Không xin trợ cấp từ gia đình, sinh viên làm thế nào để “sống sót”?

(Dân trí) - Trở thành quản lý dự án của Heineken từ năm 3, trở thành nhân viên chính thức ngay sau kì thực tập, hay chinh phục nhà tuyển dụng bằng đồ án tốt nghiệp của chính mình…, sinh viên ĐH FPT có nhiều cách để tự trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội ngay cả khi không có gia đình ở bên.

Bước vào giảng đường ĐH FPT với khoản vay tín dụng lên đến 70%, Bùi Quang Anh đã nỗ lực rất nhiều cả trong học tập và rèn luyện để có thể trở thành một sinh viên xuất sắc của khoa Quản trị Kinh doanh: “Với mình, đến trường không chỉ để học. Việc học trên lớp chỉ chiếm 50%, 30% là cái mình tự học, mình tiếp nhận, mình phát triển bản thân, 20% còn lại là xây dựng mối quan hệ cho bản thân mình, cho sự nghiệp của mình”. Với phương pháp học tập đúng đắn, trong suốt 4 năm học tập tại FPT, Quang Anh đã giành được vô số thành tích nổi bật như Sinh viên giỏi, Progressive Award, Outstanding Extracurricular, top 10 cuộc thi “Ý tưởng Kinh doanh” (FSB),…

Điểm nhấn trong bảng thành tích của chàng trai 9X này là việc trở thành Quản lý Dự án Phát triển thương hiệu của Tập đoàn Heineken từ năm 3. Và trong khi nhiều bạn bè cùng tuổi còn đang miệt mài học nâng cao kĩ năng ở các trung tâm ngoài, Quang Anh đã là giảng viên bộ môn Marketing của Tomorrow Marketers Academy. Những công việc này đem lại cho cậu sinh viên FPT một thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống sinh viên cũng như tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp để tiến xa hơn sau khi ra trường.

Câu chuyện thành công của Quang Anh không phải là cá biệt. Rất nhiều sinh viên hiện nay đã chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình từ thời sinh viên. “Nhà tuyển dụng bây giờ ai cũng đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm 1, 2 năm mới nhận. Nếu không tích lũy từ thời sinh viên thì mình sẽ không thể nào đáp ứng nổi tiêu chí ấy” - Trần Huyền My, sinh viên năm 3, ĐH Ngoại ngữ - người đang làm bán thời gian (part-time) tại một công ty phiên dịch chia sẻ.

Không xin trợ cấp từ gia đình, sinh viên làm thế nào để “sống sót”? - 1

Việc tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp từ sớm sẽ giúp sinh viên không bị bỡ ngỡ khi bước vào thị trường lao động.

Cũng với lý do đó mà ngày càng nhiều trường Đại học đưa tiêu chí “hỗ trợ việc làm cho sinh viên”, “giới thiệu việc làm ngay từ khi đi học” vào thông tin tuyển sinh như một cách khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo. Ở ĐH FPT của Quang Anh, sinh viên được tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp từ rất sớm thông qua nhiều hoạt động như thăm quan doanh nghiệp (Company Tour), Đối thoại doanh nghiệp, Thực tập thực tế tại doanh nghiệp,… Các hoạt động này giúp sinh viên có cơ hội tìm hiểu kĩ hơn về môi trường làm việc tương lai, đồng thời lên kế hoạch trang bị đủ các kĩ năng để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu 100% phải đáp ứng chuẩn tiếng Anh sau năm nhất (mức tối thiểu cần đạt là 6.0 IELTS hoặc 80 TOFEL iBT) cũng giúp sinh viên ĐH FPT có thêm nhiều lựa chọn khi bắt đầu đi làm thêm.

Và không chỉ dừng lại ở việc đi cộng tác, thực tập tại các doanh nghiệp, nhiều sinh viên còn “dám” khởi nghiệp để tạo ra dấu ấn riêng của mình. Một câu chuyện điển hình là Nguyễn Sỹ Hùng (sinh viên ĐH FPT) đã bắt tay vào khởi nghiệp ngay sau kì thực tập doanh nghiệp kéo dài 8 tháng. Đến khi nhận bằng tốt nghiệp, cậu sinh viên 9X nghiễm nhiên trở thành giám đốc kiêm lập trình chính của công ty. Hiện, công ty của Hùng cũng đã mở chi nhánh ở Mỹ với tên gọi Saolasoft. Mục tiêu của chàng trai 23 tuổi là cho ra đời nhiều ứng dụng di động thành công hơn nữa để phục vụ người dùng và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Không xin trợ cấp từ gia đình, sinh viên làm thế nào để “sống sót”? - 2
Nguyễn Sỹ Hùng (đứng thứ 2 từ trái sang) bắt đầu khởi nghiệp cùng nhóm bạn trong trường khi mới năm 3 đại học.

“Trong công việc, mình nghĩ điều quan trọng là tạo ra một môi trường, tâm lý làm việc thoải mái nhất cho tất cả mọi người và giao đúng người đúng việc. Mình vẫn học từng chút để có thể vững vàng hơn khi lãnh đạo công ty”, vị giám đốc trẻ tuổi chia sẻ. Hùng cũng cho biết, công ty anh đang nhận khoảng 8 sinh viên ĐH FPT đến thực tập có trả lương theo năng lực thực tế. Hùng hy vọng, môi trường làm việc trẻ trung, thoải mái ở đây sẽ tạo động lực để những sinh viên khóa sau phát huy thế mạnh, tài năng của mình.

Rõ ràng, các bạn trẻ hoàn toàn có thể kiếm những nguồn thu nhập đầu tiên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường bởi chính những kiến thức và kinh nghiệm mà mình tích lũy được. Chỉ cần các bạn dám bắt đầu thì cuộc sống sinh viên sẽ không hoàn toàn chỉ là 4 năm dài chỉ chờ “nhận trợ cấp”.

Hải Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm