950, mở lớp huấn luyện khóa 1 tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã lấy lời dạy trên thành khẩu hiệu treo trong phòng họp, Người phát biểu với lớp học:
“Học không biết chán, dạy không biết mỏi” treo trong phòng họp chính là của Khổng Từ. Tuy Khổng Tử là phong kiến và trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng, song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học.
Gần 700 năm trước đây, Nhà giáo Chu Văn AN (1292 - 1370) người được tôn vinh là bậc sư biểu của Việt Nam với Thất trảm sớ có lời dạy môn đệ qua Tám từ: “Cùng lý – Chính tâm – Trừ tà – Cự bế”.
Cùng lý: Bàn cãi cho hết lý lẽ của sự việc.
Chính tâm: Rèn luyện chính tâm, tránh xa muội tâm, tà tâm.
Trừ tà: Chống lại tà thuyết nhảm nhí
Cự bế: Có nghị lực vượt qua nghịch cảnh, khó khăn.
PGS Bảo cho biết, GS.Khaus Schawab, Giám đốc điều hành diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trong bài nói chuyện đầu năm 2017 có nêu: “Chúng ta đang trong thời khắc lối rẽ của lịch sử, khi phải đối mặt với những bất ổn về kinh tế, chính trị, di cư, khủng bố và có những rạn nứt về thể chế, đạo đức, năng lực, lãnh đạo…”, Ông đề 4 chữ C mà bất cứ người hiện đại nào, dù làm nghề gì cũng cần rèn luyện:
C1: Critical thinking/ Tư duy phê phán
C2: Creative/ Năng lực sáng tạo
C3: Communication/ Năng lực giao tiếp
C4: Collaboration/Năng lực hợp tác
Tổng hợp ý tưởng của tiền nhân và lời bàn của đương đại, PGS.TS Đặng Quôc Bảo cho rằng, có thể kiến tạo khung mẫu cho nhân cách người thầy/đội ngũ người thầy Việt Nam trong hoàn cảnh mới như sau:
Tâm điểm: là vòng tròn hạt nhân với: “Học không biết chán/Dạy không biết mỏi”.
Tứ giác ngoại tiếp vòng tròn: “Cùng lý – Chính tâm – Trừ tà – Cự bế”.
Tứ giác vòng ngoài bao lấy tứ giác trên: 4C: Tư duy phê phán; Năng lực sáng tạo; Năng lực giao tiếp; Năng lực hợp tác.
Hồng Hạnh (ghi)